Kỳ họp thứ 9, HĐND khóa XV TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết "Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ ôtô và các phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải". Nghị quyết này được đánh giá mang tính đột phá, cởi trói về cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư cho lĩnh vực giao thông tĩnh của thủ đô.
Khơi thông nguồn vốn
Đến ngày 1-4-2019, dân số Hà Nội vào khoảng 8,05 triệu người. CSGT Hà Nội đang quản lý hơn 6,64 triệu phương tiện (739.731 ôtô và hơn 5,76 triệu xe máy). Con số này dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh (bãi đỗ xe, điểm đỗ xe...) của TP mới đáp ứng được 8%-10% nhu cầu đỗ xe của người dân, còn khoảng 90% phương tiện đang đỗ tự phát tại các điểm đỗ xe ở lòng đường, chung cư, khu đô thị, sân cơ quan…
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội, cho biết nghị quyết mới được HĐND TP thông qua quy định ngân sách TP sẽ hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất (không bao gồm phần diện tích đất phục vụ kinh doanh dịch vụ, thương mại) đối với các dự án giao thông tĩnh. Riêng các dự án xã hội hóa, sau 10 năm đầu, sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ tiền thuê đất.
Doanh nghiệp (DN) đầu tư vào giao thông tĩnh còn được vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển TP với lãi suất ưu đãi. Trường hợp sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng thì được ngân sách TP hỗ trợ lãi suất vay theo hợp đồng tín dụng tối đa 50% lãi suất tiền vay đầu tư trong 5 năm đầu, cụ thể theo từng dự án.
Ngoài ra, nghị quyết còn quy định các dự án bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng thuộc khu vực ngầm để khai thác dịch vụ, thương mại. Các dự án bến xe, điểm trung chuyển, trung tâm tiếp vận đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 20% tổng diện tích đất của dự án theo quy hoạch để khai thác dịch vụ, thương mại.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, cho rằng chính sách mới của TP đã tạo điều kiện tối đa cho DN khi thực hiện các dự án giao thông tĩnh. "Trước đây, các dự án giao thông tĩnh không nằm trong danh mục được vay vốn của Quỹ Đầu tư TP, mà tài sản để DN thế chấp, vay vốn tại các ngân hàng thường rất khó được chấp nhận. Không vay được vốn thì DN không thể triển khai dự án. Do vậy, khơi thông nguồn vốn là động lực quan trọng nhất cho DN" - ông Đức bày tỏ.
Quỹ đất dành cho giao thông tĩnh ở Hà Nội eo hẹp, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Ảnh: NGÔ NHUNG
Cần giải pháp đồng bộ
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, sở đặt mục tiêu đến năm 2020, vận tải hành khách công cộng đảm nhận khoảng 15%, đến năm 2025 đáp ứng 20% nhu cầu đi lại của người dân thủ đô để tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân trên một số tuyến phố, giảm ùn tắc giao thông, cải thiện ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, đến nay, vận tải hành khách công cộng vẫn hoàn toàn dựa vào xe buýt mà chưa có thêm loại hình mới nào.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng Hà Nội hiện chia thành 3 khu gồm: phố cổ, phố cũ và phố mới. Ở 2 khu phố cổ và khu phố cũ, ngày xưa theo quy hoạch thì phương tiện tham gia giao thông ít, chủ yếu xích lô, xe đạp, xe máy nhưng theo quá trình đô thị hiện đại hóa, ôtô sẽ chiếm phần nhiều. Điều này đặt ra vấn đề quy hoạch giao thông tĩnh cho Hà Nội như thế nào cho hợp lý.
Theo kiến trúc sư Đức, ở nhiều nước, vấn đề quy hoạch giao thông nói chung rất bài bản nhưng ở nước ta thì lại quy hoạch không rõ ràng. Ví dụ như ở Trung Quốc, trước khi cho xây nhà hay trung tâm thương mại, chủ đầu tư phải bảo đảm ít nhất 4 "thông" (thông đường, thông điện, thông nước, thông thông tin liên lạc…) thì mới cho xây, ở nước ta xây nhà rồi mới đi đào rãnh… Chỉ riêng ở Hà Nội, nhiều trung tâm thương mại, khu đô thị mọc lên rất nhanh nhưng quỹ đất dành cho giao thông tĩnh lại hạn hẹp.
"Rõ ràng, bài học kinh nghiệm ở các nước rất nhiều nhưng mình lại không học hỏi mà cứ chăm chăm chạy theo những lợi ích trước mắt" - ông Đức băn khoăn.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng vấn đề khó khăn về giao thông tĩnh là do yếu kém về quy hoạch. Trong tương lai, nhu cầu sử dụng ôtô sẽ tăng, xe máy sẽ giảm nên phải có giải pháp đồng bộ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng toàn diện. Vận tải hành khách công cộng không thể để tình trạng chậm chuyến, chất lượng phục vụ kém như hiện nay.
4 quận cho dân làm bãi đỗ xe
Theo quy hoạch bến bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đã được HĐND TP thông qua, 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa) không bố trí được quỹ đất để đầu tư bến bãi đỗ xe mà chủ yếu dùng bến bãi tạm thời trên vỉa hè.
Theo nghị định của Chính phủ, các bến bãi đỗ xe trên vỉa hè chỉ được xem xét đến năm 2023. Tại 4 quận này, để bảo đảm kinh doanh dịch vụ, nhiều tổ chức, cá nhân đã dành một phần diện tích sử dụng làm chỗ đỗ xe phục vụ kinh doanh thương mại. TP khuyến khích các hộ dân trong 4 quận đầu tư bãi xe. Trước hết sẽ giới hạn trong 4 quận nội thành, sau đó mở rộng ra nếu cần thiết.
Bình luận (0)