Sáng 24-7, tại UBND xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của Báo Người Lao Động tiếp tục trao tặng 1.000 lá cờ cho ngư dân huyện Đức Phổ. Trước đó, Báo Người Lao Động đã trao tặng 2.000 lá cờ cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vào ngày 20-7.
Trao niềm tin
Buổi trao cờ Tổ quốc tặng ngư dân huyện Đức Phổ được Báo Người Lao Động phối hợp cùng LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi và UBND huyện Đức Phổ, nhân sự kiện thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Châu.
Sau khi nhận cờ Tổ quốc, nhiều tàu cá của ngư dân Đức Phổ ngay lập tức treo lá cờ mới lên tàu, chuẩn bị các nhu yếu phẩm để ra Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản.
Ngư dân Nguyễn Văn Hoàng (ngụ xã Phổ Châu) cho biết phần lớn ngư dân của xã này hiện đi đánh bắt cá ngừ đại dương và gắn liền với vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đã hàng trăm năm qua. Trong thời gian gần đây, nhiều tàu cá của ngư bị tàu nước ngoài xua đuổi, quấy phá, gây thiệt hại lớn.
"Sau bao năm đánh bắt đơn lẻ, chúng tôi thấy rất vui khi được gia nhập Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Châu. Càng vui mừng hơn khi nhận được những lá cờ Tổ quốc do Báo Người Lao Động trao tặng. Với những ngư dân như tôi, được trao cờ Tổ quốc là trao niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để mỗi tàu cá cắm cờ đỏ sao vàng trở thành cột mốc sống giữ biển trời quê hương. Ngay sau buổi lễ thành lập nghiệp đoàn nghề cá này, chiều nay chúng tôi thay cờ mới, chuẩn bị ngư cụ để ngay ngày mai sẽ ra Trường Sa đánh bắt" - ông Hoàng nói.
Ngư dân huyện Đức Phổ nhận cờ Tổ quốc do đại diện Báo Người Lao Động trao tặng
Cũng nhận cờ Tổ quốc trong sáng 24-7 còn có ngư dân Lê Tới (ngụ xã Phổ Châu) - chủ tàu QNg 98312TS vừa bị tàu nước ngoài đuổi, xịt vòi rồng khi đánh bắt ở Hoàng Sa trở về. Theo ông Tới, hiện nay tàu cá của ngư dân ta hoạt động ở Hoàng Sa ngày nào cũng bị tàu Trung Quốc có vũ trang xua đuổi, chèn ép, quấy phá nhằm gây thiệt hại.
"Tàu của tôi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa cách đây gần 1 tuần bị tàu nước ngoài đuổi, xịt vòi rồng. Họ sẵn sàng đâm tàu cá ngư dân Việt Nam mình với mục đích đẩy ngư dân mình lên bờ. Nếu mình từ bỏ ngư trường, bỏ biển sẽ có lỗi với những bậc cha ông đi trước, có lỗi với thế hệ mai sau. Bởi vậy, việc được Báo Người Lao Động tặng cờ, tặng tủ thuốc cho ngư dân chúng tôi là hết sức ý nghĩa. Chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh trong việc bám biển, giữ ngư trường truyền thống" - ông Tới nói.
Thêm động lực bám biển
Đại diện nhận 1.000 lá cờ do Báo Người Lao Động trao tặng cho ngư dân huyện Đức Phổ, ông Huỳnh Văn Lang, Chủ tịch LĐLĐ huyện Đức Phổ, gửi lời cảm ơn chương trình. Theo ông Lang, toàn huyện Đức Phổ có khoảng 2.000 tàu cá cùng hàng chục ngàn ngư dân thường xuyên đánh bắt xa bờ, chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Cũng giống như nhiều ngư dân khác ở Quảng Ngãi, ngư dân Đức Phổ thường xuyên bị tàu nước ngoài tấn công, xua đuổi, bắt bớ mỗi khi ra Hoàng Sa đánh bắt, gây thiệt hại rất lớn.
"Tôi cũng có rất nhiều bà con, người thân có tàu đánh bắt xa bờ. Bản thân tôi thời trẻ cũng từng đi biển. Trong những chuyến hải trình lênh đênh trên biển cả tháng trời đó, giữa muôn trùng hiểm nguy, sóng gió, không gì quý bằng việc gặp một con tàu đồng hành với lá cờ đỏ sao vàng phấp phới. Lúc đó, những anh em đi biển có cảm giác như được gần gũi, được xích lại gần hơn. Nhìn lá cờ, bao nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền và sự mệt nhọc như tan biến, có thêm động lực tiếp tục đánh bắt. Bởi vậy, việc trao cho ngư dân những lá cờ Tổ quốc để cắm lên nóc tàu mỗi khi ra Hoàng Sa, Trường Sa là việc làm hết sức ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn, giúp ngư dân có sự động viên, vững tin bám biển, giữ ngư trường" - ông Lang nói.
Chứng kiến những lá cờ Tổ quốc được đại diện Báo Người Lao Động trao cho ngư dân, ông Võ Văn Đính, Bí thư Đảng ủy xã Phổ Châu, cho biết mấy chục năm gắn bó với người dân Phổ Châu, ông chứng kiến rất nhiều tàu cá của ngư dân ở đây bị tàu nước ngoài đập phá, lấy tài sản khi đánh bắt. Thậm chí nhiều ngư dân rơi vào cảnh kiệt quệ, không có khả năng trả nợ. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể, mỗi nơi một ít mà nhiều ngư dân mới có điều kiện trở lại ngư trường.
"Dù giá trị vật chất không lớn nhưng qua đó, bà con có thêm động lực, họ cảm thấy được quan tâm, không đơn độc trong công cuộc bám biển mưu sinh, giữ chủ quyền" - ông Đính nói.
Ông Trần Quang Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đức Phổ:
Cần nhân rộng!
Việc Báo Người Lao Động tặng cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân, tôi thấy rất ý nghĩa. Đây là nguồn động viên tinh thần giúp bà con vượt qua khó khăn, tiếp tục bám biển, giữ ngư trường... Nên nhân rộng chương trình này đến nhiều nơi, nhiều ngư dân hơn.
Ông Đinh Văn Thôi, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sa Huỳnh:
Mang ý nghĩa thiêng liêng
Mỗi ngư dân hoạt động trên biển đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, vất vả... Họ là cột mốc sống khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Tôi thấy các hoạt động đồng hành cùng ngư dân, đặc biệt việc Báo Người Lao Động tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân là việc làm hết sức thiêng liêng, là nguồn động viên to lớn cho ngư dân; là nguồn cổ vũ, động viên, làm hậu phương vững chắc cho ngư dân bám biển, giữ ngư trường biển đảo Tổ quốc.
Ông Huỳnh Văn Quang, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ Châu:
Thấy rõ trách nhiệm, vinh dự
Là nghiệp đoàn nghề cá thứ 5 ở Đức Phổ và thứ 13 của tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, chúng tôi rất vinh dự vì được nhận cờ Tổ quốc cùng những phần quà ý nghĩa từ chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của Báo Người Lao Động ngay trong buổi ra mắt. Nhận cờ, chúng tôi cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh, ý chí, trách nhiệm và vinh dự trong việc bám biển, vươn khơi, giữ chủ quyền Tổ quốc.
Bình luận (0)