Cụ thể, Mai Linh kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ, cho phép Mai Linh được trả nợ gốc trong 20 năm từ năm 2018, mỗi năm 6 tỉ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm. Mai Linh mong BHXH Việt Nam xem xét khoanh nợ, giảm nợ để đơn vị vượt qua khó khăn và có điều kiện trả nợ gốc cho BHXH, bảo đảm việc làm cho 24.000 lao động.
Đây không phải là chuyện mới, bởi từ 5 năm trước, Mai Linh đã từng kiến nghị tương tự. Vào đầu năm 2013, Mai Linh đề nghị tạm hoãn thu nợ của tập đoàn (thời điểm đó là 49 tỉ đồng), tuy nhiên BHXH TP HCM không chấp thuận. Lúc đó, Giám đốc BHXH TP HCM Cao Văn Sang nói khi doanh nghiệp (DN) gặp khó, quyền lợi người lao động (NLĐ) phải đặt lên cao nhất, nợ lương, BHXH phải ưu tiên trả trước. Ông Sang cho rằng với nợ thuế, nợ ngân hàng thì có thể giãn nộp hay khoanh nợ nhưng đối với BHXH, nếu công ty nợ đọng, cơ quan BHXH không thể chốt sổ hay chi trả các chế độ cho NLĐ. "Nếu Chính phủ cho phép Mai Linh nợ BHXH thì phải có kèm theo phương án hỗ trợ của Chính phủ để NLĐ không bị thiệt thòi" - ông Sang nói.
Nhiều năm trước, đông đảo NLĐ làm việc trong DN hằng tháng vẫn trích nộp tiền lương để đóng các khoản BHXH, BHYT nhưng số tiền này bị chiếm dụng, không nộp cho cơ quan BHXH. Đến khi NLĐ thôi việc hoặc thai sản, đau ốm, các quyền lợi chính đáng bị từ chối chi trả vì không có sổ BHXH, không có thẻ BHYT. Bi kịch là chỗ NLĐ đã hoàn thành nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, họ không có lỗi nhưng phải gánh chịu thiệt thòi. Điều đáng mừng là kể từ năm 2018 trở đi, DN có hành vi gian lận, nợ, trốn đóng BHXH được hình sự hóa và coi như tội phạm. Trốn đóng BHXH, tùy tính chất và hành vi, có thể bị ở tù từ 6 tháng đến 7 năm…
Mới đây, trong dự thảo nghị định về quản lý thu nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo, có quy định mới về nguồn kinh phí xử lý nợ và bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Theo cơ quan này, đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc các DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH trước đây chưa có quy định giải quyết quyền lợi về BHXH đối với NLĐ. Để khắc phục bất cập này, dự thảo quy định: Đối với các trường hợp đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì nguồn kinh phí bảo đảm khoản tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH theo quy định tại khoản 3, điều 122 của Luật BHXH.
Đây là hướng mở tiến bộ, trám lỗ hổng quyền lợi NLĐ. Thực tiễn sinh động sẽ luôn đặt ra những vấn đề phải khắc phục, giải quyết và hoàn thiện dần pháp luật. Mỗi DN có hoàn cảnh khác nhau nhưng quyền lợi và nghĩa vụ luật pháp phải như nhau. Trong trường hợp này, điều quan trọng nhất là sự công bằng giữa các bên, không vì lý do nào mà đẩy thiệt thòi về NLĐ.
Bình luận (0)