xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Cột mốc sống" giữ biên cương

Bài và ảnh: Hà Minh Hưng

Cùng với lực lượng bộ đội biên phòng, rất nhiều người dân tộc thiểu số ở Lai Châu đã tình nguyện bảo vệ, trông coi mốc giới trong những năm qua

Lai Châu có đường biên giới Việt - Trung dài trên 265 km, phần lớn nằm dọc theo các dãy núi cao, hiểm trở. Vì thế, việc quản lý, kiểm soát đường biên, mốc giới gặp không ít khó khăn. Cùng với lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), rất nhiều người dân ở các xã Ma Ly Chải, Sì Lở Lầu, Ma Ly Pho của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã tình nguyện bảo vệ, trông coi mốc giới suốt những năm qua. Họ được ví như những "cột mốc sống" giữ biên cương.

Trông giữ hằng ngày

Cùng hành trình gặp những "cột mốc sống" với chúng tôi là thiếu tá Lò Văn Nguyệt, Phó Chính trị viên Đồn Biên phòng 289 (huyện Phong Thổ). Gần nửa ngày đường rong ruổi trên "con ngựa sắt" rồi đi bộ, chúng tôi được đẫm mình trong dải biên cương trùng điệp ngút tầm mắt.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là cột mốc 70. Tại đây, chúng tôi gặp anh Lý A Sa - một nông dân người Hà Nhì ở bản Tỷ Phùng, xã Ma Ly Chải. Sa tiếp chúng tôi ngay tại cột mốc, nơi có khoảnh nương của gia đình anh. Hơn 10 năm qua, đoạn biên giới giữa cột mốc 70 và 71 luôn được gia đình Sa trông giữ, bảo vệ hằng ngày.

Cột mốc sống giữ biên cương - Ảnh 1.

Ông Lý A Nhị và người dân bản Hùng Phèng dọn vệ sinh, kiểm tra cột mốc 67 (2)

Anh Sa nhớ lại: "Một lần tôi ốm mà lúc đó đang vào ngày mùa, cả nhà đi gặt hết. Tôi linh cảm có chuyện nên nhờ người gọi con trai về gấp để cùng mình đi. Đúng như linh tính mách bảo, đến nơi, tôi thấy một số người nước bạn phát nương sang đất của ta. Tôi giải thích cho họ hiểu quy định biên giới, đồng thời báo ngay với BĐBP, nhờ đó mà kịp thời ngăn chặn được việc lấn đất từ bên ngoài, xâm phạm ranh giới quốc gia".

Sát khu vực gia đình anh Sa trông giữ là cột mốc 72, đoạn biên giới dài hơn 3 km mà gia đình ông Chẻo Chỉn Lụ (người Dao; ngụ bản Lao Chải, xã Sì Lở Lầu) ký cam kết với Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu nhận bảo vệ. Hành trang trong mỗi chuyến tuần tra theo ông là con dao phát, chiếc đài bán dẫn bên hông và trong tay nải lúc nào cũng có nắm cơm vợ ủ.

Sau gần 30 năm làm công tác xã hội, từng là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Sì Lở Lầu, ông Lụ nghỉ chế độ. "Cũng định nhàn hạ cùng con cháu nhưng trước sự tín nhiệm của đảng viên và cấp trên, tôi tiếp tục làm bí thư chi bộ bản. Hằng tháng, trong các buổi sinh hoạt chi bộ hay các kỳ họp HĐND xã, tôi thường đưa chủ đề về phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia lên hàng đầu" - ông kể.

Công việc thường ngày của ông Lụ là đi thăm nương rẫy và kiểm tra mốc giới. Mỗi lần như thế, ông cẩn thận ghi chép từng chi tiết, đối chiếu thông tin, quan sát kỹ thực địa. Sau đó, ông phát quang cỏ dại, không để che khuất tầm nhìn, đắp đất chỗ bị nước xói... Gần 10 năm qua, vợ chồng ông quyết định chuyển hẳn lên lán ở, để vừa thuận tiện làm nương rẫy vừa trông coi mốc giới.

Đường lên cột mốc 72 là những dốc cao chất ngất đá da voi, lởm chởm đá tai mèo. Vậy nhưng, mọi vật nơi đây, từ mỏm đá đến gốc cây, đều quen thuộc với ông Lụ. Chưa dấu vết lạ nào lọt qua nổi mắt ông.

Nhiệm vụ chung

Ở Ma Ly Pho, chúng tôi gặp một người mà dân nơi đây ví như cây thông to trên đỉnh núi già và là "niềm tự hào của người Dao Tuyển". Ông là Lý A Nhị, nguyên Trưởng bản Hùng Pèng - người có hơn 35 năm đảm nhận trông giữ cột mốc 67 (2).

Bản Hùng Pèng cách cửa khẩu Ma Lù Thàng gần 5 km, men theo suối Nậm Cúm. Chỗ suối chia dòng cũng là điểm ranh giới phân định giữa ta và Trung Quốc. Hùng Pèng có 45 nóc nhà, 47 hộ dân với hơn 170 nhân khẩu là người Dao Tuyển.

