Từ ngày 19 đến 22-4, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) phân công đoàn công tác, gồm các trưởng, phó khoa về cấp cứu, hồi sức cấp cứu, bệnh nhiệt đới, thận nhân tạo, gan mật tụy, điều dưỡng, sinh hóa… hỗ trợ TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang trong việc tư vấn, hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.
Tập trung phòng ngừa
Nhiệm vụ của đoàn công tác là hỗ trợ cho Trung tâm Y tế TP Hà Tiên thiết lập phòng bệnh hồi sức cấp cứu (bao gồm cả ECMO và lọc máu), hướng dẫn sàng lọc, phân luồng tiếp nhận và di chuyển bệnh nhân, công tác điều trị và phòng tránh lây nhiễm trong cơ sở y tế. Nhiệm vụ vô cùng cấp thiết là tư vấn thiết lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho biết bệnh viện dã chiến này dự kiến thực hiện trong 3 giai đoạn với tổng kinh phí cho 200 giường bệnh khoảng 185 tỉ đồng. Theo kịch bản, trong giai đoạn 1 do số lượng bệnh nhân ít sẽ được điều trị tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên. Ở giai đoạn 2, số lượng người bệnh nhiều hơn sẽ sử dụng 50 giường tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên điều trị trường hợp nặng và 200 giường tại bệnh viện dã chiến sẽ điều trị bệnh nhẹ, bệnh không triệu chứng. Đặc biệt, ở giai đoạn cuối ứng với tình huống có nhiều hơn và tình hình phức tạp sẽ tăng lên 400 giường. Trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra với số người bệnh nhiều hơn nữa sẽ lấy toàn bộ Trung tâm Y tế TP Hà Tiên để điều trị.
Bộ đội Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) tuyên truyền phòng chống Covid-19 cho ngư dân Ảnh: BẢO THY
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã đồng ý cho thành lập phòng hồi sức cấp cứu tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên với số lượng 10 giường bệnh và được trang bị kỹ thuật công nghệ cao như chạy thận nhân tạo, cắt mô. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực xét nghiệm với sự hỗ trợ của Viện Pasteur TP HCM về công tác tập huấn và cả máy móc thiết bị theo hướng từ bị động sang chủ động tầm soát. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ test nhanh để phát hiện sớm và tránh bùng phát thành dịch và mở rộng các khu cách ly tại khu vực TP Hà Tiên.
Ngăn chặn nhập cảnh trái phép
Ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết khó khăn lớn nhất của tỉnh trong công tác phòng chống dịch hiện nay là tình hình nhập cảnh qua biên giới tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Số lượng người dân Việt Nam sang Campuchia làm ăn, sinh sống ước gần 12.000 người, đa số là lao động tự do, xuất cảnh trái phép làm việc tại các tụ điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, casino...
Trước tình hình này, Kiên Giang đã xây dựng kịch bản xấu nhất để ứng phó, trước hết là tăng cường công tác tuần tra kiểm soát khu vực biên giới để ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Trong kịch bản có nêu trong những ngày tới, nếu dịch bệnh ở Campuchia phức tạp hơn, lệnh phong tỏa không còn tác dụng nữa thì sẽ có nhiều người Việt tìm cách trở về quê, cho nên phải có các bước chuẩn bị.
Ông Trung cho biết hiện nay, các đơn vị chức năng cùng chính quyền địa phương ở TP Phú Quốc kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 nên các bộ, ngành cũng muốn thực hiện thí điểm "hộ chiếu vắc-xin" giống như Singapore đã làm khá thành công. Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nga đến Kiên Giang muốn kết nối và đưa các sản phẩm du lịch khép kín để phòng ngừa dịch. Do đó, UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất trung ương về vấn đề này và được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ thêm cho Kiên Giang thực hiện mô hình du lịch khép kín.
Phát hiện thêm 10 người nhập cảnh mắc Covid-19
Bộ Y tế cho biết ngày 20-4, nước ta có thêm 10 ca mắc Covid-19 là người nhập cảnh đã cách ly trước đó tại Hà Nội, Đà Nẵng, Hưng Yên, Nghệ An và Hòa Bình. Đến nay, Việt Nam có 2.801 người mắc Covid-19, trong đó 1.570 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số người mắc Covid-19 được điều trị khỏi là 2.490.
Theo Bộ Y tế, đến nay, nước ta đã có 80.857 người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại 22 tỉnh/TP. Người được tiêm là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19; những nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an, bộ đội. N.Dung
Bình luận (0)