Ngày 12-11, TAND tỉnh Phú Thọ đã khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cùng 91 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Phiên tòa kỷ lục
Do tính chất đặc biệt của vụ án, ngay từ sáng sớm, hàng trăm cảnh sát được huy động để bảo vệ an ninh. Cũng do số lượng bị cáo, người tham gia phiên tòa đông kỷ lục tại một phiên tòa cấp tỉnh nên từ 6 giờ 30 phút, TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành các thủ tục với những người tham dự. Những bị cáo được tại ngoại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và các luật sư được kiểm tra an ninh nghiêm ngặt vào khu vực xử án.
Ông Phan Văn Vĩnh được dẫn giải đến phiên tòa vào sáng 12-11
Trong số hơn 90 bị cáo được tòa triệu tập, 1 bị cáo là Đặng Hà Thu (33 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc; nghề nghiệp giáo viên, được áp dụng biện pháp tại ngoại), bị truy tố về tội đánh bạc, có đơn xin xử vắng mặt. 14 nhân chứng cùng một số bị hại trong vụ án cũng có đơn xin xử vắng mặt.
Đại diện 3 nhà mạng là: Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng Công ty MobiFone, cùng 3 điều tra viên của cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ được tòa triệu tập đã đến dự phiên tòa.
Với hàng triệu bút lục, TAND tỉnh Phú Thọ phải dùng cần cẩu chuyển 7 chiếc tủ đựng tài liệu từ VKSND về tòa phục vụ việc xét xử. Riêng tiền mặt thu hồi trong vụ án đánh bạc đã lên tới 2.000 tỉ đồng.
Vì số lượng người dự phiên tòa quá đông, HĐXX mất nửa ngày kiểm tra căn cước, lý lịch của 92 bị cáo. Sau khi kết thúc phần thủ tục, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ công bố bản cáo trạng dài 235 trang, truy tố các bị cáo trong vụ án. Dự kiến hôm nay (13-11), cáo trạng mới đọc xong.
Đáng chú ý là trong vụ án này, 2 bị cáo Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", với khung hình phạt tối đa 15 năm tù.
Được bảo kê, làm bình phong
Cáo trạng quy kết ông Vĩnh và ông Hóa dung túng cho Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Phát triển an ninh công nghệ cao, gọi tắt là Công ty CNC) và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Ông Vĩnh còn ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tổ chức đánh bạc của Công ty CNC; chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa ký văn bản báo cáo đề xuất bộ trưởng Bộ Công an cho Công ty CNC tiếp tục tổ chức đánh bạc (vận hành cổng trò chơi đổi thưởng game bài Tip.Club).
Về hành vi "Tổ chức đánh bạc", cáo trạng thể hiện rõ năm 2014, Hoàng Thanh Trung (SN 1978, ngụ TP Hà Nội; đang bỏ trốn) chủ động gặp Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến - VTC Online) bàn về việc tìm đối tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến. Trung đề nghị Nam tìm pháp nhân để xây dựng game đánh bạc. Năm 2015, Phan Sào Nam gặp Nguyễn Văn Dương. Biết CNC là công ty bình phong của C50 được ông Vĩnh và ông Hóa bảo kê nên Nam đề nghị Dương hợp tác phát hành game đánh bạc.
Tháng 4-2015, Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CNC, ký hợp đồng với Phan Sào Nam về việc cung cấp phần mềm và giải pháp công nghệ cho dịch vụ Win2all khai thác thương mại, với tên Rikvip, đặt tại địa chỉ trang web Rikvip.com. Theo đó, CNC là đơn vị phát hành dịch vụ, cung cấp hệ thống, giải pháp thanh toán cho dịch vụ và đứng tên giấy phép. Còn VTC online là đơn vị sản xuất, phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng và phần mềm liên quan. Tỉ lệ phân chia doanh thu thực hiện theo thỏa thuận: Nếu doanh thu đến 5 tỉ đồng/tháng thì CNC hưởng 30%, VTC online hưởng 70%; từ trên 5 tỉ đồng đến dưới 15 tỉ đồng/tháng, CNC hưởng 35%, VTC online 65%; trên 15 tỉ đồng, CNC hưởng 40%, VTC online 60%...
Trong khi đó, Phan Sào Nam đề nghị chị họ là Đỗ Bích Thủy, Giám đốc Công ty Nam Việt, cho mượn pháp nhân công ty để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến. Hoàng Thành Trung được bổ nhiệm làm phó giám đốc công ty này, điều hành mọi hoạt động tại Hà Nội.
Sau khi vận hành thử, từ tháng 4-2015, nhóm điều hành bắt đầu khai thác game bài Rikvip. Các bên thu tiền đánh bạc từ nguồn thẻ cào viễn thông, thẻ game qua công ty trung gian thanh toán gạch thẻ HomeDirect hoặc từ thẻ ATM, thẻ thanh toán quốc tế… Chỉ sau 28 tháng vận hành game đánh bạc, nhóm tổ chức đường dây đánh bạc này đã xây dựng được hệ thống gồm 25 đại lý cấp I, hơn 5.800 đại lý cấp II để chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.
Nguyễn Văn Dương và các đồng phạm đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản đăng ký, thu lợi bất chính hơn 9.800 tỉ đồng. Trong đó, Dương hưởng lợi 1.655 tỉ đồng, Phan Sào Nam hưởng hơn 1.400 tỉ đồng; nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hưởng 1.500 tỉ đồng; 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone hưởng hơn 200 tỉ đồng. Ngoài ra, nhóm điều hành đường dây đánh bạc còn dành hơn 2.600 tỉ đồng được dành trả thưởng cho các con bạc.
Rửa tiền vào các dự án BOT
Sau khi tổ chức, vận hành đường dây đánh bạc ngàn tỉ có sự bảo kê của ông Vĩnh và ông Hóa, để che giấu nguồn tiền phi pháp 1.655 tỉ đồng, Dương tìm mọi cách để rửa tiền. Dương đã nhờ người thân đứng tên lập 3 công ty "ma" để ký giao khoán hợp đồng tổng giá trị 530 tỉ đồng, chuyển vào Công ty UDIC, sau đó hợp thức hóa khoản tiền này.
Ngoài ra, Dương còn có 33 lần góp 330 tỉ đồng vào BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Tuy nhiên, trên thực tế, Dương chỉ góp 23 tỉ đồng, số còn lại là tiền ảo do việc nộp khống vào Công ty UDIC (do Dương làm chủ tịch HĐQT). Năm 2017, Dương bán cổ phần tại Công ty UDIC để lấy tiền gửi tiết kiệm và mua bất động sản.
Bình luận (0)