Ông Nhị đãi chúng tôi những cốc trà xanh ủ trong ấm tích. Thứ chè rừng này mới đầu nhấp có cảm giác ngai ngái nhưng chỉ uống một lần sẽ nhớ mãi vị ngọt mát đườm đượm đầu lưỡi. Ông cho biết mình lên đường nhập ngũ năm 18 tuổi.

"Từ ngày cái chân biết đi rừng, biết lội suối bắt cá, mình chẳng bao giờ biết khóc. Vậy mà, hôm chia tay nơi ở cũ để lên Hùng Pèng, nước mắt tự dưng cứ bò ra. Buồn thì không nhưng thương vợ và con gái. Vợ khi ấy mới sinh con được 7 ngày" - ông kể.

Ông Nhị dẫn chúng tôi đi thăm cột mốc chỉ cách nơi ngồi uống nước hơn 10 m, ngay giữa sân nhà ông. Từ vị trí này phóng tầm mắt qua dòng Nậm Cúm là thấy rõ cảnh sinh hoạt của người dân Trung Quốc. Cột mốc 67 (2) được dân nơi đây gọi là cột mốc đôi, bởi cột mốc 67 (1) ở phía bên kia dòng Nậm Cúm, trên địa phận Trung Quốc.

Năm 1975, theo chủ trương giãn dân lên vùng biên giới lập bản, 30 hộ dân xã Ma Ly Pho đã chuyển đến nơi ở mới, lập nên Hùng Pèng. Ngày trước, Hùng Pèng là những bãi đất nương, bà con dựng lán trông giữ hoa màu khi vào kỳ thu hoạch. Hồi đó, nhiều người chưa hiểu được việc bảo vệ đường biên, mốc giới nên khi đi rừng kiếm củi, săn bắn đã vô ý làm hư hại, bong tróc, ảnh hưởng đến cột mốc, thậm chí còn tự ý qua lại biên giới.

Những năm đó, ông Nhị được bà con bầu làm trưởng bản. Cứ tối đến, khi bà con đi nương về, ông lọ mọ đến từng nhà trò chuyện, vận động thực hiện nghiêm việc bảo vệ đường biên, mốc giới.

"Khi làm trưởng bản, trong các cuộc họp, bác Nhị luôn căn dặn bà con rằng cột mốc không chỉ đơn thuần là điểm đánh dấu, phân định ranh giới giữa các nước mà còn là hình ảnh quốc gia. Không chỉ BĐBP, mỗi người dân Hùng Pèng cũng phải có trách nhiệm bảo vệ đường biên, mốc giới. Đến hôm nay, bà con vẫn chưa khi nào quên lời bác Nhị" - ông Lý Dân Phòng, Trưởng bản Hùng Pèng, bày tỏ.

Trước đây, dọc đoạn biên giới dài 20 km này hầu như không có người ở dù cột mốc đã dựng lên. Dân bản ở cách đó khá xa nên việc bảo vệ biên giới rất khó khăn. Nhiều lần, người dân bên kia biên giới sang địa phận của ta, khai thác lâm thổ sản, săn bắt và xua trâu bò của họ sang chăn thả, phá hoại hoa màu trên nương của bà con.

"Ngày trước, khi về nơi ở mới, nhiều người quen việc tự do vào rừng săn bắn, lấy gỗ. Giờ khác rồi, hộ nào muốn vào rừng lấy củi cũng phải tự giác báo với mình và trưởng bản. Bà con đã coi việc bảo vệ biên cương là nhiệm vụ chung, ai cũng phải tham gia" - ông Nhị tâm đắc.

Ông Nhị dẫn chứng mới đây, có nhóm người lạ vào bản Hùng Pèng lúc chập choạng tối. Ông Lý A Sử, nhà ở đầu bản, thấy lạ nên yêu cầu họ xuất trình giấy tờ và báo ngay với trưởng bản. Thì ra, họ là các hộ kinh doanh ở ngoài trung tâm huyện, nghe nói bản có ngô, chuối nên tìm đến hỏi mua... Việc nhỏ thôi nhưng cũng đủ thấy tinh thần cảnh giác của dân Hùng Pèng.

Chuyển biến nhận thức rõ rệt

Theo đại tá Phan Hồng Minh, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Lai Châu, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn bản ở các xã biên giới cũng như nhận thức về quốc gia, quốc giới của người dân ngày càng chuyển biến rõ rệt.

"Đến nay, phong trào này ở Lai Châu đã chuyển biến rất tích cực trong đồng bào các dân tộc thiểu số với 200 nhóm hộ và tổ tự quản an ninh trật tự thôn bản của 23 xã biên giới" - ông Minh cho biết.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Cột mốc sống giữ biên cương - Ảnh 3. Cột mốc sống giữ biên cương - Ảnh 3. Cột mốc sống giữ biên cương - Ảnh 3. Cột mốc sống giữ biên cương - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo