Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 được Quốc hội (QH) thông qua với nội dung giao Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và không ghi ràng buộc "không làm ảnh hưởng đến nợ công" là do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - doanh nghiệp (DN) có hơn 95% vốn nhà nước - được đề xuất là nhà đầu tư dự án này.
Không làm tăng nợ công?
Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của QH về dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 của Chính phủ nhấn mạnh việc ACV đầu tư, khai thác cảng sẽ giúp nhà nước chủ động điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng, thực hiện công cụ điều tiết vĩ mô phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm an ninh, an toàn tại cửa ngõ quốc gia. Đồng thời, bảo đảm phối hợp tốt hoạt động dân dụng và quân sự tại vị trí chiến lược, là cơ sở trọng yếu của đất nước trong an ninh - quốc phòng, căn cứ dự bị chiến lược của lực lượng phòng không - không quân trong công tác bảo vệ vùng trời, biển đảo phía Nam.
Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ nêu rõ việc giao ACV đầu tư "không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và không huy động khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ".
Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu, thị sát vùng dự án sân bay Long Thành Ảnh: XUÂN HOÀNG
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngay sau phiên bế mạc của kỳ họp QH ngày 27-11, đại biểu (ĐB) QH Phạm Văn Hòa cho hay lý do khiến QH không cho phép Chính phủ bảo lãnh vốn sân bay Long Thành giai đoạn 1 là bởi nợ công của quốc gia dù giảm nhưng mức trần còn cao. Nếu nhà nước tiếp tục bảo lãnh cho một dự án lớn thì gánh nặng ngân sách nhà nước phải chịu sẽ càng nặng nề. "Giao cho DN quản lý, sử dụng, đầu tư dự án thì DN phải tự lo vốn, tất nhiên trong điều kiện Chính phủ sẽ hỗ trợ, tác động về nhiều mặt. Đồng thời, điều này cũng tạo sự minh bạch, công bằng giữa DN nhà nước với DN khác trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng" - ĐB Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
Tuy nhiên, dưới góc độ tỉ lệ vốn nhà nước tại DN thì quan điểm "không làm tăng nợ công" từ dự án này cần xem xét lại. ĐBQH Phạm Phú Quốc (Ủy ban Tài chính - Ngân sách) phân tích việc Chính phủ không bảo lãnh vay vốn trong trường hợp này chỉ có ý nghĩa là Chính phủ "không làm động tác bảo lãnh", DN sẽ sử dụng vốn tự vay, tự trả để đầu tư. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ tại một DN nhà nước, trong tình huống có sự cố xảy ra thì nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm cho tỉ lệ phần vốn góp của mình tại DN. Ở đây, phần vốn góp của nhà nước trong ACV lên tới 95%. "Mỗi dự án đương nhiên đều có khả năng rủi ro. Về mặt đầu tư, DN, nhà đầu tư nào cũng phải hiểu chuyện đó. Tức là có thể xảy ra tình huống rủi ro mà nhà nước, cụ thể là ngân sách, phải chịu trách nhiệm cho dự án này. Như vậy, bản chất vấn đề là Chính phủ bảo lãnh hay không bảo lãnh vay vốn cũng không khác gì nhau" - ông Phạm Phú Quốc cảnh báo.
TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, nhận định quy định Chính phủ không bảo lãnh sẽ gia tăng trách nhiệm cho ACV trong việc chủ động tìm nguồn vốn và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để triển khai dự án. Thực tế, ACV hiện quản lý hầu hết các cảng hàng không trên cả nước nên có nguồn lực và có thể huy động vốn để triển khai dự án này. Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng ACV là DN có 95% vốn nhà nước nên dù Chính phủ không bảo lãnh để tránh làm tăng nợ công nhưng thực tế, việc vay nợ của ACV vẫn làm tăng nợ công.
Gọi vốn từ xã hội hóa
Không được Chính phủ bảo lãnh để vay vốn, ACV sẽ huy động vốn cách nào?
Tại hội thảo về phát triển các cảng hàng không sân bay đến năm 2030, trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm quốc tế thiết bị công nghệ hàng không Việt Nam 2019, tại TP HCM ngày 27-11, các chuyên gia hàng không cho rằng xã hội hóa là giải pháp quan trọng để huy động vốn đầu tư hạ tầng ngành hàng không, các sân bay, trong đó có sân bay Long Thành. Bởi vì, tiềm lực trong dân và các nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn trong bối cảnh thị trường hàng không dân dụng Việt Nam đang phát triển, đầy tiềm năng. "Để gọi vốn thành công, nhà nước cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để nhà đầu tư tham gia theo hướng bảo đảm quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người dân một cách minh bạch, công khai" - TS Trần Quang Châu góp ý.
