Trong vai người đi câu cá biển, chúng tôi hôm thì thuê tàu chở nước, hôm thì thuê tàu câu của ngư dân huyện Vạn Ninh để tiếp cận các bè nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong. Đi khắp vịnh này, ngư dân các xã từ Vạn Hưng, Vạn Thắng, Vạn Bình đến tận bán đảo Đầm Môn, Khải Lương (xã Vạn Thạnh), đâu đâu chúng tôi cũng nghe ngư dân than trời khi hơn 4 tháng qua, một nhóm người tranh mua tôm theo kiểu giang hồ; chúng thường xuyên dọa nạt, đánh người.
Quần thảo trên biển
Có mặt ở khu vực nuôi tôm tại Bãi Lớn (thôn Ninh Tân, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), chúng tôi chứng kiến hàng chục ca-nô, tàu gỗ không rõ số hiệu thường xuyên chạy lòng vòng quanh các bè để thu mua tôm hùm bị ngạt (tôm yếu, khả năng chết cao). Mỗi tàu thường gồm 3 người - một lái tàu, một cân tôm và một ghi sổ sách, chi tiền.
Một chủ bè ở Bãi Lớn cho biết trước đây, tại khu vực nuôi tôm hùm kéo dài từ Bãi Lớn, Bãi Tranh, Bãi Giếng (thôn Khải Lương) đến Sơn Đừng, sát cảng Đầm Môn…, việc thu mua tôm ngạt thường do các tàu bơm nước, chở mồi cho bè tôm thu mua. Họ là những bạn hàng lâu năm, người thân của các chủ bè nuôi tôm hùm; chia mỗi tàu bơm nước chỉ thu mua khoảng 8 - 12 bè thân thiết nên số lượng người mua khoảng 20 - 30 tàu. Do vậy, từ trước đến nay, chủ bè tôm hùm quen biết ai thì người đó mua, không xảy ra tranh chấp. Tất cả đều ổn. Giá tôm hùm ngắc ngư, gần chết thường được mua bằng 2/5 giá tôm khỏe. Còn giá tôm mới chết được mua bằng 1/4 giá tôm sống. Ai cũng mua bán với giá như vậy.
Những chiếc ca-nô, tàu thu mua quần thảo khắp vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Vân Phong
Tuy nhiên, hơn 4 tháng nay, kể từ khi xuất hiện nhóm người đi ca-nô, tàu gỗ tranh thu mua tôm hùm ngạt thì mọi chuyện bị đảo lộn. Những tàu này ghé tất cả các bè và đề nghị mua lại tôm hùm ngạt. Khi ngư dân nuôi tôm hùm không bán thì nhóm người này bực tức, dọa nạt, chửi bới và sẵn sàng lao vào đánh người.
Tại khu vực Sơn Đừng - nơi tập trung rất đông bè nuôi tôm, cảnh tranh giành mua tôm hùm rất hỗn tạp. Khoảng 8 giờ đến 10 giờ 30 phút hằng ngày là thời gian các chủ bè cho tôm ăn và lặn kiểm tra tôm có bị chết, bị ngạt thì bắt lên để bán.
Đây cũng là khoảng thời gian các ca-nô, tàu thu mua tôm hùm kiểu giang hồ hoạt động gắt gao. Thấy bè nào nổ máy, bơm ôxy - tức là có người đang lặn - thì lại có 3-5 ca-nô tốc độ cao quần thảo xung quanh, chờ người lặn kiểm tra tôm vừa ngoi lên là lập tức áp sát, ép bán tôm.
Các tàu gỗ cũng tranh mua tôm, dù công suất không bằng nhưng vẫn tăng tốc "cắt mặt" các tàu bơm nước khác để tranh vào bè. An toàn đường thủy dường như không được quan tâm, miễn sao tàu vào bè trước để tranh mua.
Ông B., ngư dân ở đây, cho biết nhóm người này mới ra mua khoảng 3-4 tháng nay. Những ngày đầu, đích thân một người tên L. chạy ca-nô ra các bè và ra giá thu mua tôm hùm cao hơn giá các tàu bơm nước mua khoảng 20.000 đồng/kg. Ông L. là người có "số má" ở địa phương nên nhiều chủ bè kiêng sợ, phải bán.
Đến khi tàu bơm nước vốn là bạn hàng lâu nay ra bè thì không còn gì để mua nên chủ bè rất ngại. Nhiều người vì kiêng nể chỗ làm ăn lâu nay với các chủ tàu bơm nước nên không bán thì bị nhóm người của ông L. chửi bới, dọa dẫm. "Có chủ bè mới nói "không mua bán gì hết" là bị họ lao lên đánh liền. Tháng 5, tháng 6 tôm bắt đầu hết, nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng, các chủ tàu bơm nước mua với giá cao hơn nhưng nhóm ông L. vẫn giữ nguyên giá, thậm chí ép giá, mua tôm ngạt gần chết thành tôm chết" - ông B. cho biết.
