Dù là học sinh khá, giỏi các cấp nhiều năm liền nhưng mãi 13 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi mới được học đại học. Với tôi, con đường đến trường đại học quá gian nan, tưởng chừng như là không thể!
Nỗi buồn vì lý lịch xấu
Tôi chưa từng biết mặt ông nội. Hồi nhỏ, trong cuộc sống hằng ngày của gia đình, rất ít khi nghe cha mẹ tôi nhắc đến ông bà nội, ngoại. Trong tâm trí tôi chỉ nhớ một điều là ông nội đã chết từ lâu lắm rồi. Cho đến một hôm...
Đó là ngày 20-4-1973. Hôm đó, tôi đang ngồi viết bản "Lý lịch của người dự thi đại học", đến đoạn về ông bà nội, ngoại..., tôi không biết viết như thế nào nên ngẩng lên hỏi cha. Cha tôi đang ngồi soạn bài phía bên kia bàn, chiếc bàn gỗ ọp ẹp, là nơi để chị em tôi ngồi học và cha tôi soạn bài hằng đêm. Nghe hỏi, cha gấp cuốn sổ, chầm chậm đứng lên bước về phía tôi, vẻ mặt căng thẳng. Kéo ghế ngồi sát bên tôi, cha nói, giọng khô khốc: "Con nghe cha đọc, rồi ghi vô. Ông nội - Họ và tên: Nguyễn Đăng Định. Sinh ngày… Quê quán… Bị chính quyền cách mạng xử tử hình năm 1946 vì tội làm tay sai cho Pháp…". Tai tôi lùng bùng, chẳng nghe cha nói những gì sau đó nữa. Cái bút máy Hồng Hà trong tay tôi rơi thẳng xuống, cắm phập ngòi xuống nền đất. Cái bút cha tặng tôi nhân dịp tôi được lên thẳng cấp 3 Phan Đình Phùng. Mực bắn tung tóe... Nước mắt tôi trào ra, chảy ướt đầm bản lý lịch viết dở. Nét chữ nhòe nhoẹt... Gương mặt cha tôi cũng nhòe nhoẹt nước mắt...
Sau này, khi đã đủ khôn lớn, hiểu biết, tôi mới hết trách, hết giận ông nội chứ lúc ấy tôi cảm thấy vô cùng uất ức. Ông nội, người chưa bao giờ cho tôi một cái kẹo, chưa từng làm cho tôi một con diều giống như ông nội của mấy đứa bạn hàng xóm, giờ bỗng dưng "nhảy bổ" ra, chặn đứng con đường tương lai đang phơi phới của tôi! Cả ông ngoại tôi nữa. Cũng thế. "Ông ngoại - Họ và tên: Phạm Phát… Thành phần gia đình: đại địa chủ, tư sản. Bị Đội cải cách đấu tố, chết trong nhà giam, năm 1956…". Khi tôi đã bỏ bút và tức tưởi khóc, không hiểu sao cha tôi vẫn vừa nghẹn ngào vừa đọc rất to...
Năm ấy, tôi thi trượt đại học. Dễ hiểu, bởi tôi phải đem sở đoản của mình thi thố với sở trường của người khác. Tôi học giỏi các môn xã hội, nhất là môn văn, hằng năm đi thi học sinh giỏi các cấp cũng chỉ môn văn, còn các môn tự nhiên học lực chỉ trên trung bình một chút. Từ nhỏ tôi đã rất ham đọc sách và ước mơ trở thành nhà văn. Tôi đọc bất cứ lúc nào có thể và bất cứ loại sách, báo, tạp chí... mà mình vớ được. Tôi ước mong sẽ thi đậu vào học đại học tổng hợp văn, báo chí và tin mình sẽ làm được điều đó! Nhưng hỡi ôi, với cái lý lịch "bất hảo" như vậy, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ được bén mảng tới những ngôi trường danh giá! Bởi vậy, tôi đăng ký vào Trường Nông nghiệp với suy nghĩ nơi đây sẽ không mấy khắt khe về vấn đề lý lịch, lại chỉ phải thi 3 môn: toán, hóa, sinh, nên cũng không quá khó. Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ quen với sách vở, đàn sáo... không biết gì về chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng điều đó giờ chẳng còn ý nghĩa. Miễn sao tôi được học đại học để sau này có công ăn việc làm là phúc rồi, quan trọng gì chuyện năng khiếu với ước mơ!?
Lớp 10 A Trường cấp 3 Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh năm 1973. Tác giả ở bìa phải, hàng cuối
Tác giả (ngồi, bên phải) cùng bạn bè dự lễ kỷ niệm 45 năm tốt nghiệp cấp 3 Phan Đình Phùng, Hà TĩnhẢnh: T. NGUYỄN
Nhưng may mắn đã không mỉm cười với tôi.
