Hàng trăm ngàn cán bộ, y - bác sĩ, nhân viên y tế từ mọi miền đất nước đã và đang vượt qua những khó khăn, thách thức, thậm chí cả hy sinh tính mạng để chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.
Nhiễm bệnh vẫn lao vào việc
Bệnh viện Dã chiến số 9 (huyện Hóc Môn, TP HCM) - nơi điều dưỡng N.N.C "trực chiến" suốt 2 tháng qua - đang chữa trị hơn 600 bệnh nhân. Lực lượng tại đây gồm hơn 90 người, gồm bác sĩ, điều dưỡng và các lực lượng khác.
"Áp lực làm việc ở bệnh viện dã chiến rất cao, do vậy mỗi người phải kiêm nhiều việc bên cạnh việc bảo đảm chăm sóc người bệnh. Vào ca trực, 1 điều dưỡng trong bộ đồ bảo hộ làm việc như chạy suốt 4 giờ để chăm sóc khoảng 100 F0" - chị C. cho biết. Bé gái 12 tuổi, con chị C., tâm tư: "Không có mẹ ở nhà, cuộc sống như có bão tố".
Do lực lượng mỏng nên mọi người choàng gánh việc của nhau rất nhiều. Công việc của chị cũng như các điều dưỡng bao gồm: xét nghiệm, truyền dịch, tiêm thuốc, thực hiện các y lệnh của bác sĩ để kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, nhận bệnh, báo suất ăn cho bệnh nhân… Có những trường hợp dù là F0 nhưng họ vẫn tiếp tục công việc của mình do không có người thay thế.
"Dù nhớ con, nhớ gia đình nhưng vì công việc, vì người bệnh, vì đồng nghiệp vẫn đang chống chọi với hiểm nguy nên ai cũng kìm nén nỗi niềm riêng" - chị C. chia sẻ.
Các bác sĩ, nhân viên y tế đang dốc toàn lực chăm sóc các ca F0. Ảnh: TRẦN THẮNG
Hơn 2 tháng qua, mọi việc trong nhà và chăm sóc con cái, chồng chị C. đều một tay cáng đáng. Cũng như đồng nghiệp, trước khi xông vào tuyến đầu, chị C. đã chuẩn bị tâm lý cho một ngày mình trở thành F0.
"Dù được trang bị đồ bảo hộ, tập huấn chăm sóc bệnh nhân để tránh lây nhiễm nhưng làm trong môi trường này không thể tránh được rủi ro. Điều khiến tôi ám ảnh nhất không phải là công việc chăm sóc người bệnh mà chứng kiến cảnh bệnh nhân ra đi dù chúng tôi đã cố gắng hết sức. Từng trải qua những giây phút khắc nghiệt tại khoa cấp cứu nhưng chưa khi nào tôi chứng kiến sự ra đi tàn khốc như thời gian qua. Bởi mọi thứ đến và đi rất nhanh khiến các y - bác sĩ không kịp trở tay. Mỗi lần như vậy, tôi không thể chợp mắt" - chị C. nghẹn ngào.
Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng Phòng Công tác xã hội phụ trách quản lý chất lượng Bệnh viện K vào chi viện cho TP HCM tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP HCM, chia sẻ tại chương trình tọa đàm "Bảo vệ blouse trắng nơi tuyến đầu" do Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức mới đây: "Chưa bao giờ các bác sĩ gặp áp lực lớn như vậy. Mỗi ngày 3 ca 4 kíp, mỗi ca 8 giờ, ca đêm 10 giờ bởi số lượng bệnh nhân nặng quá lớn, tỉ lệ tử vong cao. Ngoài ra, áp lực tâm lý cũng đè nặng khi nhiều cán bộ y tế đã trở thành F0" - bác sĩ Tĩnh nói. Chị C. và bác sĩ Tĩnh chỉ là 2 trong hàng chục ngàn nhân viên y tế đang ngày đêm bám trụ phòng chống cơn đại dịch.
Sát cánh cùng đội ngũ nơi tuyến đầu
Thời điểm này, người dân cả nước cần đội ngũ nhân viên y tế hơn lúc nào hết. Rất nhiều cán bộ tay nghề cao của các bệnh viện trung ương, điều kiện kinh tế rất tốt nhưng vẫn xung phong Nam tiến vì lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, trách nhiệm với đất nước để chia sẻ với đồng nghiệp trong thời điểm khắc nghiệt.
PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết các y - bác sĩ tham gia chống dịch tại các điểm nóng đều được hỗ trợ về mọi mặt như được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, phòng hộ đầy đủ. Theo PGS-TS Phạm Thanh Bình, ngay cả các y - bác sĩ, nhân viên y tế về hưu, cán bộ y tế, sinh viên ở miền Bắc còn tình nguyện đăng ký vào tâm dịch ở 19 tỉnh, thành miền Nam huống chi là các y - bác sĩ đang sống ngay trên quê hương mình thì càng phải ra sức bảo vệ chiến tuyến, bảo vệ đồng bào. Chiến sĩ là phải ra trận trong lúc như này" - bà Bình nói.
