Ngày 25-8, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ các đường dây khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ lậu với quy mô lớn trên địa bàn huyện Ea Kar.
Trinh sát nhiều ngày mới "cất vó"
Đầu tháng 3-2019, nắm được thông tin lâm tặc đang tàn phá nhiều cánh rừng ở huyện Ea Kar, đại tá Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP Buôn Ma Thuột và Đội Đặc nhiệm của Phòng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Đắk Lắk) bám sát các điểm nóng phá rừng ở huyện Ea Kar.
Đến chiều 18-8, một tổ công tác của 2 lực lượng trên đã vây bắt 4 đối tượng đang cưa hạ 6 cây gỗ lớn với tổng khối lượng khoảng 60 m3 tại 692 lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (Công ty Lâm nghiệp Ea Kar). Tại đây, tổ công tác phát hiện thêm hàng chục cây gỗ lớn khác đã bị các đối tượng lâm tặc cưa hạ và 2 bãi tập kết gỗ nằm ngay bìa rừng với 47 lóng cây đã được cưa xẻ thành từng hộp gỗ. Tổng khối lượng gỗ thu giữ được ước tính khoảng 100 m3.
Trong 4 người bị bắt giữ có Hoàng Văn Năm (32 tuổi) là thôn trưởng thôn 15, xã Cư Yang. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận đầu tháng 7-2019, ông Lê Văn Thắng (ở xã Ea Pal, huyện Ea Kar) tới gặp thuê Năm vào rừng cưa gỗ và được trả 300.000 đồng/ngày. Sau khi được ông Thắng đưa xăng và cưa máy, Năm rủ thêm 3 người khác trong thôn cùng đi phá rừng. "Không biết ông chủ quen với ai nhưng trong quá trình phá rừng một thời gian dài không thấy lực lượng kiểm lâm hay cán bộ bảo vệ rừng tới hỏi han gì" - Hoàng Văn Năm khai.
Từ quá trình trinh sát, nắm đường dây này, trong vài ngày qua, lực lượng công an đã kiểm tra 5 điểm tập kết gỗ lậu (3 nhà dân và 2 xưởng mộc) nằm rải rác ở các xã trên địa bàn huyện Ea Kar. Tất cả số gỗ tập kết ở đây phần lớn là những tấm phản có kích thước rất lớn với tổng khối lượng trên 32 m3. Bước đầu, chủ 5 điểm này khai nhận đã mua số gỗ trên từ 2 đầu nậu là ông Nguyễn Anh Dũng (xã Cư Yang) và ông Lê Văn Thắng (xã Ea Pal, huyện Ea Kar). Bên cạnh đó, quá trình khám nghiệm hiện trường, lực lượng công an còn phát hiện hơn 60 gốc cây lớn đã bị lâm tặc cưa hạ trên diện tích rừng 30 ha thuộc lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar quản lý, với tổng khối lượng khoảng 200 m3, nâng tổng khối lượng gỗ lậu thu giữ khoảng 330 m3.
Thiếu tá Thái Khắc Chính, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Buôn Ma Thuột, cho biết các lâm tặc mang cưa máy vào tàn phá rừng rồi thường dùng trâu hoặc xe máy độ chế vận chuyển ra bìa rừng. Khu vực dân cư gần rừng chủ yếu đồng bào dân tộc thiếu số từ các tỉnh phía Bắc di cư vào. Khi thấy người lạ xuất hiện, họ thường điện báo cho nhau nên lực lượng công an phải băng rừng từ nhiều hướng mật phục trong thời gian dài mới bắt được các đối tượng.
Rừng bị tàn phá nghiêm trọng trong thời gian dài nhưng chủ rừng chưa bị xử lý trách nhiệm
Làm rõ trách nhiệm chủ rừng
Như Báo Người Lao Động liên tục phản ánh từ năm 2018 đến nay, rừng thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp Ea Kar thường xuyên bị tàn phá, trong đó có nhiều vụ thể hiện sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chủ rừng.
Trước thực trạng này, tháng 5 -2019, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành vào cuộc làm rõ trách nhiệm để mất rừng. Chỉ đạo công an tỉnh tiến hành điều tra, xác định rõ có hay việc bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng phá rừng, xử lý nghiêm theo quy định. Sau đó, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét kỷ luật lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Ea Kar.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk, cho biết sở đã đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương quyết định thanh tra công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý đất đai tại công ty này. Sau đó, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra tỉnh tham mưu cho tỉnh ban hành quyết định thanh tra. Sau khi có kết quả thanh tra và kết luận các vụ khai thác gỗ trái phép tại Công ty Lâm nghiệp Ea Kar, cơ quan chức năng sẽ căn cứ để xử lý trách nhiệm cá nhân và tập thể liên quan.
Liên quan đến trách nhiệm chủ rừng, đại úy Văn Thiện Nguyên, cán bộ Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Buôn Ma Thuột, cho biết Công ty Lâm nghiệp Ea Kar đã để rừng bị phá rất nghiêm trọng trong một thời gian dài. Hiện nay, cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Vụ "chặt cây, xẻ gỗ và ngang nhiên qua trạm" Ở GIA LAI
Họp khẩn, chỉ đạo xử lý nghiêm!
Ngày 25-8, nguồn tin riêng cho biết chính quyền huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã họp khẩn bàn biện pháp xử lý trường hợp "chặt cây, xẻ gỗ và ngang nhiên qua trạm" mà Báo Người Lao Động ngày 22-8 đã phản ánh.
Ngay sau khi báo đăng, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản yêu cầu UBND huyện Krông Pa chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra thực tế, xác minh thông tin báo nêu, tổ chức lực lượng tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Sau khi nhận được thông tin, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa đã phối hợp với chính quyền địa phương, chủ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba kiểm tra khu vực báo nêu và xác định tại khu vực lô 2, khoảng 7, Tiểu khu 1410 do UBND xã Ia Rmok quản lý có 33 cây gỗ nhiều chủng loại bị triệt hạ với khối lượng hơn 5,6 m3.
Các đơn vị này đã mật phục, bắt giữ ôtô 12 chỗ chở hơn 2,6 m3 gỗ đang từ xã Ia Rmok đi tỉnh Phú Yên, trên xe có 4 người. Xe này đã lao thẳng về phía xe lực lượng kiểm lâm, các đối tượng bỏ chạy ngay sau đó. Lực lượng chức năng bắt giữ 8 xe máy độ chế chở hơn 2,4 m3 gỗ trái phép.
Lâm tặc lộng hành như vậy nhưng ông Nguyễn Văn Dương, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba, nhìn nhận từ đầu năm tới nay, Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ia Dreh chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào vi phạm. Sau bài viết của Báo Người Lao Động, lãnh đạo ban đã yêu cầu ông Nay Rên (trưởng trạm) về làm việc tại ban, còn 2 người khác đang đi công tác nên chưa làm rõ được. "Đối với những trường hợp vi phạm, sắp tới chúng tôi sẽ cho viết tường trình và kỷ luật theo quy định" - đại diện lãnh đạo ban này nói.
Hôm 22-8, Báo Người Lao Động đưa tin lâm tặc ngang nhiên vào khu rừng ở xã Ia Rmok triệt hạ nhiều cây gỗ lớn. Khi vận chuyển gỗ qua Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ia Dreh, lâm tặc chỉ cần vào "trình báo" là vô tư chở gỗ qua trạm.
Hoàng Thanh
Bình luận (0)