Ngày 19-4, Đội Phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường đến tỉnh Kiên Giang hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19. Đội phản ứng nhanh với 13 thành viên thuộc các khoa, phòng sẽ phối hợp với chính quyền, Bộ Chỉ huy Biên phòng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 địa phương khảo sát, phân luồng, xây dựng khẩn cấp 2 bệnh viện dã chiến ở TP Hà Tiên (quy mô khoảng 300 - 500 giường) và TP Rạch Giá (có thể trên 500 giường).
Bên cạnh đó, đội sẽ phối hợp xây dựng một đơn vị hồi sức tích cực (ICU), có đủ các trang thiết bị hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nặng, bao gồm cả hệ máy ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu, chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tiên - nơi được xác định là tuyến đầu tại địa phương trong tiếp nhận, chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.
Cùng ngày, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức phát động hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 và tiêm mẫu vắc-xin AstraZeneca phòng Covid-19 cho 50 người. Thời gian tới, TP sẽ triển khai tiêm đồng loạt tại 16 điểm trên địa bàn trong 2 đợt (đợt 1 từ ngày 22 đến 24-4, đợt 2 từ ngày 26 đến 28-4) cho những đối tượng thuộc diện ưu tiên theo kế hoạch TP đã ban hành. Trước đó, CDC Cần Thơ đã tiếp nhận 6.700 liều vắc-xin của hãng AstraZeneca được Bộ Y tế phân bổ.
Đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi lên đường đến Kiên Giang hỗ trợ chống dịch Covid-19 Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Ngày 19-4, Bộ Y tế cho biết nước ta có thêm 7 ca mắc Covid-19 là người nhập cảnh phát hiện mắc bệnh trong khu cách ly tại Đà Nẵng, TP HCM, Tây Ninh, Phú Yên và Yên Bái. Đến nay, Việt Nam hiện có 2.791 bệnh nhân, trong đó 1.570 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước. Số ca bệnh điều trị khỏi là 2.475. Số ca tử vong là 35.
Cùng ngày, Bộ Y tế có quyết định tiếp tục phân bổ vắc-xin Covid-19 đợt 2 trong số 20.000 liều giao cho dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Theo đó, Bộ Y tế cấp cho Bệnh viện Bạch Mai 1.500 liều, Bệnh viện Nhi Trung ương 800 liều, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế 500 liều, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam 300 liều, Bệnh viện C Đà Nẵng 300 liều, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) 1.500 liều, Trường Đại học Y Hà Nội 800 liều, Trường Đại học Y tế công cộng 300 liều, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương 350 liều, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên 150 liều, Viện Pasteur TP HCM 400 liều, Viện Pasteur Nha Trang 170 liều, Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế 50 liều và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội được cấp 12.880 liều. Việc triển khai tiêm cho cán bộ, nhân viên các đơn vị thực hiện theo đúng đối tượng ưu tiên được quy định.
Tính đến ngày 19-4, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng hơn 6.300 ca nhiễm Covid-19. Chính quyền nước này cũng đã phong tỏa thủ đô Phnom Penh. Dù ở giữa tâm dịch nhưng các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh luôn sẵn sàng vào cuộc cùng các cơ quan chức năng Campuchia phòng chống dịch. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, bác sĩ Tôn Thanh Trà, Tổng Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh, cho biết để mọi người an tâm công tác, bệnh viện đã thực hiện tiêm vắc-xin Covid-19 cho 326 nhân viên y tế, trong đó 125 người đã được tiêm 2 mũi.
Theo bác sĩ Trà, từ khi dịch bệnh tại Campuchia bùng phát, bệnh viện đã hỗ trợ Campuchia 2 xe cứu thương, 2 tài xế và 2 điều dưỡng. Tất cả đã được tập huấn để vận chuyển bệnh nhân nghi mắc hoặc mắc Covid-19 về nơi cách ly, điều trị tập trung. "Khi thủ đô Phnom Penh phong tỏa vì dịch Covid-19, nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế rất lo lắng. Do đó, ban giám đốc đã trực tiếp tham gia điều trị để mọi người an tâm, tin tưởng ở lại bệnh viện điều trị" - bác sĩ Trà nói.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng dành riêng 1 khu vực với 30 phòng bệnh làm khu điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh viện cũng cử nhân viên y tế sẵn sàng tham gia các chiến dịch truyền thông phòng chống dịch Covid-19 của ngành y tế Campuchia.
Bình luận (0)