Phối cảnh sân bay Long Thành
Cũng theo TS Châu, yếu tố nhà đầu tư quan tâm hàng đầu khi rót vốn là lợi nhuận, trong khi hàng không là lĩnh vực rất hấp dẫn và tiềm năng. Do đó, nhà nước cần sớm có hệ thống văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể để nhà đầu tư tham gia. "Ngay với sân bay Long Thành, từ hơn 20 năm trước, chúng tôi đã làm quy hoạch và được Hội đồng Thẩm định quốc gia phê duyệt. Nếu chúng ta làm đúng quy hoạch thì năm 2005 đã đưa vào khai thác một phần dự án xây dựng sân bay Long Thành với quy mô vận chuyển 1,5 triệu lượt khách, năm 2010 là khoảng 4 triệu và năm 2015 lên 8 triệu. Khi đó, sẽ không có chuyện sân bay Tân Sơn Nhất bị quá tải như hiện nay. Việc cần làm lúc này là bắt tay vào huy động vốn, tạo cơ chế chính sách bứt phá cho sân bay Long Thành sớm triển khai" - TS Trần Quang Châu nhấn mạnh.
Dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy ACV hiện đã có một nửa nguồn vốn đầu tư cho dự án và chỉ còn phải huy động từ các DN tư nhân, đối tác khác thêm nửa còn lại, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng việc gọi vốn của ACV là khả thi trong tình huống được giao thực hiện dự án. "Khi Chính phủ được lựa chọn nhà đầu tư và giao cho ACV thực hiện dự án, sẽ có nhiều giải pháp cho DN này huy động vốn mà không cần đến bảo lãnh của Chính phủ. Chẳng hạn, huy động theo các hình thức đối tác công - tư (PPP) như BOT, BT…" - ĐB Hòa gợi ý.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng gọi vốn tư nhân trong xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng sân bay, là xu thế toàn cầu. Chẳng hạn như sân bay Changi ở Singapore, đơn vị đầu tư có tiềm lực vốn cực mạnh và đang tham gia vào nhiều dự án đầu tư nước ngoài nhưng vẫn phải huy động vốn tư nhân khi mở rộng sân bay của chính mình. Hay như Thái Lan cũng tìm nguồn vốn tư nhân khi dự định xây dựng thêm sân bay ở thủ đô Bangkok. Do đó, việc gọi vốn tư nhân cho một cảng hàng không chiến lược như Long Thành là cần thiết để bảo đảm nguồn vốn đầu tư mạnh.
ĐBQH PHẠM PHÚ QUỐC: Hy vọng giảm chi phí đầu tư
Để đánh giá chính xác tính hiệu quả của một dự án thì phải nhìn vào lúc dự án được hoàn thiện và đưa vào vận hành. Khi đó, để bảo đảm nguồn thu về cho DN, rất có thể vấn đề "độc quyền" sẽ được đặt ra khi có khả năng giá dịch vụ tại sân bay phải tăng lên trong bối cảnh lượng khách bị san sẻ cho các sân bay khác, bởi ACV đang quản lý 21 sân bay hiện hữu. Theo đó, người dân và khách hàng có thể phải chịu chi phí cao hơn.
Tất nhiên, con số tổng mức đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là 336.630 tỉ đồng mới là những tính toán ban đầu. Chính phủ có nhiệm vụ sẽ làm rành mạch con số này trong quá trình thực hiện dự án. Hơn nữa, dù chỉ định thầu cho 1 DN nhà nước nhưng các hạng mục, gói thầu bên trong dự án vẫn phải đấu thầu. Thông qua đấu thầu, tôi hy vọng sẽ có giá cạnh tranh và tiết kiệm được tổng chi phí đầu tư. Tôi cũng tin cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu cho Chính phủ trong suốt quá trình thực hiện dự án để mức đầu tư hiệu quả nhất.
ACV bảo đảm nghiêm túc các yêu cầu
Theo ACV, sân bay Long Thành được xác định là một công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc phòng, nằm trong chiến lược bảo vệ chủ quyền đất nước. Ngoài ra, dự án cũng mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội và là công cụ để điều tiết kinh tế vĩ mô của đất nước. Do vậy, nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, chi phối trong việc quản lý, khai thác dự án để có thể chủ động trong công tác điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia.
"ACV là DN nhà nước nên sẽ bảo đảm các yêu cầu nêu trên khi được giao làm chủ đầu tư - nhà khai thác cảng cho dự án này. Trước đó, ACV cũng được Thủ tướng giao nhiệm vụ là chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đã triển khai các công tác chuẩn bị đầu tư" - đại diện ACV khẳng định.
Bình luận (0)