Trước sự hy sinh, vất vả của đội ngũ nhân viên y tế, thời gian qua, Công đoàn Y tế Việt Nam đã đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ dinh dưỡng cho những người tham gia tuyến đầu 1 triệu đồng/đợt, số tiền này do Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ các tỉnh, thành chi trả. Ngoài ra, Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị hỗ trợ thêm cho các cán bộ trực thuộc đơn vị do Bộ trưởng Bộ Y tế điều động tăng cường 2 triệu đồng/đợt/người từ kinh phí của đơn vị. Tất cả chế độ, chính sách nhà nước quy định từ tiền trực, phụ cấp, tiền chống dịch, đội ngũ tham gia tuyến đầu chống dịch đều được nhận đầy đủ, ưu tiên tiêm vắc-xin cho thân nhân.
Bên cạnh đó, Công đoàn Y tế Việt Nam đã triển khai thẻ bảo hiểm cho những người ở tuyến đầu với 20.000 thẻ và đang tiếp tục đề xuất 25.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho lực lượng này. Đặc biệt, cán bộ y tế đang tham gia chống dịch có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 2 triệu đồng, với các trường hợp cán bộ y tế có thân nhân mất, không về chịu tang sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng. Theo bà Bình, đây là phần động viên tinh thần, sát cánh của tổ chức Công đoàn để chia sẻ đối với sự hy sinh, cống hiến của cán bộ y tế. Có thể khẳng định tinh thần tình nguyện của các "chiến sĩ áo trắng" là tài sản vô giá của đất nước.
Ông Trần Đăng Công Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế TP HCM, cho biết hiện Công đoàn ngành đang quản lý khoảng 30.000 đoàn viên của 39 đơn vị. Thời gian qua, lực lượng y - bác sĩ thành phố đã không quản ngày đêm tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19, nhiều người trở thành F0, thậm chí hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Hiện có 2.848 nhân viên y tế là F0, trong đó có 1.889 nữ; số nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là 91 người. Để khích lệ tinh thần, Công đoàn ngành đã chi hỗ trợ khẩn cấp cho 37 đơn vị tuyến đầu phòng chống dịch và 630 F0 với số tiền gần 3 tỉ đồng. Ngoài ra, ban chấp hành các Công đoàn cơ sở đã tiếp nhận hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để chăm lo 1.256 nhân viên y tế tuyến đầu với tổng số tiền gần 720 triệu đồng.
Ngoài chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho cán bộ y tế 1 triệu đồng/người do Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai, Công đoàn ngành cũng thực hiện chương trình "Bảo vệ blouse trắng" do Công đoàn ngành y tế Việt Nam ký kết với Tổng Công ty Bảo hiểm PVI, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt với mức hỗ trợ nhân viên y tế là F0 đang làm nhiệm vụ là 10 triệu đồng, nhân viên mất do Covid-19 là 50 triệu đồng… Những hoạt động này góp phần giúp cán bộ y tế yên tâm một phần khi thực hiện nhiệm vụ.
Trình Chính phủ xem xét các chế độ, chính sách
Ngày 9-9, Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế chính sách trong phòng chống dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước đó Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ xem xét các chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở và cán bộ y tế làm công tác dự phòng với những điều khoản về hỗ trợ, đào tạo, thu hút cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên.
Một trong những điểm đáng chú ý trong các chính sách này là việc hỗ trợ hằng tháng cho lực lượng cán bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét các chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản tại những vùng miền núi, khó khăn.
Trong văn bản ngày 9-9 gửi các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19, Sở Y tế TP HCM đề nghị phải bảo đảm các chế độ cho lực lượng tuyến đầu (phương tiện phòng hộ, bữa ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng, nơi nghỉ ngơi sau khi làm việc...), hưởng phụ cấp phòng chống dịch. Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
N.Dung - N.Thuận
Lời nhắn nhủ của người đứng đầu ngành y
Ngày 9-9, trong thư gửi cán bộ, nhân viên ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết gần 3 tháng qua, hàng vạn cán bộ, y - bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế từ mọi miền cả nước, nhất là lực lượng cán bộ y tế tại TP HCM và các tỉnh, thành miền Nam, miền Trung đang dồn sức trong cuộc chiến với đại dịch.
Tư lệnh ngành y tế ghi nhận sự cống hiến tận lực của đội ngũ thầy thuốc đã đổ mồ hôi, nước mắt, gác lại tình riêng và chịu những mất mát, hy sinh. Niềm vui của người thầy thuốc lúc này là mỗi ngày có thêm nhiều địa phương kiểm soát được dịch, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch được khỏi bệnh và quay trở lại với cuộc sống. Người đứng đầu ngành y tế nhắn nhủ mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần phát huy tinh thần trách nhiệm, vừa làm tốt nhiệm vụ phòng chống dịch, điều trị người bệnh Covid-19 vừa khám chữa bệnh khi người dân ốm đau. "Tôi cũng mong chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và cộng đồng dành sự quan tâm lớn hơn nữa đối với đội ngũ ở tuyến đầu chống dịch. Sự quan tâm, ủng hộ, yêu thương lúc này sẽ là động lực mạnh mẽ để các lực lượng sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi.
N.Dung
Bình luận (0)