Đây được xem là giải pháp mang tính động lực, hình thành tuyến đường chiến lược, có ý nghĩa kinh tế, quốc phòng, hình thành "mặt tiền" của đất nước, kéo theo sự phát triển các khu đô thị, khu du lịch ven biển. Diện mạo toàn tuyến đường ven biển dài 1.000 km này đang dần thành hình khi nhiều tỉnh bắt tay vào xây dựng, kết nối. Hiện còn khoảng 500 km đường ven biển toàn tuyến cần được đầu tư, kết nối liên hoàn.
Phá thế cô lập các vùng ven biển
Một ngày đầu tháng 10, chúng tôi đi dọc tuyến đường ven biển của tỉnh Bình Định, trải dài từ xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn đi qua các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và điểm cuối cùng là thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn. Tuyến đường dài 107 km, được đưa vào sử dụng vào năm 2005 với kinh phí đầu tư 246 tỉ đồng đã tạo nên sự đổi thay kỳ diệu cho những vùng đất này.
Tuyến đường Mỹ Khê - Trà Khúc (thuộc dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh) làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Ảnh: TỬ TRỰC
Xã Cát Hải, huyện Phù Cát - được mệnh danh là vùng đất "ba đèo bốn động" - bởi giao thông cách trở, tình trạng nghèo đói luôn đeo bám người dân. Khi đường ven biển chạy ngang qua, sản phẩm nông sản của người dân Cát Hải đã có cơ hội đẩy mạnh thông thương, tiêu thụ ra thị trường. Cách xã Cát Hải khoảng 70 km về hướng Bắc, thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn có 3 bên là núi, trước mặt là biển cả. Trước đây, từ trung tâm xã Hoài Mỹ để đến được thôn Lộ Diêu chỉ có 2 con đường dài 8 km đèo dốc và rừng.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoài Mỹ, thôn Lộ Diêu hiện có hơn 2.000 người dân sinh sống. Người dân từng phải quảy đôi thúng trên vai đi bộ cả buổi trên đường mòn đèo dốc mới tìm đến chỗ bán hàng. Từ khi có đường ven biển, tiềm năng kinh tế của người dân đã được phát huy tối đa. Lộ Diêu đã phát triển được đội tàu cá trên 50 chiếc chuyên khai thác xa bờ và 42 tàu cá công suất nhỏ đánh bắt gần bờ. Bên cạnh đó, người dân ở đây cũng từng bước giàu lên từ trồng rừng và chăn nuôi. Hiện toàn thôn có 155 hộ trồng từ 1-4 ha rừng nguyên liệu giấy và nhiều hộ nuôi từ 10-20 con bò, thu lãi 80-100 triệu đồng/năm.
Hàng loạt dự án du lịch ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát được hình thành. Hai bên đường, quán xá, khách sạn... mọc lên để phục vụ khách du lịch. Trong đó có 2 dự án lớn là quần thể du lịch lịch sử - sinh thái và tâm linh Linh Phong và khu du lịch Trung Lương với mức đầu tư hàng trăm tỉ đồng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết huyện đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nuôi tôm trên cát thuộc các xã Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Đức và Mỹ Thành với tổng diện tích 460 ha. Bên cạnh đó, huyện cũng đang mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái biển.
Đánh giá về tuyến đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan, ông Đỗ Nguyên Đức, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Định, tự hào khẳng định các địa phương ven biển của tỉnh đã từng bước thoát khỏi khó khăn, trong đó có nhiều xã có mức phát triển kinh tế vượt bậc. Vừa qua, tỉnh Bình Định đã được trung ương đồng ý cho triển khai dự án mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ ĐT 639 từ đường cấp 6 thành đường cấp 3 với tổng kinh phí đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng.
Dự án "thế kỷ"
Tại tỉnh Quảng Ngãi, năm 2010, dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh chính thức khởi công xây dựng. Đây là tuyến đường chạy dọc biển, nối các đường ven biển của tỉnh Quảng Nam và Bình Định.
Toàn bộ dự án có tổng chiều dài 100 km, điểm đầu tại Dung Quất thuộc huyện Bình Sơn, điểm cuối tại Sa Huỳnh thuộc huyện Đức Phổ. Tổng vốn đầu tư toàn dự án khoảng 3.790 tỉ đồng.
Xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định thành điểm du lịch sau khi đường ven biển đi ngang qua Ảnh: ĐỨC ANH
Theo ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi, giai đoạn 1 của dự án được chia làm 2 phần: Đoạn từ Mỹ Khê - Trà Khúc đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2015; đoạn từ Dung Quất - Mỹ Khê vẫn đang thi công, dự kiến cuối năm nay sẽ xong.
"Đây là dự án trọng điểm, đi qua rất nhiều vùng nông thôn, hàng ngàn hộ dân phải di dời, giải tỏa nên khó tránh khỏi việc ảnh hưởng đến quá trình thi công, bảo đảm tiến độ dự án… Khi giai đoạn 1 dự án hoàn thành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2" - ông Phương nói.
Để xây dựng tuyến đường Mỹ Khê - Trà Khúc đúng theo tiêu chuẩn đường phố chính cấp 2, dự án đã tiêu tốn gần 1.000 tỉ đồng, ảnh hưởng hơn 5.000 hộ dân. Còn riêng đoạn từ Dung Quất - Mỹ Khê hiện đang xây dựng cũng ảnh hưởng hàng ngàn hộ dân, tiêu tốn kinh phí hơn 232 tỉ đồng.
Kể từ khi hoàn thành được đưa vào sử dụng, tuyến Mỹ Khê - Trà Khúc đã góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế nhiều địa phương, thay đổi diện mạo đời sống hàng ngàn hộ dân vùng nông thôn - nơi tuyến đường đi qua.
Ngồi trong ngôi nhà mới khang trang nằm sát tuyến đường, bà Nguyễn Thị Thanh (60 tuổi, ngụ xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi) kể rằng toàn bộ vùng này trước đây rất heo hút, quanh năm chìm trong mưa lũ, nước ngập.
"Tôi nghĩ cả đời này chắc không bao giờ có cơ hội mua nhà, sinh sống ở nơi thuận lợi hơn nhưng từ khi dự án mở đường đi qua, vùng đất này đã "chuyển mình", người dân không còn cảnh "chạy mưa, chạy lũ" như xưa nữa, việc làm ăn, buôn bán cũng thuận lợi hơn" - bà Thanh nói.
Tương tự, ông Trần Thanh Quang (ngụ xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) kể rằng hồi xưa, muốn đi lên phố, dân phải chèo đò hoặc đi trên những vùng đầm lầy, dừa nước rất gian khổ. Bây giờ có đường sá ngon lành rồi, việc đi lại dễ dàng hơn, cuộc sống người dân nhờ vậy cũng khấm khá hơn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long, TP Quảng Ngãi, cho biết tuyến đường Mỹ Khê - Trà Khúc từ khi hoàn thành đi qua xã Tịnh Long đã góp phần đưa Tịnh Long phát triển, đời sống người dân cũng được thay đổi rõ rệt. "Ngày xưa khi chưa có đường, đời sống bà con ở đây còn nghèo khổ lắm. Bây giờ nhà cửa được xây dựng khang trang, việc làm ăn, buôn bán thuận lợi nên người dân ai cũng vui mừng" - ông Tuấn nói.
Kỳ tới: Hốt bạc từ "con đường vàng"
Bình luận (0)