Đó là thông tin nêu trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, diễn ra tại Hà Nội chiều 24-9.
4 nguy cơ lây lan Covid-19
Bộ Y tế cho biết tính đến 18 giờ ngày 24-9, Việt Nam vẫn ghi nhận 1.069 ca bệnh Covid-19. Hiện không còn bệnh nhân nặng và đã có 991 ca bệnh được điều trị khỏi. Cả nước chỉ còn 43 bệnh nhân Covid-19, trong đó 28 ca âm tính từ 1-3 lần với SARS-CoV-2. Cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu như vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cảnh báo trong thời gian tới, Việt Nam có thể ghi nhận trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.
Ban Chỉ đạo nhận định dịch bệnh ở nhiều nước đã bùng phát trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát, cách ly xã hội. Công tác phòng chống dịch trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi mùa đông sắp đến, điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, lây lan. Trong xã hội lại bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là sau khoảng 3 tuần không ghi nhận ca nhiễm mới.
Theo một số chuyên gia, Việt Nam tiềm ẩn 4 nguồn có nguy cơ lây nhiễm lớn. Đó là đối tượng nhập cảnh trái phép; đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh. Trong đó, nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ đối tượng nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia đã phân tích, rút ra một số bài học kinh nghiệm, đặc biệt bài học tại Đà Nẵng là để dịch lây lan tại những khoa điều trị bệnh nhân nặng, bệnh viện không thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.
Các cơ sở y tế ở TP Đà Nẵng thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh. Ảnh: LÊ BẢO
Phân rõ trách nhiệm quản lý người nhập cảnh
Khi mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Ban Chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý, giám sát đối tượng nhập cảnh hợp pháp. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng các hướng dẫn, quy trình đã có nhưng việc phân công thực hiện còn lỏng lẻo. "Việc đón người từ sân bay về đến khách sạn, nơi cách ly thì ai làm gì, ai điều hành vẫn chưa rõ. Lực lượng trực tiếp triển khai hoạt động cách ly không ai khác là nhân lực của chính cơ sở cách ly, cùng với lực lượng y tế, công an dưới sự điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương. Do đó phải phân công trách nhiệm rõ ràng, đầy đủ" - ông Sơn nói.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đề nghị quy trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ, ngành, địa phương trong phòng chống dịch. Đơn cử, nếu để xảy ra dịch bệnh trong bệnh viện, cơ sở y tế thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm quản lý, cách ly, bảo đảm an toàn phòng chống dịch không chỉ đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài… mà cả những đoàn khách nước ngoài của các bộ, ngành trung ương.
Ban Chỉ đạo nhấn mạnh bên cạnh những biện pháp mang tính khuyến nghị, cần có các quy định mang tính bắt buộc trong thực hiện phòng chống dịch, có biện pháp xử phạt người vi phạm. Bộ Y tế khuyến nghị người dân chỉ nên đến khám chữa bệnh tại những bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch bệnh. Các bệnh viện cũng đẩy mạnh hoạt động đăng ký khám bệnh qua mạng cho người dân, trừ những trường hợp cấp cứu.
Phải bảo vệ thành quả chống dịch!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện 1300/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 để duy trì vững chắc thành quả phòng chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh; tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo, trong đó: thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Chú trọng phòng chống dịch tại các đô thị lớn, địa bàn tập trung đông dân cư. Xét nghiệm ngay các đối tượng có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền...
Bình luận (0)