Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia
+ Phóng viên: Sau bão số 6, khoảng thời gian từ nay đến cuối tháng 11, thời tiết trên cả nước còn có điều gì đáng lưu ý, thưa ông?
- Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia: Theo dự báo của chúng tôi, một đợt không khí lạnh bắt đầu từ ngày 18-11 tới đây và kéo dài đến khoảng ngày 21 đến ngày 22-11. Đợt không khí lạnh này mặc dù chỉ gây ra các đợt rét ngắn ngày cho Bắc Bộ và khu vực Bắc Trung Bộ nhưng sẽ gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 cho toàn bộ khu vực Bắc và giữa Biển Đông, vùng biển Vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Bộ.
Ngoài ra, vào khoảng thời gian từ ngày 17 và 18-11, trên khu vực Bắc Biển Đông có khả năng xuất hiện một vùng áp thấp hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Cùng thời điểm này, có đợt không khí lạnh rất mạnh (đợt không khí lạnh mạnh ảnh hưởng đến nước ta vào khoảng ngày 18-11), ảnh hưởng nên vùng áp thấp/ATNĐ có xu hướng dịch chuyển nhanh về phía Tây Tây Nam. Diễn biến về cường độ và đường đi của cơn này rất phức tạp vì có sự tương tác với không khí lạnh mạnh.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với những nhiễu động trong đới gió Đông ở các tầng khí quyển trên cao nên ở các tỉnh Trung Bộ sẽ xảy ra một đợt mưa lớn, trọng tâm mưa rất to tập trung ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên.
Các thông tin thời tiết nguy hiểm chúng tôi thường xuyên cập nhật trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: www.nchmf.gov.vn
+ Ông có nhận định chung về tình hình bão/áp thấp nhiệt đới trong khoảng thời gian từ nay đến hết năm 2019 như thế nào?
- Mùa bão chính vụ nước ta thường tập trung từ tháng 6 và kéo dài đến tháng 11, như vậy cao điểm mùa bão ở nước ta chỉ còn tập trung trong tháng 11 này. Từ tháng 12 trở đi là giai đoạn cuối của mùa bão.
Theo nhận định của chúng tôi khoảng thời gian từ nay đến cuối năm (đến hết tháng 12) trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện 2-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới và trong đó có khả năng từ 1-2 cơn bão có khả năng tác động đến đất liền nước ta, trong đó tập trung chính vào giai đoạn tháng 11 và nửa đầu tháng 12.
+ Tại khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên cần chú trọng đến những hiện tượng gì?
- Với khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, từ nửa cuối tháng 11 mưa sẽ giảm nhanh, 2 khu vực này sẽ bước vào giai đoạn mùa khô, các đợt mưa giảm nhanh, tổng lượng mưa trong tháng 12 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chỉ khoảng 20- 40 mm.
Như vậy, mùa thời tiết Nam Bộ và Tây Nguyên trong tháng 12 chủ đạo sẽ là ít mưa, nắng nhiều, trời hanh khô. Trong tháng 11 và 12, mực nước sông Cửu Long chịu ảnh hưởng 2 đợt triều cường, mực nước tại các trạm hạ lưu có khả năng lên mức báo động 1, báo động 2.
Trong mùa khô 2019-2020, khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm hơn và sâu hơn mùa khô năm 2018-2019 và trung bình nhiều năm. Các tỉnh ở đồng bằng Nam Bộ cần xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn để chủ động ứng phó với diễn biến thực tế trong thời gian tới.
Về tình hình hải văn, tại ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện các đợt triều cường từ ngày 13-16 và 25-30 của tháng 11; từ ngày 12-16 và 25-28 của tháng 12 năm 2019. Trong đó đợt triều cường từ ngày 25 đến 30-11, nhiều khả năng xấp xỉ hoặc cao hơn đợt triều cường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10-2019, đặc biệt là trong trường hợp có gió mùa Đông Bắc cường độ mạnh lấn sâu xuống phía Nam. Đỉnh triều sẽ xuất hiện vào khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối.
Bình luận (0)