Tháng 4-2023, trong tuyến bài "Giải mã điểm vui chơi ở TP HCM", Báo Người Lao Động phản ánh nghịch lý "nơi náo nhiệt, chốn đìu hiu" ở TP HCM.
Theo đó, những khu đất trống ngoại thành mỗi chiều tấp nập người tới thả diều, trải bạt vui chơi. Đối lập lại là nhiều điểm như trung tâm văn hóa quận, nhà văn hóa phường thường xuyên rơi vào cảnh vắng vẻ.
Thời điểm ấy, Nghị định 151/2017 quy định một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định 60/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập được nhiều lãnh đạo quận, sở, trung tâm văn hóa - thể thao nhắc tới như là những điểm nghẽn trong thu hút người dân tới điểm chính danh.
Sáu tháng sau, trong tuần qua, bất cập trong quản lý tài sản công tiếp tục được nhắc tới trong bài viết "Nghịch lý công viên thiếu bãi giữ xe" của báo. Con số 391 trong tổng số 424 công viên do UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP HCM đang quản lý không có chỗ trông giữ phương tiện là một thực tế giật mình. Điều này dẫn tới người dân phải chạy lòng vòng gửi xe máy ở khu vực khác hoặc bấm bụng khóa cổ trên vỉa hè để vào tập thể thao, sử dụng các tiện ích khác trong tâm trạng nửa vui chơi, nửa đề phòng, cảnh giác.
Lý giải điều trên, đại diện UBND quận 6 cho biết hiện chưa có đề án sử dụng tài sản công. Đại diện UBND quận Tân Bình cũng thừa nhận việc khai thác tài sản công là công viên vào mục đích cho thuê gặp trở ngại do chưa có văn bản hướng dẫn...
Do không có bãi giữ xe, người dân tới công viên 30 Tháng 4 (quận 1) phải khóa cổ phương tiện, vừa chơi, vừa tự trông - Ảnh THÙY AN
Nghĩa là nhiều người dân chưa biết khi nào thoát khỏi cảnh dù xa hay gần vẫn phải đi bộ tới công viên nếu muốn an toàn về tài sản. Tình cảnh trớ trêu này giống như vào siêu thị không có xe đẩy hàng, ra bãi tắm lại thiếu dịch vụ đồ bơi...
Trên quan điểm cái gì có lợi cho dân thì làm ngay, giải quyết hai câu chuyện có chung bản chất liên quan việc sử dụng tài sản công ở trên không nên để chậm thêm bất cứ ngày nào nữa.
Bình luận (0)