Với 15 năm tham gia điều hành Chính phủ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng qua 2 nhiệm kỳ, từ năm 1997-2007. Tham gia điều hành Chính phủ trong giai đoạn đất nước mở cửa, hội nhập, ông đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ là con người của cải cách, hội nhập.
Để lại ấn tượng sâu sắc
Làm Thủ tướng đúng lúc cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đang diễn ra, Thủ tướng Phan Văn Khải được xem là người đã dẫn dắt Chính phủ đưa Việt Nam bước qua thời kỳ khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP ấn tượng trong gần 9 năm lãnh đạo Chính phủ.
Đại sứ Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO - đã có nhiều thời gian gắn bó với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông Châu kể: Ngày 13-9-1999, tại buổi dạ yến nhân Hội nghị Cấp cao APEC Auckland (New Zealand), cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên trong lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ là Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Bill Clinton đã diễn ra. Tổng thống Clinton đã chia sẻ với Thủ tướng Phan Văn Khải bức thư của một người bạn gửi từ Việt Nam năm 1968, thông báo sẽ trở về nhà trong 2 tuần sau khi kết thúc tham chiến.
"Nhưng người bạn thân của tôi đã không bao giờ trở về" - Tổng thống Clinton nói trong nước mắt. Người đứng đầu nước Mỹ nói tiếp: "Đó là nỗi đau chiến tranh, tôi mời ông sang Mỹ để hiểu chúng tôi hơn và cùng nhau khép lại quá khứ, hướng đến tương lai".
Đúng một năm sau, ngày 17-11-2000, Tổng thống Clinton có chuyến thăm đến Việt Nam, ghi dấu ấn vào lịch sử là vị tổng thống đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam. Thủ tướng Phan Văn Khải đi vào lịch sử là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam tiếp xúc chính thức với Tổng thống Mỹ và mời nguyên thủ Mỹ đến thăm Việt Nam sau chiến tranh. Năm năm sau, Thủ tướng Phan Văn Khải là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam chính thức thăm Mỹ.
Đại sứ Vũ Quang Minh, Thứ trưởng - Đại sứ Việt Nam tại Campuchia, cho biết ông có nhiều kỷ niệm, vinh dự và may mắn được làm việc gần Thủ tướng Phan Văn Khải trong nhiệm kỳ đầu của ông (1997-2002), khi được biệt phái tới làm việc tại Văn phòng Chính phủ (làm thư ký riêng cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm). Thỉnh thoảng, Thủ tướng Phan Văn Khải lại qua văn phòng của Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm và trò chuyện với các cán bộ ở đây.
Ngày 21-6-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ George W. Bush có cuộc gặp lịch sử
tại Nhà Trắng. Ảnh: Nhà Trắng
Hai sự kiện không quên
Năm 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại New Zealand. Lúc này, Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ về cơ bản đã hoàn thành và tất cả đã sẵn sàng cho một lễ ký lịch sử ở Auckland - New Zeland, bên lề APEC với sự hiện diện của Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Tuy nhiên, cho đến khi đoàn ta rời Hà Nội với cả cờ, bút, cặp đỏ bìa hiệp định... thì văn bản hiệp định vẫn còn chưa được các cơ quan của ta thẩm định xong và thông qua. Lúc đó, ở New Zealand chưa có sứ quán của ta và liên lạc bảo mật còn rất khó khăn. Do đó, ông Vũ Quang Minh ở đầu Hà Nội và ông Bùi Huy Hùng - cũng là thư ký của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm - tháp tùng đoàn ở đầu Auckland lập một đường dây nóng email để cập nhật cho Thủ tướng và Phó Thủ tướng về tiến độ ở nhà.
"Để bảo mật, chúng tôi nói câu chuyện rất đời thường. Anh Hùng email: "Thế được khởi công chưa?" Tôi viết lại: "Chưa anh ạ, đội trật tự phường vẫn họp chưa duyệt bản thiết kế, chưa cho nhà mình xây". Thủ tướng Phan Văn Khải sốt ruột, ít phút lại mở cửa hỏi: "Thế Minh bảo sao?". Anh em lại báo cáo, thưa anh Sáu, chưa cho ạ" - ông Minh nhớ lại.
