Sáng 7-9, Công an TP Hà Nội cho biết qua theo dõi tổng đài hotline của Công an TP về giải đáp thắc mắc liên quan việc cấp giấy đi đường, Công an TP nhận thấy nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức còn lúng túng trong việc xác định nhóm đối tượng được cấp giấy, nhất là diện đối tượng của nhóm 2 và nhóm 6.
"Công an TP Hà Nội đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nếu chưa xác định được diện đối tượng như trên, liên hệ với Công an phường, xã, thị trấn sở tại để được hướng dẫn" - thông báo của Công an TP Hà Nội nêu rõ.
Lực lượng chức năng kiểm soát người dân đi đường ở Hà Nội - Ảnh: Ngô Nhung
Từ 6-9, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách lần thứ 4 với phương châm siết chặt hơn, quyết liệt hơn, phương án giãn cách phòng, chống dịch theo 3 vùng ở 3 cấp độ khác nhau, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Công an TP Hà Nội tiếp tục duy trì và tăng cường các lực lượng cắm chốt, các tổ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát gắt gao nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp người dân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Tiếp tục kiểm soát tại các chốt ra vào TP, đồng thời lập thêm 39 chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào vùng 1 theo giấy đi đường mới.
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, để có thời gian chuẩn bị chu đáo cho công tác cấp giấy đi đường theo quy trình mới và tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp nên trong 2 ngày 6-9 và 7-9, các lực lượng chức năng chỉ kiểm tra nhắc nhở, tuyên truyền những người ra đường thuộc nhóm được phép nhưng chưa có giấy đi đường theo quy định mới. Cá nhân và người điều khiển phương tiện tiếp tục được sử dụng giấy đi đường đã được cấp để phục vụ công tác kiểm tra khi có yêu cầu.
Bắt đầu từ 6 giờ ngày 8-9, các chốt kiểm soát của TP sẽ kiểm soát người và phương tiện ra, vào Thành phố, ra vào vùng 1 theo giấy đi đường mới. Công an TP Hà Nội thông báo để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân biết, mong được chia sẻ, phối hợp, đồng hành để lực lượng Công an TP hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, "ai ở đâu thì ở đó" "người ở vùng nào thì ở vùng đó", phương tiện "được phép mới ra đường". Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, TP Hà Nội đề nghị người dân trên địa bàn TP khi có một trong các biểu hiện như: Sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19 hoặc liên hệ CDC Hà Nội (0969082115 hoặc 0949396115) để được tư vấn.
Đồng thời, khai báo y tế hằng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt để góp phần giúp các cơ quan y tế kịp thời phát hiện, phân loại những ca F0 trong cộng đồng, nhằm chặn đứng, khóa chặt nguồn lây nhiễm.
6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường ở Hà Nội:
Nhóm 1: Các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao, quốc tế gồm: Cán bộ, công chức, công vụ làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính quyền, MTTQ, đoàn thể, chính trị xã hội đóng trên địa bàn TP (bao gồm cả các cơ quan trực thuộc và tương đương); cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế.
Thẩm quyền cấp giấy đi đường: Do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm 2: Các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu gồm: Cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ công ích thiết yếu.
Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.
Nhóm 3: Các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch gồm: Cán bộ, công chức, công vụ, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện tham gia công tác phòng chống dịch.
Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm 4: Các cơ quan báo chí, truyền thông: Cán bộ, người lao động làm việc tại các cơ quan báo chí, truyền thông.
Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Do Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm 5: Nhóm 6: Đối với các trường hợp cá nhân có nhu cầu lưu thông trên đường: Cá nhân đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu: Do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn duyệt, cấp thẻ mua hàng thiết yếu theo đúng đối tượng quy định.
Cá nhân đi thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh và mua thuốc định kỳ; đi tiêm vắc-xin và xét nghiệm Covid-19; người chăm sóc người bệnh và người xuất viện về): Không áp dụng giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh kèm theo căn cước công dân (chứng minh thư nhân dân).
Cá nhân đi sân bay theo vé; cá nhân đi đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn của cơ quan ngoại giao; cá nhân đến tòa án theo giấy triệu tập của tòa án: Không áp dụng Giấy đi đường, cá nhân chỉ cần mang theo giấy tờ chứng minh kèm theo căn cước công dân (chứng minh thư nhân dân) và giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ.
Nhóm 6: Các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu: Các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu.
Thẩm quyền cấp Giấy đi đường: Công an xã, phường, thị trấn
Bình luận (0)