Sáng 8-1, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận tổ chức chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển" cho ngư dân phường Phú Hài, TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Giúp đỡ thiết thực cho ngư dân
Trong chương trình, hơn 100 ngư dân được khám bệnh, cấp phát thuốc và tuyên truyền về Luật Thủy sản. Đặc biệt, 1.000 lá cờ từ chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" (do Báo Người Lao Động phát động) được chuyển đến tay các ngư dân.
Là một trong những địa phương có nghề cá phát triển nhất tại Bình Thuận, phường Phú Hài (TP Phan Thiết) có hơn 300 tàu thuyền lớn nhỏ đang hoạt động, trong số này có nhiều tàu hoạt động vùng khơi. Trước đây, tình trạng ngư dân phường Phú Hài đánh bắt hải sản ở vùng biển chồng lấn nước ngoài thỉnh thoảng xảy ra thì từ năm 2016 đến nay không còn trường hợp nào.
Phát biểu tại chương trình, đại tá Lã Văn Hùng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cho biết: "Để giúp đỡ thiết thực cho ngư dân, năm 2019, Vùng 4 Hải quân phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận ký kết chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển" giai đoạn 2019-2020. Qua đó, tiếp tục khẳng định dù trong bất luận hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vẫn luôn sát cánh đồng hành, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển" - đại tá Lã Văn Hùng cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, việc tổ chức chương trình này lần nữa khẳng định sự phối hợp hiệu quả giữa địa phương với lực lượng Hải quân, qua đó giúp đỡ ngư dân khai thác hải sản an toàn, đúng pháp luật, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.
Dịp này, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cùng Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cũng trao 20 suất quà cho các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn; tặng gần 100 áo phao, phao cứu sinh cho ngư dân. Ngư dân được xem phim tư liệu về chủ quyền biển đảo Tổ quốc, phổ biến Luật Thủy sản và các quy định liên quan.
Đại diện Báo Người Lao Động (bìa phải) trao bảng tượng trưng tặng 1.500 lá cờ Tổ quốc đến Tỉnh Đoàn Bình Phước. Ảnh: LÊ PHONG
Thể hiện tinh thần tự hào dân tộc
Cùng ngày, tại xã Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước), chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã trao 1.500 lá cờ Tổ quốc đến Tỉnh Đoàn Bình Phước. Đây là một trong những hoạt động của tỉnh Bình Phước, mang tên chiến dịch Thanh niên tình nguyện "Xuân biên giới" 2021.
Ngay từ sáng sớm, khoảng 300 người dân, học sinh và đoàn viên thanh niên đã có mặt tại trụ sở UBND xã Lộc Thiện. Ông Trần Quốc Duy, Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước, cho biết huyện Lộc Ninh là địa phương giáp biên giới và nhiều gia đình là người dân tộc thiểu số rất khó khăn, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Việc Báo Người Lao Động tiếp sức cho người dân nơi đây sẽ giúp họ bớt phần khó khăn.
Đại diện Tỉnh Đoàn Bình Phước đã tiếp nhận 1.500 lá cờ Tổ quốc từ đại diện của Báo Người Lao Động. Trước Tết nguyên đán, đoàn viên thanh niên sẽ đến các đồn biên phòng và người dân sống dọc biên giới để gửi tặng cờ Tổ quốc. Ông Duy nói: "Đây là những món quà ý nghĩa đối với người dân và các đơn vị đang làm việc ở biên cương. Món quà này không chỉ giáo dục, tuyên truyền về chủ quyền biên giới mà còn thể hiện tinh thần tự hào dân tộc".
Chương trình "Xuân biên giới" năm 2021 là chương trình đầu tiên Báo Người Lao Động đồng hành với Tỉnh Đoàn Bình Phước. Hoạt động này mở đầu cho việc phối hợp giữa 2 đơn vị trên nhiều phương diện trong thời gian tới. Những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước xây dựng mô hình "Con nuôi đồn biên phòng". Trẻ em sinh ra trong gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được các đồn nhận nuôi dưỡng để tiếp tục đến trường. Trong lần này, Báo Người Lao Động trao tặng 10 phần quà cho các em nhỏ nói trên. Ban tổ chức cũng đã vận động được 200 phần quà tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.
Đoàn công tác của Tỉnh Đoàn Bình Phước và Báo Người Lao Động cũng đến tặng quà cho gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình người khuyết tật và thanh niên tái hòa nhập cộng đồng.
Bình luận (0)