Bà N.T.M, chủ vựa tôm ở huyện Vạn Ninh, cho biết ngày 16-6, nhiều tàu hậu cần, tàu bơm nước đi thu mua tôm hùm với giá cao nhưng không chủ bè nào dám bán vì sợ bị nhóm ông Nguyễn Bá L. đánh.
Chủ vựa và chủ bè phải "mua bán thậm thụt"
Bà M. kể: "Khi chúng tôi đặt vấn đề mua tôm dạt loại 3 (trọng lượng 0,5 - 0,7 kg/con) với giá 1,17 triệu đồng/kg, loại 4 (0,3 - 0,5 kg/con) với giá 880.000 đồng/kg và tôm chết với giá hơn 500.000 đồng/kg, chủ bè nói muốn bán lắm nhưng nếu bán cho chúng tôi thì nhóm ông L. dọa chém".
Theo bà M., các chủ bè phản ánh bị nhóm ông L. ép bán tôm hùm loại 4 với giá chỉ 700.000 đồng/kg, loại 3 chỉ 920.000 đồng/kg. Chủ vựa và chủ bè đành phải lén thỏa thuận thời gian, địa điểm để giao dịch riêng nhằm tránh sự theo dõi của nhóm ông L. "Mua bán theo giá thị trường mà thậm thụt như ăn trộm vậy đó!" - một chủ vựa than thở.
Khu vực vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa - nơi xảy ra tình trạng côn đồ lộng hành, ép ngư dân bán tôm hùm với giá rẻ
Các chủ vựa cho biết tôm hùm hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm cả tôm sống khỏe mạnh và tôm dạt. Trong đó, tôm sống khỏe mạnh loại 1 (trên 1 kg/con) có giá xuất khẩu là 2,2 triệu đồng/kg; tôm loại 2 và 3 (0,5 - 0,9 kg/con) giá khoảng 2,1 triệu đồng/kg. Riêng tôm dạt trọng lượng từ trên 0,5 đến 0,9 kg/con được bạn hàng Trung Quốc mua với giá 1,5 - 1,6 triệu đồng/kg.
Ở thị trường nội địa, vào mùa hè, tôm từ các bè rất ít và người dân đến du lịch nhiều nên giá hàng dạt loại 3 cung cấp cho thị trường TP HCM và TP Nha Trang là 1,22 triệu đồng/kg; loại 4 là 920.000 đồng/kg. Để có lãi, các vựa ở huyện Vạn Ninh thường mua tôm hùm loại 3 của ngư dân với giá 1,17 triệu đồng/kg, loại 4 là 880.000 đồng/kg, tôm chết khoảng 500.000 đồng/kg.
Nếu chỉ so sánh giá tôm hùm dạt loại 3, nhóm ông L. ép ngư dân bán 920.000 đồng/kg trong khi các chủ vựa khác thu mua đến 1,17 triệu đồng/kg, còn giá bán lẻ ngoài thị trường lên tới 1,22 triệu đồng/kg. Như vậy, nhóm ông L. hưởng số tiền chênh lệch đến 300.000 đồng/kg. Tương tự, số tiền chênh lệch mà nhóm này hưởng khi thu mua tôm hùm loại 4 là 220.000 đồng/kg.
Thông thường, mỗi tàu hậu cần thu mua khoảng 6-10 kg tôm hùm/ngày. Với đội tàu khoảng 20 chiếc, mỗi ngày có thể thu mua 120-200 kg tôm hùm. Nếu ép ngư dân bán giá thấp như phản ánh ở trên, một đội tàu 20 chiếc có thể hưởng số tiền chênh lệch khoảng 36-60 triệu đồng/ngày.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi thu mua tôm hùm chết và tôm hùm dạt, khoảng 11 giờ 30 phút hằng ngày, nhóm ông L. tập kết về khu vực gần cảng Đầm Môn, cảng thị trấn Vạn Giã rồi xếp vào thùng xốp, bán cho Công ty H.P.H ở huyện Vạn Ninh. Ngày 16-6, khi thị trường Trung Quốc "đứng hàng", tôm được đưa vào một hồ lớn tại TP Nha Trang để chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh khác.