Sau đó, ngày 14-7-2000, Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ được ký kết, đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa hai nước. Kể từ khi BTA được ký kết và có hiệu lực hơn 1 năm sau đó, thương mại luôn là điểm sáng trong quan hệ song phương Việt - Mỹ.
Câu chuyện thứ hai cũng liên quan đến Mỹ. Sau khi công tác 5 năm ở Văn phòng Chính phủ, Đại sứ Vũ Quang Minh được cử đi làm tham tán phụ trách phòng kinh tế mới mở ở Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và được đại sứ giao chủ trì nhóm cán bộ đại sứ quán tham gia tổ chức 3 chặng dừng chân của chuyến thăm Mỹ lịch sử của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005.
"Buổi Gala Dinner mà chúng tôi được tham gia tổ chức tại khách sạn Mayflower, thủ đô Washington, có sự tham gia của cả 2 thượng nghị sĩ John McCain và John Kerry đã đi vào lịch sử dù có một sự cố là một cựu binh Mỹ quá khích đã lọt vào qua cửa bếp phục vụ và hắt cốc vang lên bàn danh dự có Thủ tướng và 2 thượng nghị sĩ. Câu đầu tiên mà Thủ tướng Phan Văn Khải bình thản mỉm cười quay sang 2 thượng nghị sĩ nói khi ông gạt nhẹ một vài giọt rượu bắn lên vạt áo là: "C’est la Vie" (cuộc sống là thế - PV)" - Đại sứ Vũ Quang Minh xúc động.
Tầm nhìn dài hạn
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn Thủ tướng Phan Văn Khải lãnh đạo Chính phủ đã minh chứng cho cách điều hành quyết liệt nhưng cũng giữ được sự cầu thị cần thiết. Kinh tế Việt Nam giai đoạn đó tăng trưởng cao và ổn định, vừa bảo đảm ổn định vĩ mô vừa tạo được nhiều nhân tố mới cho tăng trưởng.
"Chúng tôi - những người tham gia ban nghiên cứu của Thủ tướng, đặc biệt ấn tượng với tầm nhìn dài hạn của ông" - bà Lan cho biết. Theo bà, kế nhiệm vị trí lãnh đạo Chính phủ, ông Phan Văn Khải đã tiếp nối tư duy đổi mới, hội nhập của người tiền nhiệm là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - vị lãnh đạo của hành động và sáng tạo với những dấu ấn công trình to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.
M.CHIẾN
Bình dị đến cuối đời
Chiều 17-3, tại gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở huyện Củ Chi, TP HCM dòng người kéo dài kính cẩn đến thắp nhang, sự tiếc thương đọng ở nét mặt mỗi người cùng những tiếng khóc nấc... Trong cuốn sổ tang là những dòng chia buồn cùng gia quyến, những lời tâm sự về công việc, cuộc đời ông.
Người em cùng mẹ khác cha của ông là bà Huỳnh Thị Dự kể cách đây khoảng một tuần, sau khi từ Singapore chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy, sức khỏe nguyên Thủ tướng có dấu hiệu tốt hơn nhưng không ngờ ông lại ra đi. Trong ký ức của bà, nguyên Thủ tướng luôn là người anh hai đầy trách nhiệm, mẫu mực và sống giản dị dù ở bất cứ cương vị nào. Bà kể hồi còn chiến tranh, nguyên Thủ tướng tham gia cách mạng từ rất sớm nên bà không biết mặt và gia đình cũng giấu bởi không để địch biết. "14 tuổi, anh Khải đã tham gia cách mạng, sau đó tập kết ra Bắc. Sau giải phóng, anh ấy mới có dịp trở lại quê nhà và đó cũng là lần tôi gặp anh đầu tiên. Khi đó tôi 20 tuổi" - bà Dự nhớ lại.
