Đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa là tuyến ven biển kéo dài từ quận Sơn Trà đến quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, sau đó giáp với thị xã Điện Bàn dẫn vào TP Hội An của tỉnh Quảng Nam.
Kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam
Trước năm 2010, TP Đà Nẵng đã xây dựng tuyến đường ven biển thuộc địa phận 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn để phát triển kinh tế, du lịch. Sau đó, HĐND TP Đà Nẵng đã đặt tên tuyến đường ven biển dài 27 km từ Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam là Hoàng Sa - Trường Sa. Đến năm 2013, một đoạn dài 7 km nằm giữa 2 đường Hoàng Sa - Trường Sa được TP Đà Nẵng đặt tên là Võ Nguyên Giáp.
Đây là tuyến đường được xem là đẹp nhất TP Đà Nẵng. Đường trải dài ven bãi biển, bên cạnh là các khu resort, khu nghỉ dưỡng đạt chuẩn 5 sao.
Từ khi tuyến đường ven biển này được hình thành, TP Đà Nẵng phát triển nhộn nhịp hơn về kinh tế, du lịch. Nhiều khu resort đẳng cấp quốc tế đã mọc lên trên tuyến đường này cùng với hàng trăm khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất.
Theo ông Cao Văn Thiên, một du khách đến từ Hà Nội, lần nào vào Đà Nẵng, ông cũng chọn ở khách sạn nằm trên tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa. "Giá phòng nghỉ khá đắt đỏ nhưng tôi vẫn chọn vì từ các phòng khách sạn ở đây, tôi có thể dễ dàng ngắm được bãi biển đẹp nhất hành tinh một cách trọn vẹn, không đâu hơn được" - ông Thiên cho biết.
Đường Võ Nguyên Giáp thuộc trục đường ven biển nối TP Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam Ảnh: BÍCH VÂN
Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng, cho rằng tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa là một trong những điểm đến đặc sắc ở TP, hội đủ các yếu tố cơ sở hạ tầng, dịch vụ và tài nguyên du lịch. Tuyến đường này cũng kết nối 2 trung tâm du lịch là Đà Nẵng và Hội An với nhiều tài nguyên du lịch.
Tại tỉnh Quảng Nam, cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển Hội An - Tam Kỳ đưa vào sử dụng đã khơi thông trục đường ven biển dài khoảng 60 km nối TP Tam Kỳ với TP Đà Nẵng. Từ đây, việc đi lại giữa TP Đà Nẵng với TP Tam Kỳ đã được rút ngắn hơn 9 km so với Quốc lộ 1. Khu vực ven biển các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP Tam Kỳ mà tỉnh Quảng Nam gọi là vùng Đông cũng thực sự chuyển mình.
Ngoài 2 dự án du lịch lớn đang triển khai rầm rộ là khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (2 huyện Duy Xuyên và Thăng Bình) có tổng vốn đầu tư 4 tỉ USD cùng Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, 5 nhà đầu tư lớn khác cũng đã đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng ven tuyến đường này.
Trong 5 nhà đầu tư nêu trên, 1 doanh nghiệp đăng ký tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỉ đồng. Chưa kể, một số tập đoàn dệt may nước ngoài cũng đã và đang đầu tư các dự án lớn.
Nhiều người cho rằng không bao lâu nữa, tuyến đường ven biển Hội An - Tam Kỳ cũng sẽ trở thành "con đường tỉ đô" như tuyến đường ven biển Hội An - Đà Nẵng hiện nay. Từ đó, vùng đất cát trắng kéo dài từ Hội An ra các phường Điện Nam, Điện Ngọc, Điện Dương của thị xã Điện Bàn thực sự thay da đổi thịt với hàng trăm khu du lịch, khu resort hạng sang lấp kín.
Theo ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, UBND tỉnh Quảng Nam vừa thống nhất hướng tuyến trục chính đoạn đường ven biển từ TP Tam Kỳ đi sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành) và tỉnh Quảng Ngãi. Tuyến đường này dài 28 km, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.470 tỉ đồng. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã ứng trước 900 tỉ đồng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để giải tỏa mặt bằng, mở thầu thi công. Đây là đoạn còn lại trong toàn bộ tuyến đường ven biển đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam.
"Khai thác cho có"
Kỳ vọng là thế nhưng đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng việc phát triển du lịch ở tuyến đường ven biển của TP Đà Nẵng còn chưa tương xứng. Dù được đầu tư về cơ sở hạ tầng nhưng các tuyến đường này còn thiếu dịch vụ, các điểm vui chơi, giải trí kèm theo.
"Ngoài tuyến đường đẹp thì trên đường phải có dịch vụ gì đi kèm: Chợ đêm, tour biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc sắc liên quan đến biển đảo hay các đêm hội văn hóa dân gian, giới thiệu về nét văn hóa của miền biển… Có như thế, Đà Nẵng và Quảng Nam mới lôi cuốn khách du lịch, mới tạo điều kiện mở ra nhiều hạ tầng cơ sở mới để phát triển kinh tế nhiều hơn" - lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành ở TP Đà Nẵng nhìn nhận.
Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung được tổ chức mới đây ở Đà Nẵng, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng toàn miền có hơn 600 km đường ven biển nhưng chỉ khai thác cho có. Theo ông Lịch, xây dựng đường ven biển là chiến lược để phát triển kinh tế, an ninh và quốc phòng. Vì thế, ông đề xuất Chính phủ đặt mục tiêu, cấp vốn "mồi" để từng địa phương bàn kế hoạch làm đường ven biển.
Trong khi đó, theo các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, khó khăn nhất hiện nay không gì khác ngoài thiếu vốn. Tuyến đường ven biển từ cầu Cửa Đại đến tỉnh Quảng Ngãi có quy mô 4 làn xe, rộng 38 m nhưng do thiếu vốn nên hiện chỉ làm 2 làn xe, rộng 10,5 m. Cũng chính vì thiếu vốn nên công trình huyết mạch trên tuyến đường ven biển qua tỉnh Quảng Nam là cầu Cửa Đại bị đội vốn gần 1.000 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2008, dự án cầu Cửa Đại có tổng mức đầu tư 2.480 tỉ đồng nhưng khi khánh thành vào tháng 3-2016, số tiền này đã tăng lên đến 3.450 tỉ đồng.
Hai con đường chiến lược
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020, tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ để hoàn thành các công trình trọng điểm như: đường cao tốc, đường Đông Trường Sơn; phát triển Cảng Hàng không Chu Lai; cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt; xây dựng, phát triển và hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối giữa các vùng của tỉnh (các tuyến ven biển liên kết với quốc lộ, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi)…
Theo ông Thu, với 2 con đường chiến lược (cao tốc và ven biển), Quảng Nam chắc chắn sẽ có lợi thế cạnh tranh phát triển so với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Bình luận (0)