Các địa phương tại TP HCM thời gian qua đã rất quyết liệt lập lại trật tự lề đường, vỉa hè bằng nhiều cách làm, sáng kiến khác nhau nhưng xem ra hiệu quả vẫn còn hạn chế. Sau nhiều đợt ra quân dọn dẹp tình trạng chiếm dụng trở lại như cũ.
Bạn đọc Nguyen nói thẳng: "Còn tình trạng bảo kê cho vỉa hè, thì không có giải pháp nào là hiệu quả cho việc "giải cứu" vỉa hè".
Nhiều bạn đọc đồng tình với ý kiến này, bạn đọc Hoàng Nguyên chỉ ra: “Hãy đến đường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Hằng đêm việc mua bán lấn luôn xuống lòng đường (mà trụ sở UBND ở gần đó). Nếu không có bảo kê đố ai có gan dám bán quán nhậu, quần áo lấn hết vỉa hè, lòng đường như vậy”. Bạn đọc Tam Tam góp thêm; "Quán nhậu ở hẻm 491 đường Nguyễn Đình Chiểu, chiếm sạch lề đường và chiếm luôn nửa lòng đường mà phường 2, quận 3 vẫn ngó lơ".
Bạn đọc Nguyen Quoc Hung bổ sung: "Nhà 618 đường Quang Trung, Gò Vấp, gần trụ sở công an quận, đã lấn chiếm lòng đường làm dịch vụ sơn xe bao nhiêu năm nay có ai đến phạt đâu". Bạn đọc Trần Anh Tuấn tâm tư: “Quốc lộ 13 từ cầu Ông Dầu đến cầu Vĩnh Bình từ lâu không còn vỉa hè. Lực lượng chức năng mỏng hay ta chưa thực sự làm quyết liệt?”.
Lòng lề đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 bị chiếm dụng hoàn toàn để mua bán, đậu xe.
Bạn đọc Nguy cũng bức xúc: "Lề đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3 bị chiếm dụng nghiêm trọng, các hẻm thì vi phạm xây dựng lấn không gian... đã nhiều lần phản ánh với chính quyền nhưng không có chuyển biến gì".
Làm sao để "giải cứu" vỉa hè, bạn đọc Công Cóc đề xuất: ”Lập đường dây nóng riêng cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè, công bố cho người dân ở địa phương biết. Dân báo tin là có người xuống xử lý nghiêm minh ngay lập tức (giống như cảnh sát ở nước ngoài), làm được như vậy thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè sẽ được giải quyết. Lập cơ chế nếu như phường bao che, người dân sẽ phản ánh lên cấp quận, hay cấp TP; cấp nào mà xử lý chậm theo kiểu nể nang là biết ngay vỉa hè đó đã được bao che”.
Bạn đọc Nguyen Sa thì cho rằng: “Phải làm quyết liệt và đồng bộ chuyện lấn chiếm vỉa hè, đừng lấy lý do người dân nghèo buôn bán kiếm sống hay bất cứ lý do gì để chiếm dụng vỉa hè, lòng đường. Ai còn dám đi bộ khi không còn lối để đi, các bảng hiệu chiếm lấn và che tầm nhìn của tài xế cũng là 1 trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông".
Bạn đọc "Motngaymottran" đưa ra giải pháp: “Để vỉa hè thông thoáng thì phải không có người lấn chiếm. Người lấn chiếm vỉa hè bao gồm người mua và người bán. Xử lý người bán lấn chiếm là chính quyền địa phương, còn người mua thì cần tuyên truyền vận động các đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ viên chức nhà nước, cán bộ hưu trí và người dân. Thực tế cho thấy, rất nhiều cán bộ công chức, học sinh, sinh viên đã lấn chiếm vỉa hè bằng hình thức ăn uống, hay nhậu nhẹt trên vỉa hè”.
Trong một góc nhìn khác bạn đọc Tranmaibinh nêu ý kiến: “Lãnh đạo phải là người chịu trách nhiệm trước tiên về tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng”. Bạn đọc Long đề nghị: "Địa phương nào để lề đường, vỉa hè bị lấn chiếm và tái đi tái lại nhiều lần thì kỷ luật, cách chức chủ tịch và trưởng công an phường nơi đó; làm mạnh tay như vậy tình trạng lấn chiếm lề đường, vỉa hè sẽ khó tồn tại".
Bình luận (0)