Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, ngày 21-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác của chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2023.
800 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ
Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết toàn ngành đã điều tra, xử lý 5.700 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, gần 800 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ. Lĩnh vực thường phát sinh tội phạm là kiểm định phương tiện giao thông; đào tạo, sát hạch lái xe; khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý tài sản công; móc ngoặc giữa chủ đầu tư, nhà thầu với đơn vị thẩm định nhằm tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản nhà nước trong đấu thầu, đấu giá, điển hình như vụ: Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á, Công ty AIC...
Báo cáo về công tác PCTN năm 2023, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng việc điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt những đối tượng bỏ trốn; mở đường để xử lý nhiều đối tượng bỏ trốn ở một số vụ án khác… là cơ sở để dẫn độ tội phạm đã được tòa án kết tội, hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, cơ sở để nghiên cứu, ban hành án lệ, áp dụng thống nhất trên cả nước.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết về các vụ án hình sự, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm.
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí, tình hình tội phạm thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm trước. Năm 2023, VKSND Tối cao đã tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND Tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạm dừng giao dịch số tiền hơn 389.000 tỉ đồng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp hiệu quả phòng chống tham nhũngẢnh: PHẠM THẮNG
Trông chờ thu hồi tài sản vụ Vạn Thịnh Phát
Đại biểu (ĐB) QH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết công tác phòng chống tội phạm trên các lĩnh vực thời gian qua đạt được nhiều kết quả rất khích lệ, góp phần làm giảm thiểu tội phạm, đem lại cuộc sống yên bình cho người dân. Tuy nhiên, các loại tội phạm có loại giảm không nhiều, có loại lại tăng, nhất là tài sản bị thiệt hại tăng hơn 40%-50%.
ĐB Phạm Văn Hòa nêu vụ Vạn Thịnh Phát làm khống cả ngàn hồ sơ để vay, chiếm dụng trên 1 triệu tỉ đồng của Ngân hàng SCB, trong đó có trên 500.000 tỉ đồng tiền gửi của người dân, thậm chí trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD. Có thể nói đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay; số lượng tiền bị chiếm dụng, có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất. Vụ này có thể chỉ là bề nổi của tảng băng, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ. Người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản bằng tiền của các đối tượng trong vụ án Vạn Thịnh Phát.
Ông Phạm Văn Hòa cũng lo lắng khi trong năm 2023, tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng hơn 51% số vụ, số người tăng hơn 96%, trong đó tội nhận hối lộ tăng hơn 346%. Điều này cho thấy công tác PCTN rất quyết liệt, phát hiện đến đâu sẽ xử lý đến đó, không có vùng cấm, không ngoại lệ. Nhưng điều đáng quan tâm là những vụ án tham nhũng đều có liên quan đến người đứng đầu, lợi dụng pháp luật chưa chặt chẽ cấu kết với nhau để thực hiện hành vi tham nhũng, trục lợi. Vì vậy, Chính phủ và các ngành chức năng đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, lấy lại lòng tin với người dân.
ĐB Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cũng nêu việc cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân. Thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ PCTN, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử. Một trong những giải pháp PCTN hiệu quả là chế độ tiền lương hợp lý để nâng cao mức sống của người lao động. "Lương và phụ cấp là nguồn sống chính của cán bộ, công chức và gia đình họ, song chính sách này còn nhiều bất cập. Cần có giải pháp để lương cán bộ, công chức, viên chức tương đương mức sống khá trong xã hội" - bà Linh nói.
ĐB Phạm Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho biết thời gian qua, nhiều người dân đã gửi đơn, thư đến cơ quan chức năng phản ánh về việc các công ty bảo hiểm để các nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng để chuyển tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư. Nhiều trường hợp nhân viên công ty bảo hiểm tư vấn mua bảo hiểm không đầy đủ với nội dung của hợp đồng hoặc sai lệch thông tin hợp đồng bảo hiểm, làm ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng và bảo hiểm. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chủ động rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến lĩnh vực này, tích cực thanh tra, kiểm tra và chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Hôm nay (22-11), QH thảo luận ở hội trường về: Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023; dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Vi phạm về kinh tế 232.197 tỉ đồng, 1.031 ha đất
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế 232.197 tỉ đồng, 1.031 ha đất; kiến nghị thu hồi 166.239 tỉ đồng, 483 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 65.959 tỉ đồng, 548 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.269 tập thể và 8.242 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 404 vụ, 459 đối tượng. Các cơ quan điều tra của công an đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án/2.951 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 732 vụ án/2.106 bị can. Đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can. Công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng có 4.879 việc phải thi hành với số tiền hơn 97.261 tỉ đồng; đã thi hành xong 2.264 việc với số tiền 20.405 tỉ đồng.
Rất ít vụ tham nhũng phát hiện qua tự kiểm tra
Trình bày báo cáo thẩm tra công tác PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cơ bản tán thành với những kết quả tích cực trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp nhìn nhận tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.
"Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ chưa chuyển biến, rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra" - bà Nga nói.
Bình luận (0)