Sáng nay 15-11, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục mở phiên phúc thẩm giải quyết vụ kiện tranh chấp kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (Công ty Tuần Châu) và bị đơn là Công ty DS (do đạo diễn Việt Tú làm chủ).
Sáng nay 15-11, đạo diễn Việt Tú cùng đại diễn nguyên đơn Công ty Tuần Châu có mặt từ rất sớm tại phiên toà. Ngoài ra, đạo diễn Hoàng Nhật Nam tác giả kịch bản "Tinh hoa Bắc Bộ "cũng được mời đến phiên tòa với tư cách cá nhân, biết về sự việc.
Đạo diễn Việt Tú tại phiên tòa sáng 15-11
Tại phần thủ tục phiên toà, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) được tham dự phiên tòa tòa với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan. Về việc này, HĐXX sẽ xem xét trong quá trình xét xử tại phiên toà.
Tại tòa, đạo diễn Việt Tú giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Luật sư phía Tuần Châu trình bày, căn cứ khoản 8, điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ, Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
HĐXX cấp sơ thẩm căn cứ vào các điều khoản không liên quan, bỏ quên ý kiến chuyên môn của Cục bản quyền tác giả. Mong HĐXX cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu phản tố của công ty DS, tuyên tác phẩm "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm độc lập, không phải là tác phẩm phái sinh của vở "Ngày Xưa" của đạo diễn Việt Tú.
Đại diện Công ty Tuần Châu tại phiên toà
Trước đó, ngày 10-10, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục mở phiên phúc thẩm giải quyết vụ kiện tranh chấp này. Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm đã cho hoãn phiên tòa do nguyên đơn là Công ty Tuần Châu Hà Nội có đơn xin hoãn vì người đại diện ốm.
Vụ kiện bắt nguồn từ việc, ngày 16-11-2015, Công ty Tuần Châu và Công ty DS ký hợp đồng nguyên tắc, thống nhất giao Công ty DS tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án trình diễn thực cảnh của Tuần Châu, xây dựng kịch bản "Ngày xưa" (hay còn gọi là "Thủa ấy xứ Đoài") để biểu diễn tại khu du lịch Tuần Châu Hà Nội (huyện Quốc Oai). Sau khi tác phẩm ra đời, giữa Công ty Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú xảy ra tranh chấp, khởi kiện ra Tòa về bản quyền vở diễn.
Tháng 3-2019, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này. Theo đó, HĐXX sơ thẩm Tòa Dân sự TAND Hà Nội nhận định đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn "Ngày xưa", còn Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu kịch bản. Việc Công ty DS đăng ký quyền tác giả đối với đạo diễn Việt Tú là đúng quy định nhưng doanh nghiệp này đứng tên sở hữu kịch bản là sai. Do đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Tuần Châu buộc phía đạo diễn Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn "Ngày xưa" nhưng không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỉ đồng của Công ty DS do không có căn cứ.
Cùng với đó, HĐXX cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty DS. Qua các tài liệu, chứng cứ, tòa xác định "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh (được tạo ra từ một yếu tố gốc bằng cách thêm, bớt hay biến đổi một vài thành tố nào đó) của vở "Ngày xưa". Tòa yêu cầu Công ty Tuần Châu Hà Nội chi trả 660 triệu đồng là tiền lãi cho các khoản chậm thanh toán và 10% doanh thu bán vé như cam kết.
Sau khi án sơ thẩm tuyên, cả hai phía Công ty Tuần Châu và Công ty DS đều làm đơn kháng cáo. Phía Công ty Tuần Châu kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty Tuần Châu đối với Công ty DS; đồng thời đề nghị Tòa cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung bản án sơ thẩm tuyên kịch bản "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh của kịch bản "Ngày xưa" và phần tuyên Công ty Tuần Châu phải thanh toán tiền cho Công ty DS theo yêu cầu phản tố. Phía Công ty DS kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm buộc Công ty Tuần Châu phải thực hiện một số điều kiện thì Công ty DS mới chuyển quyền sở hữu vở diễn thực cảnh "Ngày xưa" cho Công ty Tuần Châu.
Bình luận (0)