Nhắc đến Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM), ông Nguyễn Văn Tân, người dân địa phương, cho biết nơi đây từ lâu đã ngưng chôn cất. Tuy nhiên, nhiều phần mộ vẫn chưa di dời, không được chăm chút nên cỏ mọc um tùm.
Giải quyết nhiều vấn đề
Theo ông Tân, khi biết tin HĐND TP HCM vừa thông qua chủ trương đầu tư hạ tầng khu vực Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, người dân địa phương ai cũng vui mừng. "Hy vọng sau khi giải tỏa, di dời mộ thì nơi đây phát triển sầm uất, đầy đủ tiện ích. Tôi mong muốn TP HCM và quận Bình Tân đẩy nhanh hơn nữa tiến độ để từ đó sớm mọc lên công viên, trường học" - ông bày tỏ.
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, cho biết dự án di dời Nghĩa trang Bình Hưng Hòa có quy mô hơn 53,6 ha với 53.956 ngôi mộ và 97 hộ có nhà, đất bị ảnh hưởng.
Dự án chia làm 3 giai đoạn, thực hiện trong nhiều năm. Quận Bình Tân đang tập trung thông tin, tuyên truyền đến thân nhân có mộ để đẩy nhanh tiến độ cất bốc và đầu tư công trình công cộng theo quy hoạch.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM) sau khi di dời sẽ có diện mạo hoàn toàn mới với công viên, trường học. Ảnh TRƯỜNG HOÀNG
Quận Bình Tân sẽ phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP HCM và chủ các nghĩa trang tư nhân, giáo xứ, hội đoàn kêu gọi thân nhân đăng ký kê khai, bốc mộ. Từ tháng 11 đến tháng 12-2023, cơ quan chức năng sẽ tổ chức bốc mộ tập trung khi được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đối với các mộ không có thân nhân kê khai; phối hợp với Nghĩa trang TP HCM (huyện Củ Chi) lập thủ tục lưu giữ tro cốt đối với các mộ chưa có thân nhân kê khai.
HĐND TP HCM vừa thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án hạ tầng, trường học, công viên cây xanh trong phạm vi Nghĩa trang Bình Hưng Hòa - giai đoạn 3. Đây là dự án nhóm B, thực hiện từ năm 2023-2026 với tổng mức đầu tư 1.497 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
"Quận Bình Tân sẽ thực hiện các thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án giai đoạn 3. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận lập các thủ tục trình phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng, trường học, công viên cây xanh trong phạm vi Nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận tham mưu lập thủ tục ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ, triển khai việc bốc mộ; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ các trường hợp đã bốc mộ, di dời" - ông Ngọc nêu chi tiết.
Về dự án này, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, đánh giá đây là công trình đòn bẩy, trọng điểm trong việc chỉnh trang, phát triển đô thị trên địa bàn thành phố nói chung và quận Bình Tân nói riêng. Dự án này còn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự tại khu vực; tạo quỹ đất trống để xây dựng công viên cây xanh, công trình công cộng phục vụ cộng đồng.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần bổ sung đáng kể chỉ tiêu công viên cây xanh của TP HCM. Theo đó, tăng thêm hơn 11,6 ha đất cây xanh công cộng, điện, chiếu sáng… tạo cảnh quan môi trường; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận Bình Tân. Việc xây dựng trường học ở đây cũng góp phần làm giảm áp lực về chỗ học cho con em trên địa bàn cũng như chỉ tiêu xây dựng 700 - 1.000 phòng học.
Phù hợp xu hướng xây dựng đô thị hiện đại
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TP HCM, cho rằng chủ trương của HĐND thành phố về đầu tư xây dựng tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa là hoàn toàn đúng đắn bởi TP HCM đang thiếu công viên và trường học.
Về khoa học phát triển đô thị, phải tính diện tích cây xanh trên đầu người, đồng thời tránh chuyện bê-tông hóa dày đặc.
Vì vậy, khu đất nghĩa trang được sử dụng xây trường học, công viên là đúng với xu hướng xây dựng đô thị hiện đại. Từ đó, tạo vùng xanh, khoảng trống cho thành phố vốn có mật độ dân số cao.
"Mở thêm trường học là một trong những yêu cầu cấp bách của TP HCM, đáng lẽ phải làm trước đây nhưng có thể còn vướng mắc trong việc di dời, giải tỏa nghĩa trang này" - TS Nguyễn Hữu Nguyên nhận xét.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng chủ trương của thành phố phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của người dân. Các khu nghĩa trang cũng có tính chất là mảng xanh, không gian trống trong đô thị. Thay nghĩa trang cũ để có công viên là việc rất tốt. Ngoài ra, xây dựng trường học ở khu vực này sẽ giúp học sinh được học gần nhà, cha mẹ không phải đưa đón xa, góp phần làm giảm áp lực giao thông.
Theo TS Võ Kim Cương, diện tích công viên ở TP HCM không nhiều, tỉ lệ đất dành xây dựng công viên thấp nên thành phố dùng quỹ đất tại Nghĩa trang Bình Hưng Hòa làm công viên là chính xác. Bởi lẽ, nếu để bảo đảm chỉ tiêu công viên cây xanh mà giải tỏa nhiều nhà dân thì rất khó. Thực tế, việc xây dựng các công viên lớn ở thành phố gặp nhiều khó khăn; bên cạnh tình trạng lấn chiếm, tạo ra mảng đô thị lụp xụp, ô nhiễm môi trường.
Ông Võ Kim Cương cho rằng sắp tới, TP HCM cần tận dụng những khu vực bãi rác cũ, bãi rác đóng cửa để đầu tư thêm mảng xanh và giúp giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Nâng cấp, chỉnh trang nhiều công viên
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho hay giai đoạn 2020-2030, TP HCM đề ra mục tiêu phát triển và các giải pháp khắc phục những tồn tại để thêm mảng xanh trong thời gian tới.
Tao Đàn là một trong những công viên ở TP HCM sẽ được nâng cấp, chỉnh trang. Ảnh: ANH VŨ
Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND TP HCM ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng từ năm 2021-2025. Trong đó, đề ra chỉ tiêu tăng thêm 150 ha đất công viên công cộng; diện tích công viên công cộng trên đầu người tăng 0,65 m²/người.
"Với những công viên công cộng hiện hữu, sở sẽ triển khai lập phương án sử dụng tổng mặt bằng, làm cơ sở định hướng cho việc sửa chữa, nâng cấp nhằm nâng cao khả năng phục vụ và mỹ quan. Các công viên Bạch Đằng, Lam Sơn, Mê Linh đã được chỉnh trang, nâng cấp, mang lại bộ mặt mới; trong thời gian tới là các công viên 30 Tháng 4, 23 Tháng 9, Tao Đàn" - ông Quân thông tin.
Bình luận (0)