Ông Phan Văn Khỏe (86 tuổi), Trưởng Ban Di tích lịch sử đình Tân Thông (huyện Củ Chi), nấc nghẹn trong nước mắt mỗi khi nhớ về thuở hàn vi với người bạn học chung tiểu học. Thuở thiếu thời, để giúp đỡ gia đình, ông Khỏe kể ông Phan Văn Khải rất giỏi giăng câu, bắt cá, trồng khoai... Khi lên 14 tuổi, ông đi theo cách mạng và rời ấp. Cuộc đời gian khổ nên khi còn là Thủ tướng cho đến lúc về hưu, ông Phan Văn Khải luôn chăm lo, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như những người xưa thường nói "có rách áo mới thương người áo rách, mình có nghèo mới thương người nghèo". "Ông ra đi là một sự đau buồn và tiếc thương vô hạn, một nỗi đau rất lớn đối với chúng tôi..." - ông Khỏe nghẹn ngào.
Tại đình Tân Thông, không khí cũng trở nên ảm đạm, vắng vẻ hơn bởi thiếu vắng ông Hai Khải. Nơi này, nguyên Thủ tướng cùng các lão làng trong ấp thường ngồi uống trà, cà phê vào mỗi sáng. Họ chia sẻ nhau những câu chuyện bình dị, thân tình. Ông Trần Quốc Mạnh, chủ quán cà phê "cóc" trong khuôn viên đình - nơi nguyên Thủ tướng hay ngồi, kể từ lúc ông Phan Văn Khải về hưu, bà con nơi đây được giúp đỡ rất nhiều, từ các công trình phúc lợi xã hội cho đến các hoàn cảnh khó khăn. Đình Tân Thông những năm tháng chiến tranh bị bom đạn tàn phá nặng nề nhưng đã trở nên khang trang, sạch đẹp bởi nhờ ông Khải ủng hộ tiền cất lại. Với người dân nơi đây, ngôi đình này không chỉ là chỗ thờ cúng văn hóa tâm linh mà còn là dấu ấn về cuộc cách mạng nhân dân Tân Thông ngày xưa. Trong ngôi đình còn có bức bình phong ghi khắc câu đối do chính nguyên Thủ tướng viết: "Vì Tổ quốc thời trai trẻ quyết ra đi - Yêu làng quê xin cống hiến tuổi già".
Những người dân nơi đây còn kể ông Phan Văn Khải giúp sửa lại miếu bà của làng để bà con làm lễ cầu vong vào mỗi ngày rằm, xây cất nhà thờ họ Phan nhằm giáo dục truyền thống trong dòng họ... "Còn nhiều trường hợp khó khăn, ông Hai Khải không chỉ giúp đỡ mà còn vận động thêm các mạnh thường quân hỗ trợ. Có người được nuôi học từ nhỏ đến khi trưởng thành, thành tài. Dù biết tuổi già và bị thêm bệnh nhưng khi nghe tin ông mất, tất cả bà con nơi đây đều buồn. Ông ấy bình dị, gần gũi và thân tình với bà con cho đến cuối đời" - ông Trần Quốc Mạnh nghẹn ngào.
Trong ký ức của ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phan Văn Khải khi còn ở cương vị Thủ tướng luôn nhận được sự tín nhiệm cao bởi là người mẫu mực, bình dị và luôn cố gắng làm tốt vai trò. Sau khi về hưu, sức khỏe ngày càng giảm nhưng ông vẫn thường xuyên quan tâm, gần gũi thân tình với những người từng làm việc với mình khi xưa. "Anh Khải rất thích chơi cầu lông và chúng tôi trước đây thường xuyên giao lưu, tập luyện thể thao với bộ môn này. Sau đợt từ Singapore chữa bệnh trở về, sức khỏe anh ấy khá hơn, tôi mừng lắm. Ai ngờ..." - ông Quân tâm sự.
Gia Minh
Bình luận (0)