Một nhóm từ TP HCM và một nhóm từ Hà Nội đáp máy bay đến Điện Biên giữa lúc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo thời tiết khu vực miền Bắc có thể mưa, giông, dễ gây sạt lở… khá nguy hiểm. Từ trung tâm TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), với sự hỗ trợ của địa phương, Đoàn công tác sử dụng ôtô vượt gần 200 km đường đèo dốc cheo leo, qua hàng trăm khúc cua, trong đó có nhiều khúc cua tay áo cực gắt, sau hơn 4 giờ, chúng tôi mới tới được trung tâm huyện Mường Nhé. Từ đây, sau hơn 1 giờ nghỉ ngơi phục hồi năng lượng, chúng tôi tiếp tục "hành quân" thêm khoảng 60 km đường đèo núi hiểm trở để đến Đồn Biên phòng A Pa Chải.
Cơn mưa rừng bất chợt đổ ào ào như trút nước khiến ai nấy đều lo lắng vì có thể làm hỏng kế hoạch khảo sát của cả Đoàn. May thay, cơn mưa nhanh chóng dứt hạt, chúng tôi lập tức lên đường. Hai chiếc xe chuyên đi đường rừng với các tay lái "cứng cựa" nhất được huy động, giúp chúng tôi tiếp tục vượt gần 10 km dốc núi cheo leo, hiểm trở.
Tiếp theo, những chiến sĩ bộ đội biên phòng bản lĩnh, giàu kinh nghiệm sử dụng xe máy chở từng người vượt gần 4 km với con đường chỉ rộng vỏn vẹn 1 m, mưa gây trơn trợt, một bên là núi cao với nhiều chỗ sạt lở nguy hiểm, một bên là vực sâu thăm thẳm! Thông thường, con đường này để đi bộ. Tuy nhiên, Đoàn công tác chúng tôi không còn thời gian vì trời sắp tối và những cơn mưa rừng đang rập rình đổ xuống bất cứ lúc nào nên quyết định…mạo hiểm một phen.
Khi xe máy không thể đi được nữa, chúng tôi xuống xe, cẩn thận dò từng bước qua một vực thẳm bị chắn bởi một tảng đá khổng lồ, được các chiến sĩ bộ đội biên phòng bắt tạm mấy thanh cây tròn làm cầu vượt. Từ đây, chúng tôi tiếp tục vượt 541 bậc tam cấp, 29 chiếu nghỉ với tổng chiều dài 0,94 km, cao bằng tòa nhà 58 tầng để lên Cột mốc có một không hai này!
Nước ta hiện nay đã có Cột cờ quốc gia Lũng Cú ở điểm cực Bắc của Tổ quốc, cột cờ ở cực Nam - vùng Đất Mũi - Cà Mau với hình dáng con tàu vươn khơi ra biển lớn. Riêng cực Đông hiện nay có hai điểm còn chưa có sự thống nhất: một điểm là Mũi Điện thuộc tỉnh Phú Yên và điểm kia là Mũi Đôi thuộc tỉnh Khánh Hòa.
A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên chính là điểm cực Tây của Tổ quốc ta. Nơi đây có cột mốc giao điểm đường biên giới 3 nước: Việt Nam - Lào - Trung Quốc.
Cột mốc giao điểm này nằm trên đỉnh Khoan La San, ở độ cao 1.866,23 m so với mực nước biển; tại tọa độ 22O 24’ 02,295" vĩ độ Bắc, 102o 08’ 38,109" kinh độ Đông; do 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc cùng xây dựng. Cột mốc này được làm bằng đá hoa cương, trụ hình tam giác, 3 mặt khắc quốc huy của 3 nước. Công trình đặc biệt này được khởi công ngày 21-4-2005 và hoàn thành vào ngày 5-7-2005.
Tại nơi đây, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024) nếu hoàn thành được công trình Cột cờ Tổ quốc thì sẽ có ý nghĩa to lớn. Cùng với việc Điện Biên chuẩn bị khánh thành Đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ vào những ngày sắp tới, công trình Cột cờ ở cực Tây đất nước sẽ góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, góp phần bảo vệ chủ quyền biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc ta.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên - cho biết sắp tới, tỉnh Điện Biên sẽ nâng cấp sân bay Điện Biên, đồng thời nâng cấp lối mở A Pa Chải - Long Phú thành cửa khẩu song phương Việt Nam - Trung Quốc để tăng lượng hàng hóa, nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đặc biệt, trong tương lai, tỉnh sẽ xin chủ trương từ Trung ương để tiến hành xây dựng Đền thờ các Vua Hùng tại A Pa Chải. Các công trình này sẽ tạo thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa - chính trị - kinh tế, góp phần thay đổi đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân Điện Biên nói riêng và cả khu vực Tây Bắc - Đông Bắc nói chung.
Xây dựng Cột cờ Tổ quốc tại điểm cực Tây là ý tưởng độc đáo, có tính khả thi cao. Do đó, dự án này cần sớm được các cơ quan chức năng thông qua và tiến hành xây dựng, nhất là khi thời điểm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ còn đúng 721 ngày, tức là chưa đầy 2 năm.
Xin hãy khẩn trương!
Bình luận (0)