Những cơn mưa vừa qua tại TP HCM khiến một số tuyến đường các quận Gò Vấp, 12 như: Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Quá, Nguyễn Văn Khối, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu... bị ngập. Mới nhất, cơn mưa không quá lớn chiều 21-5 nhưng khiến nhiều hướng lưu thông ở 2 quận trên chìm trong nước, việc đi lại khó khăn, cuộc sống người dân đảo lộn.
Nâng cấp đường, làm cống hộp... vẫn ngập
Sống trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), bà Nguyễn Phượng Nhung ngán ngẩm mỗi khi trời đổ mưa kéo dài hơn nửa giờ bởi lúc đó, vô số đoạn đường sẽ ngập, vỉa hè lênh láng và nhà bị nước tràn vào.
Theo bà Nhung, khu vực này là vùng trũng của quận 12. Năm 2021, sau khi cơ quan chức năng thay cống hộp lớn, nâng cấp mặt đường, người dân vui mừng vì tưởng sẽ thoát cảnh hễ mưa là ngập. Nhưng những trận mưa vừa qua cho thấy khu vực này vẫn ngập nặng dù mỗi lần mưa, đơn vị chức năng cử người xuống hốt rác, lấy bùn dưới cống cũng không giải quyết được gì.
"Mấy năm trước, báo đài phản ánh nhiều, sau đó thì nhà nước đầu tư, nâng cấp các kiểu vẫn không cải thiện được. Giờ nhìn ngập cũng chỉ biết cười trừ, thấy mưa thì chụp mấy tấm hình gửi con bảo đang ngập, đừng về" - bà Nhung nói.
Cơn mưa chiều 21-5 không lớn nhưng gây ngập đường Nguyễn Văn Quá. Ảnh: QUỐC ANH
Người dân ở đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) cũng chung cảnh ngộ. Thay vì chuyên tâm buôn bán, mỗi lần trời mưa, họ lại vội đóng hàng quán, chuẩn bị dụng cụ phòng lúc phải tát nước ra đường. Theo người dân ở đây, sở dĩ ngập là do hệ thống cống thoát nước được xây dựng từ hàng chục năm trước đã xuống cấp, khả năng tự thoát nước kém. Đặc biệt là khi mưa kết hợp triều cường, nước không thể thoát ra sông khiến tuyến đường này bị ngập sâu, làm hư hỏng nhiều tài sản của người dân.
Ông Vũ Quốc Cường (ngụ đường Phan Huy Ích) than trời: "Đường này thấp ghê lắm, mưa xuống là nước lút nửa bánh xe máy, một đoạn từ ngã tư giao đường Quang Trung đến đoạn cắt đường Trường Chinh không chỗ nào là không có nước. Chưa kể, vì là "cái rốn" nên nước từ đường Tân Sơn, Quang Trung và các con hẻm đổ về kèm theo rác rất nhếch nhác... Sau cơn mưa nào cũng ngập, thực sự rất phiền não...".
Gần đó, ông Nguyễn Văn Yên (ngụ đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp) dùng hình tượng "chụp cá xả láng" để khái quát câu chuyện "đường nhiều lúc giống cái ao". Ông Yên nói đường Phạm Văn Chiêu có cống thoát nước quá nhỏ, là một trong những điểm "dẫn đầu" về ngập, nhiều lúc cả cây số, từ ngã tư giao đường Lê Văn Thọ đến ngã 3 Nguyễn Văn Khối (đường Cây Trâm cũ, quận Gò Vấp) các phương tiện phải chật vật xé nước để băng qua hoặc đẩy xe ì ạch vì chết máy. Để đối phó, các hộ dân phải nâng nền nhà nhằm giảm thiểu nguy cơ hễ mưa là dọn đồ đạc lên cao.
Khu vực chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức) cũng trong tình trạng tương tự. Hễ mưa lớn một chút, nước chảy cuồn cuộn, người dân lại bì bõm lội giữa dòng nước. Tình trạng ngập xảy ra nặng nhất tại các tuyến đường như Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân... do hệ thống cống tại đây vốn quá tải nay đang được thi công nên khả năng thoát nước bị giảm.
Vài công trình dang dở
Khi được hỏi, người dân ở những nơi này đều bày tỏ mong muốn thành phố triển khai nhanh chóng, khoa học và có trọng điểm những dự án chống ngập.
Nói về tình trạng ngập tại quận 12 và Gò Vấp, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM xác nhận còn nhiều tuyến đường ở 2 quận này cần cải thiện khả năng thoát nước nhưng do gặp khó khăn về nguồn vốn nên việc cải thiện khả năng thoát nước chưa như mong muốn. Sắp tới, một số dự án chống ngập sẽ được trình HĐND TP HCM để được duyệt kinh phí triển khai.
Nhà dân trên đường Phạm Văn Chiêu nâng nền nhà cả nửa mét nhưng khi mưa, nước vẫn tràn vào. Ảnh: ANH VŨ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12, nói tình trạng ngập của tuyến đường Nguyễn Văn Quá được người dân phản ánh liên tục. "Về lý do tuyến đường này đã làm cống hộp nhưng vẫn ngập là do hệ thống cửa xả trước vướng mặt bằng nhưng nay cũng đã giải quyết xong để bảo đảm hướng thoát nước ra kênh. Tuy nhiên, mưa với lưu lượng lớn thì nước thoát không kịp, nhất là khu vực cống Cây Lim. Địa phương chỉ biết trông chờ vào thành phố vì cấp vốn làm dự án chống ngập thuộc thẩm quyền thành phố. Trước mắt, hằng năm địa phương chỉ nạo vét, khơi thông dòng chảy. Còn giải quyết cho tuyến đường này thì phải làm lớn, đồng bộ. Việc này còn liên quan đến vấn đề kỹ thuật như tiết diện cống, hướng thoát, lưu lượng..." - ông Đức cho biết.
Tại khu vực TP Thủ Đức, hiện có công trình chống ngập lớn cho các tuyến đường Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân, khu vực chợ Thủ Đức..., được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ngập khi mưa lớn. Dự án khởi công tháng 10-2020, dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Một số công trình giao thông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức làm chủ đầu tư cũng còn dang dở. "Riêng đối với dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân, đại diện nhà thầu cho biết dự án vẫn đang gặp khó khăn về nguồn vốn vì chủ đầu tư "rót vốn" hạn chế, chủ yếu là vốn từ doanh nghiệp. Hiện, tiến độ đạt 70%, dự kiến hoàn thành dự án vào cuối năm nay.
Thoát ngập "mừng hơn bắt được vàng"
Tại quận Tân Bình, hệ thống thoát nước trên đường Ba Vân, Trương Công Ðịnh, Bàu Cát khi được vận hành đã mang lại hiệu quả khá cao. Nước từ những trận mưa nhanh chóng chảy về hệ thống cống giúp đường phố thông thoáng, sạch sẽ...
Bà Nguyễn Thị Mai (ngụ đường Bàu Cát) nói trước đây cứ mưa là ngập, ít thì nửa bánh xe máy, nhiều thì nước tràn vào nhà. Nhờ hệ thống cống thoát nước đường Bàu Cát vừa được nâng cấp xong nên những cơn mưa vừa qua dù khá lớn vẫn không gây ngập. "Thoát cảnh hễ mưa là ngập, tôi mừng hơn bắt được vàng" - bà Mai bày tỏ.
Bình luận (0)