Ngày 27-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi). Thực trạng vi phạm trật tự xây dựng tràn lan nhưng khó quy trách nhiệm là vấn đề nhức nhối được nhiều đại biểu (ĐB) QH chỉ ra.
Phải rõ địa chỉ trách nhiệm cơ quan quản lý
Theo ĐB Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương), sau hơn 4 năm thi hành, Luật Xây dựng hiện hành đã có những quy định chặt chẽ nhưng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến, đáng chú ý có không ít công trình vi phạm nhưng ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận.
ĐB Phạm Trọng Nhân điểm tên các công trình vi phạm ở Hà Nội như tòa nhà 8B Lê Trực, khu chung cư HH Linh Đàm, cùng nhiều dự án, nhà thương mại, chung cư cao tầng mọc trên nền của một số cơ quan, tổ chức sau khi di dời trong nội đô Hà Nội. Báo cáo giám sát PCCC cũng đưa ra con số hàng ngàn công trình được chủ đầu tư đưa vào hoạt động dù chưa được nghiệm thu về PCCC. "Những sai phạm phổ biến cần phải tìm nguyên nhân, nếu thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản, không vi phạm điều cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng thì vì sao sai phạm vẫn xảy ra?" - ông Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề.
Nhìn nhận quản lý trật tự xây dựng đang còn nhiều bất cập, ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho rằng cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong lĩnh vực này. Theo ông Cường, những quy định về xây dựng được quy định rất chặt nhưng vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tràn lan, không xử lý. Thậm chí có nhiều công trình khó xử lý, không biết quy trách nhiệm cho ai. Theo ĐB Hoàng Văn Cường, nguyên nhân là do kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng, vấn đề này thuộc về UBND các địa phương hay là thanh tra xây dựng. "Việc này đang có sự lập lờ và chồng lấn. Tôi đề nghị trong dự thảo luật phải phân định rất rõ ràng trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng và quản lý quy hoạch là trách nhiệm của cơ quan chính quyền địa phương. Còn thanh tra xây dựng thì chỉ có trách nhiệm trong quá trình xây dựng để tránh chồng chéo" - ông Cường kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm góp ý về dự án Luật Xây dựng sửa đổi Ảnh: Quochoi.vn
Sửa luật phải đồng bộ
Tham gia thảo luận, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP HCM) cho rằng với các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật vẫn chưa tháo gỡ toàn diện các vấn đề bất cập hiện nay trong lĩnh vực xây dựng. ĐB Thúy đề xuất rà soát quy định các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị... để không chồng chéo. "Sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng mà không sửa đổi các luật có liên quan sẽ không giải quyết vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng" - ĐB Thúy nhấn mạnh.
ĐB Trần Thị Diệu Thúy cũng đề nghị phải xem xét cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ nông thôn thuộc các đô thị lớn cho phù hợp với thực tế. Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, nông thôn của TP HCM là nông thôn thuộc loại đô thị đặc biệt có tốc độ đô thị hóa cao, nếu quản lý không chặt sẽ dẫn đến tình trạng xây cất tràn lan, rất khó khăn trong quản lý và ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch đô thị.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) cũng đề nghị hướng sửa đổi của Luật Xây dựng phải đồng bộ với các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh quyền lợi của người dân đối với quyền về sử dụng đất, xây dựng nhà, những quyền căn bản được Hiến pháp quy định thì bị những dự án, quy hoạch "treo" dẫn đến người dân cũng không thể xây dựng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân bị "treo" theo. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn chứng quy hoạch ga Bình Triệu (quận Thủ Đức,
TP HCM) kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến người dân.
ĐB Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) kiến nghị Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) phải khắc phục cơ bản việc buông lỏng kỷ cương trật tự xây dựng, đoạn tuyệt với việc phạt cho tồn tại như xây dựng sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng đất, sai phép, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch mà chỉ nhà nước là thua thiệt. Theo ông Vượt, nhiều cử tri cho rằng lĩnh vực đầu tư xây dựng, sử dụng vốn nhà nước là anh em song sinh với tham nhũng trên lĩnh vực đất đai, xây dựng nhưng nhiều công trình sai phạm vẫn trơ trơ tồn tại. Khi xảy ra hậu quả, không ai chịu trách nhiệm hoặc chịu trách nhiệm chung chung.
Quốc hội họp phiên bế mạc
Ngày 27-11, QH đã họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8. Tại kỳ họp này, QH đã thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác.
Phát biểu bế mạc, đề cập hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, đánh giá cao về nhóm vấn đề được lựa chọn, chất lượng chất vấn cũng như các phần trả lời chất vấn. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã thể hiện thái độ nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết để khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực phụ trách.
Trước diễn biến trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, trong đó có tình hình biển Đông, QH yêu cầu tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thực tiễn để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cũng trong phiên họp bế mạc, QH đã chính thức thông qua Nghị quyết Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Theo nghị quyết này, từ ngày 1-7-2021, chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại TP Hà Nội là UBND phường. Như vậy, 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây ở Hà Nội sẽ bỏ HĐND. Chính quyền phường chỉ còn UBND, trực thuộc cấp quận, thị xã.
Đối với các ý kiến đề nghị mở rộng việc thí điểm tại các tỉnh, TP khác như TP HCM, Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng việc thí điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là vấn đề rất hệ trọng, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo. Hiện Chính phủ mới trình QH cho thực hiện thí điểm ở TP Hà Nội. Đối với các địa phương khác đáp ứng đủ điều kiện, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thí điểm thì đề nghị báo cáo Chính phủ để trình QH xem xét, quyết định.
Bình luận (0)