Lắm chiêu trò
Đến nay, sau hơn 1 tháng bị ông Nguyễn Bá L. đánh, ông Phan Xuân Reo (ngụ xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) vẫn cảm thấy đau nhức trong tai, đầu ong ong.
Trước đó, ông Reo đã làm đơn cầu cứu gửi Báo Người Lao Động, phản ánh về việc bị ông L. đánh, đấm ngay trong bữa cơm chỉ vì không bán tôm hùm theo giá mà nhóm ông ta đưa ra.
"Giá thị trường lên xuống từng ngày nhưng nhóm ông L. ấn định mức giá duy nhất. Ngày 14-5, thời điểm tôi bị đánh, giá tôm dạt khi đưa vào bờ đã là 820.000 đồng/kg. Khi nhóm ông L. hỏi mua, tôi nói chỉ có 10 con tôm của bè nhà, trọng lượng 0,3 - 0,5 kg/con, bán với giá thị trường là 800.000 đồng/kg. Nhóm này trả giá chỉ 720.000 đồng/kg, tôi không đồng ý thì ông L. đánh luôn" - ông Reo bức xúc.
Không chỉ dọa dẫm, đòi đánh chủ vựa, chủ bè, nhóm ông L. còn chặn các tàu hậu cần và áp đặt điều kiện mua tôm. Theo đó, ông ta "hứa" sẽ mua lại tôm của tàu hậu cần ở mức lãi 20.000 đồng/kg, với điều kiện tàu hậu cần phải mua tôm của ngư dân với giá thấp hơn thị trường.
Chẳng hạn, nếu giá thị trường là 670.000 đồng/kg thì ông L. yêu cầu chủ vựa mua của ngư dân chỉ 600.000 đồng/kg rồi bán lại cho nhóm ông ta 620.000 đồng/kg. Nếu chủ tàu nào không bán tôm cho nhóm ông L. thì bị chặn, không để bán cho người khác.
Một chiêu trò khác của nhóm ông L. cũng khiến ngư dân bức xúc là khi vào bè thu mua tôm, nhóm này trả giá cao hơn và xua đuổi các tàu hậu cần đi. Thế nhưng sau đó, nhóm này chỉ lựa mua 1-2 con với giá cao, còn lại thì bắt chủ bè bán theo giá tôm chết!
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở khu vực vịnh Vân Phong, ngư dân thị trấn Vạn Giã và các xã Vạn Hưng, Vạn Thắng, Vạn Bình, Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Thọ, Vạn Thạnh... của huyện Vạn Ninh chia thành nhiều nhóm nuôi tôm dọc đảo Hòn Lớn, Hòn Săng, Hòn Ong, bán đảo Đầm Môn, Sơn Đừng, Khải Lương... Trong đó, nhóm ông L. thường ép giá tôm của ngư dân ở khu vực Đầm Môn, Sơn Đừng. Bởi lẽ, ngư dân ở đây chủ yếu là người từ nơi khác đến, không dám phản ứng vì lo sợ bị đánh.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-6
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa yêu cầu xác minh, xử lý
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết sau khi Báo Người Lao Động đăng tải bài điều tra "Côn đồ lộng hành ở vịnh Vân Phong", Tỉnh ủy đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Công an tỉnh Khánh Hòa và UBND huyện Vạn Ninh, yêu cầu vào cuộc.
Theo đó, qua thông tin báo chí phản ánh về việc hàng chục ca-nô, tàu gỗ quần thảo khắp các vùng nuôi tôm ở vịnh Vân Phong để thu mua tôm theo kiểu dọa nạt và sẵn sàng đánh ngư dân, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương làm rõ; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự xã hội tại khu vực này (nếu có); báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy.
Bình luận (0)