Sáng 25-8, ông Nguyễn Văn Thành, cựu trưởng phòng Tư pháp phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, đã trao đổi với phóng viên về vụ "con dâu khai tử bố mẹ chồng khi vẫn còn sống" xảy ra trên địa bàn đang gây xôn xao dư luận.
Cụ Hợp vẫn sống khoẻ mạnh nhưng đã bị "khai tử" từ lâu
Trước đó, thông tin phản ánh từ gia đình cụ ông Đỗ Văn Hợp (SN 1932) và vợ là cụ bà Nguyễn Thị An (SN 1932) trú tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội, cho biết thời gian qua, gia đình đã gửi đơn tố giác tới cơ quan chức năng về việc vợ chồng cụ dù còn sống nhưng bị con dâu là bà Vũ Thị V. khai tử từ nhiều năm về trước.
Cụ Hợp cho hay năm 1998, vợ chồng cụ có chia cho con trai là Đỗ Mạnh T. một mảnh đất với diện tích 185 m2 đất, quyền sử dụng đất số 70+70A, tờ bản đồ số 19 tại tổ 7, cụm 1, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội (nay là số 62A, ngõ 399 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ).
Năm 2005, ông Đỗ Mạnh T. mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Sau đó, vợ ông T. là bà Vũ Thị V. đã tới Phòng Công chứng số 3 Hà Nội thực hiện thủ tục kê khai nhận di sản thừa kế cho bà V. và 2 con gái.
Tại thông báo về việc khai nhận di sản ngày 4-7-2006 do công chứng viên Nguyễn Thanh Tú, Phòng Công chứng số 3 Hà Nội, ký duyệt nêu rõ: " Người để lại di sản: Ông Đỗ Mạnh T. đã chết ngày 8-1- 2005... Cha mẹ đẻ ông Đỗ Mạnh T. đã chết"
Sau đó, UBND phường Nhật Tân đã niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế, trong đó có sự việc vợ chồng cụ ông Đỗ Văn Hợp và cụ bà Nguyễn Thị An đã chết.
Sự việc không ai biết cho tới năm 2015, khi vợ chồng cụ Hợp phát hiện bà V. đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ nhà đất số 62A, ngõ 399 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân cho một gia đình khác theo các giấy tờ có thông tin không đúng sự thật đã được niêm yết tại UBND phường Nhật Tân và được Phòng Công chứng số 3 Hà Nội chứng thực. Từ khi sự việc bị phát hiện, cô con dâu Vũ Thị V. cũng biệt tích từ đó.
Ngôi nhà được cụ Hợp chia cho con trai (đã mất), chồng bà V.
Cụ Hợp trầm ngâm: "Vợ chồng tôi còn sống sờ sờ đây, hàng tháng vẫn nhận trợ cấp người cao tuổi đều đặn vậy mà đã mang tiếng là đã chết từ mười mấy năm nay, gửi đơn đi bao nhiêu nơi mà vẫn chưa đòi được quyền sống cho hai vợ chồng."
Theo lời cụ Hợp và các con, nhiều lần nhân cơ hội chỉ có hai cụ ở nhà, nhiều nhóm người đã đến gây áp lực đối với các cụ, bẻ khoá, vứt chăn gối cùng nhiều đồ đạc trong căn nhà 62A. Trước đó, khi phát hiện mình và vợ đã bị khai tử và con dâu dẫn nhiều người lạ đến căn nhà của con trai mình, cụ đã không cho vào và đuổi đi.
Công chứng viên văn phòng công chứng số 3 Hà Nội lúc đấy là ông Nguyễn Thanh Tú, hiện nay đã ra ngoài thành lập văn phòng công chứng riêng, nói: "Do bối cảnh lịch sử lúc ấy, giấy tờ hộ tịch, chứng tử, khai tử, nhất là của người cao tuổi, rất khó khăn để người dân cung cấp được nên khi công chứng viên hỏi thì được cả chị V. và 2 con gái khẳng định ông bà Đỗ Văn Hợp - Nguyễn Thị An đã chết ngày xưa nên không có giấy tờ gì. Họ cam đoan và chịu trách nhiệm về việc này và nếu có vấn đề gì sai sẽ bồi thường bằng chính tài sản của mình. Trong công tác nghiệp vụ, người dân có yêu cầu gì đi chăng nữa thì mình cũng phải làm. Đây là một trường hợp trớ trêu và lần đầu gặp. Trách nhiệm sẽ được làm rõ và tôi cũng chỉ là nạn nhân mà thôi."
Sáng 25-8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành, cựu Trưởng phòng tư pháp phường Nhật Tân, cho biết tháng 7-2006, phường nhận được duy nhất tờ thông báo về việc khai nhận di sản từ Phòng công chứng số 3. "Việc vợ chồng ông Hợp còn sống mà bị con dâu khai là đã chết chúng tôi hoàn toàn không biết. Theo thông tư 03/2001 do Bộ Tư pháp ban hành chúng tôi không có trách nhiệm phải đi xác minh mà chỉ niêm yết ở phường 30 ngày xem có tranh chấp hay không"- ông Thành nói.
Theo ông Thành, đây là "sự cố hy hữu mới xảy ra lần đầu" và UBND phường không sai. "Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chị V. vì đã gian dối. Tiếp theo là phòng công chứng số 3 vì vi phạm về mặt quy trình, thủ tục khi không xác minh rõ ràng"- ông Thành khẳng định.
Bình luận (0)