Hoàng Trung Hiếu, nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, là một trong 102 điển hình sẽ được TP HCM tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước TP HCM lần thứ VII, giai đoạn 2015-2020. Chỉ mới 23 tuổi nhưng cái tên Hoàng Trung Hiếu không còn xa lạ trong giới sinh viên bởi các thành tích đáng nể trong nghiên cứu khoa học ở cả trong nước và quốc tế.
Không ngừng đam mê
Trung Hiếu tâm sự ngay từ những năm tháng học tiểu học, Hiếu đã mê các thiết bị điện, điện tử. Thời điểm ấy, Hiếu đã tháo lắp đồ chơi cũ và tạo thành các mô hình để tham dự cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Khánh Hòa. Niềm đam mê ấy cứ lớn dần theo năm tháng. Đến khi lên đại học, Trung Hiếu đã lân la ở phòng Lab quan sát các thầy cô và anh chị khóa trên nghiên cứu khoa học. Sự cuốn hút của những đề tài, những giả thuyết có thể trở thành hiện thực trong cuộc sống đã chinh phục cậu sinh viên trẻ.
Hoàng Trung Hiếu say sưa nói về các công trình khoa học của bản thân có thể ứng dụng vào thực tế ở TP HCM
Đến năm 2, Trung Hiếu đăng ký tham gia các nhóm nghiên cứu ở trường. Kể từ đây, cậu sinh viên trẻ đã kế thừa và phát triển nhiều dự án mang tầm quốc tế, đem về những công trình có thể ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam. "Lĩnh vực công nghệ thông tin luôn tạo cho bản thân sự tò mò, muốn chinh phục. Khi có thể vận dụng những kiến thức mình học để tạo ra rất nhiều ứng dụng từ máy tính, giải quyết được một phần các bài toán và thử thách trong cuộc sống làm mình rất thích thú" - Trung Hiếu lý giải.
Có thể "điểm qua" một số thành tích của Trung Hiếu như á khoa chương trình cử nhân tài năng của Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; sinh viên "5 tốt" cấp TP, cấp trung ương; giải nhì cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo lần thứ II... Đặc biệt với niềm say mê nghiên cứu trong lĩnh vực là trí tuệ nhân tạo (AI), ngay lúc còn sinh viên, Trung Hiếu đã thực hiện 8 bài báo khoa học, trong đó 4 bài là tác giả chính được đăng tại các hội nghị khoa học máy tính quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Hiếu được đánh giá là một trong những sinh viên Việt Nam có kết quả xuất sắc nhất trong các kỳ thi khoa học quốc tế về AI cùng với các nghiên cứu sinh, tiến sĩ của các trường, viện, phòng thí nghiệm nổi tiếng khác trên thế giới như University of Washington, DeepBlue Technology, Microsoft của Mỹ, Baidu của Trung Quốc, University of Augsburg của Đức… Trung Hiếu đã đoạt 2 giải nhất, 1 giải ba kỳ thi quốc tế về AI.
Góp sức xây dựng đô thị thông minh
Với mong muốn cống hiến sức mình trong xây dựng TP, 2 trong 3 công trình khoa học được chọn công bố trong các hội nghị hàng đầu thế giới của Trung Hiếu là về lĩnh vực giao thông thông minh được giới chuyên môn đánh giá cao vì có thể ứng dụng tại TP. Ở đề tài thứ nhất, Trung Hiếu nghiên cứu về đề xuất phương pháp mới trong việc xử lý hình ảnh camera giao thông phục vụ TP thông minh. Hệ thống giúp theo vết các phương tiện giao thông dựa vào hình dáng và các đặc điểm nhận dạng, đồng thời phát hiện các sự cố bất thường xảy ra trên đường phố một cách tự động. Nghiên cứu thứ hai của chàng sinh viên trẻ là đề xuất phương pháp mới trong việc phân đoạn đối tượng trong video (video instance segmentation) cho phép tách tự động các đối tượng như xe, phương tiện giao thông, người, đồ vật... Theo Hoàng Trung Hiếu, ở các giao lộ vào giờ cao điểm thường kẹt xe nhưng hệ thống đèn tín hiệu tại các giao lộ này được quy định thời gian chuyển cố định. Điều này làm gia tăng mức độ kẹt xe do lượng xe di chuyển luôn thay đổi và không cố định. Nếu hướng nào nhiều xe thì nên tăng thời gian đèn xanh và hướng nào ít xe thì tăng thời gian đèn đỏ từ video. Trung Hiếu chia sẻ những năm gần đây, TP HCM nỗ lực xây dựng đô thị thông minh và đang trong cuộc đua với nhiều nước phát triển trên thế giới trước thềm của công nghệ 4.0. "Là người làm nghiên cứu, tôi muốn cống hiến trí tuệ, kiến thức cho chính nơi mình được đào tạo, được nuôi dưỡng ước mơ" - Trung Hiếu bộc bạch.
Không ngừng nghiên cứu và liên tục học tập để phục vụ cuộc sống, Trung Hiếu nói đang "bắt tay" vào nghiên cứu, ứng dụng AI để phân tích hình ảnh X-quang của những bệnh nhân Covid-19. "Bằng việc quan sát một chuỗi hình ảnh X-quang phổi, tận dụng khả năng của máy tính và AI để phân tích hình ảnh đó một cách thông minh nhất, nắm được quy luật, dấu hiệu của căn bệnh này" - Trung Hiếu ấp ủ. Em hy vọng cùng với đồng đội có thể xây dựng một hệ thống có thể giúp cho bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng như để mọi người hiểu sâu hơn, giúp cho việc phòng bệnh được hiệu quả.
"Bản thân mình hiểu rõ, đối với những người làm nghiên cứu thì càng phải liên tục trau dồi, có kiến thức đa ngành, đa lĩnh vực, "tấn công" vào những khu vực gọi là ranh giới của những ngành nghiên cứu khác nhau. Do đó, không chỉ dừng lại việc học trên trường, lớp mà đòi hỏi tinh thần tự học, tự nghiên cứu và tìm tòi không ngừng" - Trung Hiếu nói.
Gương mặt tiêu biểu này cho rằng bạn trẻ trước tiên cần ý thức thế hệ trẻ phải tiên phong trong việc ứng dụng những gì mình đã học để đóng góp vào việc xây dựng và phát triển TP. Một khi đã xác định được trọng tâm, cần tập trung cao độ, dùng tất cả đam mê và nhiệt huyết để vượt qua khó khăn, thử thách.
Sáng kiến là... lẽ sống
Một điển hình khác trong phong trào thi đua yêu nước được tuyên dương trong đại hội lần này là cô Phạm Thị Thanh Nhung, giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn An Khương (huyện Hóc Môn, TP HCM). Bén duyên nghề giáo từ mong muốn tiếp tục thực hiện ước mơ còn dang dở của cha, cô Nhung đã có nhiều mô hình, sáng kiến, kinh nghiệm hay trong công tác giảng dạy. Từ năm 2015-2019, cô Nhung đã có 5 sáng kiến được công nhận cấp huyện, một sáng kiến được công nhận cấp TP. Có thể kể đến các sáng kiến "Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, học sinh - nhịp cầu cần thiết trong công tác giáo dục đạo đức học sinh", "Phát huy năng lực cảm thụ và viết văn cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo".
Bình luận (0)