Ngày tựu trường, bạn bè kéo đến nhà chia tay tôi, lên đường đi học. Tôi xấu hổ bỏ trốn chạy ra đồng. Vừa chạy, vừa cám cảnh mình, nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi chạy như điên dại. Cho đến khi mệt quá không chạy nổi nữa, tôi gục xuống, bật khóc nức nở. Khóc rống lên, không thể nào kìm nén.
Năm sau tôi thi lại lần nữa, vẫn trượt. Trong hai năm đó, hễ có đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự là tôi có mặt. Tôi còn viết đơn xin đi bộ đội gửi lên Thành đội Hà Tĩnh để được ưu tiên. Lần đầu đi khám tuyển về, đêm tôi không ngủ được. Khuya, chập chờn, mơ màng, tôi cảm nhận có cái gì đó đâm vào trán đau và rát. Giật mình. Đêm tối như mực, không nhìn thấy gì nhưng cũng đoán được cha vừa hôn tôi. Tôi tỉnh hẳn. Bồi hồi... Lúc bé thơ thì tôi không biết nhưng từ khi lớn lên chưa bao giờ tôi thấy cha có hành vi âu yếm với tôi một lần nào. Ông là người cứng rắn, thậm chí khá là khắc nghiệt.
Vào học trường trung cấp
Tôi chờ mãi không có giấy gọi nhập ngũ. Rồi có giấy gọi tôi đi học Trường Trung cấp Địa chất Vĩnh Phú. Tôi đi, buồn nhiều hơn vui. Tiễn tôi, cha nói con cứ yên tâm đi học, ra trường có công ăn việc làm rồi học lên đại học cũng chưa muộn. Cha tin người có ý chí như con việc đó sẽ không khó.
Suốt bao nhiêu năm trời trôi qua, lời động viên của cha năm nào tôi luôn ghi nhớ. Tôi hăng say làm việc, hăng say phấn đấu, học tập để chờ một cơ hội được cơ quan cho đi học. Thông thường thì vài ba năm Trường Đại học Mỏ - Địa chất lại thông báo về cơ quan tuyển sinh hệ tại chức đại học. Việc thi cử, học hành rất dễ dàng, nên chỉ cần cơ quan cho đi, coi như mọi việc đã xong! Thế nên tôi rất trông mong. Tôi kiên trì phấn đấu, kiên trì học hành, kiên trì chờ đợi...
Công việc địa chất vô cùng gian khó. Với những tuyến lộ trình khảo sát, tôi đã đặt dấu chân mình lên hầu khắp mọi miền đất nước, từ rừng sâu núi thẳm đến hải đảo xa xôi, cả những nơi chưa có dấu chân người... Tôi đã từng đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, thậm chí cả cái chết. Đó không chỉ là rắn rết, thú dữ, sốt rét... mà cả với lũ phỉ Fulro ở Tây Nguyên, bọn lính Pol Pot ở biên giới Tây Ninh... mà chúng tôi đã nhiều phen đụng độ. Tôi đã vượt qua tất cả. Vậy mà hơn mười năm trôi qua, cơ hội vẫn không đến với tôi. Vài lần hiếm hoi cơ quan có thông báo cho đi học nhưng tôi thì vẫn không được chọn.
Duyên nghiệp đưa đến cổng trường đại học
Những tuyến lộ trình với thiên nhiên hoang dã, huyền bí, cuốn hút, khơi dậy trí tưởng tượng của tôi. Từ lúc nào tâm hồn văn chương trong tôi trỗi dậy. Tôi bắt đầu viết... Rồi những tác phẩm đầu tiên của tôi được Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đăng tải. Tôi cảm thấy vui sướng tột cùng. Số phận có thể giam hãm con người nhưng không thể ngăn cản được ước mơ cùng sự đam mê của tôi. Các tác phẩm của tôi có thể chưa thật xuất sắc về nghệ thuật nhưng sự "độc", lạ thì chắc chắn là có, nhờ đó luôn được các báo, tạp chí đón nhận.
Năm 1986, Trường Viết văn Nguyễn Du, thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội tuyển sinh khóa 3, hệ đại học, tôi được Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cử tham dự. Một cuộc thi tuyển rất khó khăn, bởi quy định của nhà trường cứ 3 năm mới tuyển một lần và mỗi khóa cả nước chỉ lấy vài chục học viên. Tôi quyết tâm dự thi và trúng tuyển. Nhận được giấy báo nhập học, khỏi nói là tôi mừng đến cỡ nào. Vậy là suốt 13 năm trời đằng đẵng, từ khi tốt nghiệp phổ thông, giờ đây tôi đã có thể đến với cổng trường đại học, thực hiện giấc mơ của cuộc đời mình.
Sau này, khi có điều kiện, tôi đã học thêm nhiều và cao hơn nhưng kỷ niệm lần đầu tiên được đến trường đại học thì theo tôi suốt cả cuộc đời.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)