Hơn 2 tuần dọn về chung cư Nguyễn Kim (đường Nhật Tảo, quận 10, TP HCM), anh Lê Công Trung (31 tuổi) vẫn không tìm ra được một công viên xung quanh nhà. Anh nói trước kia, anh tạm cư tại cư xá Bắc Hải (quận 10) và thường có thói quen chạy bộ vào mỗi sáng ở công viên nên nay cảm thấy bứt rứt vì không tìm đâu ra chỗ chạy bộ.
Ðủ kiểu "làm liều"
Theo anh Trung, chung cư Nguyễn Kim có quy mô 31 tầng, tổng số 756 căn hộ. Thế nhưng, từ căn hộ nhìn xuống lại không hề có lấy một mảng xanh. "Quy hoạch gì kỳ vậy?" - anh Trung hỏi. Tương tự, chung cư City Gate (phường 16, quận 8, TP HCM) cao 28 tầng, hơn 1.000 căn hộ với hơn 3.000 người sinh sống nhưng nhà đầu tư chỉ lấy diện tích tầm 3 căn hộ ở tầng 3 và bảo đó là công viên. "Gọi là công viên nhưng thực tế là sàn bê-tông lát đá và có vài cây xanh để che nắng, thua cái quán cà phê sân vườn loại nhỏ" - anh Toàn, cư dân chung cư, so sánh.
Người dân tập thể dục bên cạnh một nhà hàng xây dựng trên đất Công viên Phú Lâm (quận 6, TP HCM) .Ảnh: LÊ PHONG
Ngoài chuyện không có hoặc bị "xén" tinh vi như trên, ở TP HCM, công viên còn bị "xà xẻo" để kinh doanh. Tại Công viên Gia Phú (quận Tân Phú, TP HCM), đi từ mặt tiền vào sâu trong khuôn viên, hễ nơi nào được trải bê-tông là nơi đó bị chiếm dụng để buôn bán. Thậm chí, nhiều hàng quán còn dọn bàn ghế lên thảm cỏ. Vì vậy, dù công viên này có diện tích 5.000 m2 với nhiều cây xanh rợp bóng mát nhưng không phải ai cũng dám lui tới. "Hàng quán ở đây mở từ sáng đến khuya, khách đến ăn uống, nhậu nhẹt xả rác bừa bãi, phóng uế, chửi thề, đánh nhau... không ai kiểm soát. Cách đây không lâu, nơi này còn xảy ra án mạng do các nhóm thanh niên tìm đến giải quyết mâu thuẫn. Ðể tự bảo vệ mình, gia đình tôi đã hạn chế lui tới công viên này, riêng trẻ em thì tuyệt đối cấm" - một hộ dân sống cạnh Công viên Gia Phú phàn nàn.
Công viên Lê Thị Riêng (quận 10, TP HCM) cũng bị mất đi 10.000 m2 khi xuất hiện khu vui chơi giải trí có tên Thỏ Trắng. Ngoài ra còn có vô số hàng quán kiên cố, hàng rong, xe đẩy đua nhau hoạt động trong khuôn viên. Ngay cổng chính công viên ở đường Cách Mạng Tháng Tám, bên cạnh khu nhà vệ sinh công cộng là một quán cà phê án ngữ. Bên trong công viên còn có 3 sân tennis.
Trong khi đó, nhiều lần cử tri bức xúc về việc tồn tại một nhà hàng nằm lọt thỏm giữa Công viên Phú Lâm (quận 6, TP HCM). Chính quyền địa phương không ít lần cam kết sẽ di dời nhưng ghi nhận vào sáng 10-12, nhà hàng nơi đây vẫn còn hoạt động. Người dân phải mở cửa đi vào trước sân nhà hàng để tập thể dục khi có nhu cầu.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM đưa ra nhận xét các công viên có quy mô lớn, nằm ở những vị trí trung tâm thì tình hình chiếm dụng, khai thác mặt bằng có phần phức tạp hơn.
Gấp rút quy hoạch lại
Nói về thực trạng này, các chủ đầu tư căn hộ, khu dân cư ngó lơ hoặc "xà xẻo" hạng mục công viên, một lãnh đạo thuộc Hiệp hội Bất động sản TP HCM thừa nhận khi xây dựng, một dự án bắt buộc trong quy hoạch phải phát triển mảng xanh, hồ điều tiết, trường học... Tuy nhiên, vì tính chất kinh doanh nên nhiều doanh nghiệp ưu tiên phát triển sản phẩm để kiếm lợi nhuận trước. Sau đó, tìm cách trì hoãn hoặc đổi giá trị bằng tiền mặt nộp vào ngân sách nhà nước để không đầu tư thêm các công trình công cộng.
Theo Sở Xây dựng TP, hiện diện tích công viên ở TP chỉ 500 ha, phân bổ không đều và bất hợp lý. Ðáng nói, trên địa bàn các quận mới, các huyện ngoại thành thì diện tích đất công viên công cộng còn rất hạn chế mặc dù có quỹ đất quy hoạch công viên cây xanh rất lớn. Ðiển hình như các quận 9, 12, Thủ Ðức, Bình Tân và các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có công viên công cộng nào. Do đó, chưa tạo thêm được nhiều không gian sinh hoạt với quy mô lớn cho người dân, chưa cải thiện được chỉ tiêu đất công viên cho toàn TP. Ngoài ra, Sở Xây dựng còn thông tin đa phần đất công viên cây xanh hiện nay được quy hoạch là đất của người dân. Do đó, chi phí thực hiện đầu tư xây dựng là khá cao.
Ðể bảo đảm diện tích đất dành cho công viên, Sở Xây dựng TP đưa ra kế hoạch trong 10 năm tới phát triển hơn gấp đôi diện tích công viên hiện tại - tức tăng 650 ha đất cho công viên, tỉ lệ 1 m2 cây xanh/người. Giải pháp đề ra chính là rà soát lại các quy hoạch và lập dự án các khu đất có khả năng làm mảng xanh. Để thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội sẽ cho phép đầu tư xen cài các khu vui chơi, kinh doanh ở công viên với quy mô trên 10 ha; các dự án đầu tư có công trình công viên, phát triển cây xanh sẽ được hưởng chính sách ưu đãi.
Hãy dừng bê-tông hóa công viên!
Kiến trúc sư Lê Vĩnh Nam cho rằng một bất cập khác hiện nay liên quan đến công viên ở TP HCM là tình trạng công viên bị bê-tông hóa quá nhiều. Điển hình là Công viên Văn Lang (quận 5) và Công viên Chi Lăng (quận 1, TP HCM) giống như một sân bê-tông điểm tô vài cây to, trong khi đúng bản chất thì công viên phải là thảm cỏ, cây che đầy bóng mát. "Tôi từng sống ở Nhật Bản và Singapore. Nơi đây, đất đai không nhiều và mật độ dân số rất đông nhưng đi đâu cũng bắt gặp cảnh cây xanh bạt ngàn, không khí trong lành" - kiến trúc sư Lê Vĩnh Nam nói.
Bình luận (0)