Ngày 7-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Bày tỏ băn khoăn về hình thức tố cáo qua điện thoại, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thực tiễn ở địa phương ông từng công tác (Quảng Ninh - PV) có tình trạng dùng nhiều "sim rác" gọi vào số điện thoại của cơ quan chức năng để tố cáo. Thông tin tố cáo có lúc chính xác nhưng cũng có thông tin kiểu "đánh trận giả" báo sai vị trí nhằm khai thác than trái phép. "Vì vậy cần phải có "lưu vết" tố cáo thì mới có giá trị và để xác minh, xử lý" - ông Thanh đề nghị.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng cần cân nhắc về hình thức tố cáo qua điện thoại. "Nếu cho phép tố cáo qua điện thoại thì phải có bộ phận trực 24/24 giờ, đồng thời ghi đầy đủ thông tin để sau đó thẩm tra, xác minh. Nếu luật quy định thì phải rất cụ thể vì thực tế rất phức tạp mà nếu không nghe điện thoại là vi phạm" - bà Hải góp ý.
Trước các ý kiến băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết quy định hình thức tố cáo qua điện thoại đã có trong Luật Phòng chống tham nhũng và dự luật này chỉ ghi nhận lại. Điểm mới của dự luật là tố cáo qua điện thoại phải tiến hành các thủ tục như tố cáo trực tiếp, sau đó tiến hành xác minh để rõ nhân thân, rõ vấn đề, rõ vi phạm thì mới quyết định thụ lý và khi đó mới phát sinh nghĩa vụ các bên.
Theo ông Nguyễn Khắc Định, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định hình thức tố cáo qua điện thoại không phải là vấn đề mới và qua xác minh mới thụ lý giải quyết. Hơn nữa, luật này quy định rõ hơn chế độ trách nhiệm và chế tài đối với người cố tình tố cáo sai, lợi dụng tố cáo để vu khống, gây rối. Vì vậy, nhất trí bổ sung thêm hình thức này để tạo thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền tố cáo.
Thành lập TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đồng ý thông qua Nghị quyết về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên và thành lập TP Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở toàn bộ 120,13 km2, dân số 155.435 người và 10 đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Phúc Yên. Như vậy, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 thành phố và 7 huyện) và 137 đơn vị hành chính cấp xã (15 phường, 12 thị trấn và 110 xã).
Bình luận (0)