Đụng độ
Trong vai người câu cá, chúng tôi xin lên bè của một ngư dân khu vực vịnh Vân Phong để ngồi câu. Khoảng 9 giờ, một tàu bơm nước cập vào, bắt đầu bơm nước cho bè. Chủ bè để sẵn một thùng tôm định bán cho tàu nhưng ngay lập tức, một tàu gỗ ập vào. Nhóm người này liền nhảy vào bè lục lọi. Chủ bè nói: "Chỉ còn 2 con thôi, để 1 con cho tàu bơm chứ". Người trên tàu bơm nước cũng nói vọng lại: "Chúng tôi đến trước phải được lấy trước chứ". Ngay lập tức, nhóm người vào sau gằn giọng: "Không chia chác gì hết", rồi thản nhiên cân tôm, để lại tiền trong cảnh bất lực của chủ bè.
Các đối tượng thường xuyên dọa nạt ngư dân
Khoảng 10 giờ, chúng tôi di chuyển qua một bè khác của 2 người làm chủ. Một tàu bơm nước đang bơm cho bè và đợi chủ bè lặn xuống kiểm tra tôm. Người thợ lặn vừa ngoi lên, đưa 2 con tôm hùm ngạt còn sống lên bè thì bất ngờ từ phía sau, một tàu gỗ ập đến. Nhóm người xăm trổ đầy mình, nhảy xuống hỏi: "Còn tôm không?". Người chủ chưa kịp trả lời thì một giọng phía buồng lái gắt gỏng: "Vào mà lấy tôm, hỏi cái gì?". Không nói không rằng, 2 người cầm cân, cầm sổ nhảy lên tàu bơm nước rồi nhảy sang bè, cân 2 con tôm và trả tiền. Còn 2 người ở tàu bơm nước cứ đứng "ngẩn tò te", chỉ biết im lặng. Đợi tàu gỗ của nhóm người đi xa, chủ bè thì thầm: "Nẫu (người ta) đi rồi, ông đừng buồn. Tui có giấu lại 2 con ngạt để bán cho ông đây", rồi lôi 2 con tôm hùm từ bên trong ra bán cho chủ tàu bơm nước.
Bà K., cũng là một chủ bè nuôi tôm hùm, bức xúc kể cách đây không lâu, bà có một thùng tôm ngạt định bán cho bạn hàng thì một tàu mua xông đến đòi mua. Bà kiên quyết không bán nên nhóm này rời đi, điện thoại nói "Bả không cho cân". Sau đó, bất ngờ một tàu gỗ khác cập đến. Một người tên Sang ra lệnh: "Mày vô xách thùng tôm cho tao. Tao mà không mua thì tôm bỏ thúi chứ không thằng nào dám mua". "Mấy người kia nghe vậy thì chạy vào định xách thùng tôm, tôi chặn lại. Bực mình, tôi nói không chia chác gì hết, tôi để cho bạn hàng rồi thì bị người kia văng tục chửi bới thậm tệ" - bà K. kể.
Đến khoảng 11 giờ, khi những người trên bè không còn lặn kiểm tra tôm nữa, tàu bơm nước cũng đã bơm xong cho các bè thì các nhóm tàu tranh mua tôm bắt đầu về cảng. Các tàu của nhóm ông L. chạy từng tốp vào bờ khu vực sát cảng Đầm Môn và Sơn Đừng để kiểm đếm, tập kết, xếp tôm vào thùng xốp.
Thu mua kiểu giang hồ
Là người chuyên đi bơm nước cho các bè lâu năm, ông T. nhìn nhóm này quây tụ với hàng chục tàu rồi lắc đầu ngao ngán. "Mỗi bè của ngư dân các xã Vạn Hưng, Vạn Thắng, Vạn Giã, Vạn Thạnh... đều có những tàu bạn hàng lo hậu cần cho các bè và thu mua tôm chết, tôm ngạt để kiếm chút ít. Số lượng cũng chỉ khoảng hơn 30 đầu mối. Tuy nhiên, đội tàu của nhóm ông L. có khoảng 20 tàu, ca-nô nhảy vào cạnh tranh thu mua kiểu giang hồ, ép buộc, dọa nạt, ép chúng tôi phải nản chí, bỏ nghề. Khi đó đội tàu của L. thâu tóm luôn vịnh Vân Phong này, kiểm soát hết giá cả" - ông T. lo lắng.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)