Chiều 5-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
"Khoanh gọn nhất có thể"
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết 12 tỉnh, thành phố đang có dịch Covid-19 nhưng không có nghĩa tất cả người dân đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển.
Trong ngày, Văn phòng Chính phủ cũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với mức nguy cơ của từng khu vực trên địa bàn; bảo đảm khoanh vùng, cách ly, phong tỏa ở phạm vi gọn nhất, hạn chế tối đa các hoạt động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất trong dịp Tết nguyên đán. Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là tại vùng có dịch, vùng bị phong tỏa.
Lập chốt cách ly khu vực có người nhiễm Covid-19 tại huyện Mê Linh, TP Hà Nội Ảnh: NGÔ NHUNG
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các tỉnh áp dụng biện pháp cách ly tập trung, cách ly tại nhà đối với người đến từ vùng có dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế kiểm tra, chỉ đạo, xác định cụ thể vùng có dịch theo nguyên tắc "khoanh gọn nhất có thể" phục vụ mục tiêu kép để các địa phương áp dụng biện pháp phù hợp cho nhân dân đón Tết nguyên đán, không gây cản trở không cần thiết.
Không "ngăn sông cấm chợ"
Về việc kiểm soát đi lại của người dân tại những địa phương có dịch, theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, vừa qua nhiều tỉnh làm chưa thật chuẩn, "sợ nên làm quá, siết chặt", người dân không dám về quê. Ông đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành văn bản, trong đó quy định rõ về điểm dịch, vùng dịch để các địa phương có căn cứ triển khai thống nhất, tránh tình trạng mỗi tỉnh hiểu một cách.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đang xây dựng và sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về vùng có dịch. Trên cơ sở đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khu vực ổ dịch và phong tỏa. Tất cả những người sinh sống trong khu vực phong tỏa là "nội bất xuất ngoại bất nhập", trừ những trường hợp đặc biệt (ví dụ, người bị bệnh nặng phải đưa đi cấp cứu....) mới được ra khỏi khu vực phong tỏa và được kiểm soát chặt chẽ. Những người không sinh sống trong khu vực bị phong tỏa vẫn được đi lại bình thường, chỉ cần khai báo y tế và không bị cách ly (trừ trường hợp đã xác định là F1, F2). Các địa phương không được "ngăn sông cấm chợ", không được "làm quá" yêu cầu, gây cản trở, khó khăn cho dân.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết đang phối hợp sát với các địa phương, từ các mô hình phong tỏa trong phong tỏa được thực hiện ở TP Chí Linh (Hải Dương) hay khoanh vùng điểm nhỏ, nhiều điểm nhỏ khoanh thành một điểm lớn như ở Quảng Ninh để hướng dẫn cụ thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cố gắng phong tỏa gọn nhất có thể.
Thêm 2 tỉnh, thành có dịch Covid-19
Trong ngày 5-2, Việt Nam ghi nhận 19 ca Covid-19 mắc mới trong cộng đồng và thêm 2 tỉnh là Điện Biên, Hà Giang ghi nhận có ca bệnh Covid-19. Như vậy, tính từ ngày 27-1 đến 18 giờ ngày 5-2, liên quan đến ổ dịch Hải Dương và Quảng Ninh, đã có 394 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước, đa số ca mắc ở Hải Dương (290 ca), Quảng Ninh (46), Hà Nội (23), Gia Lai (18), Bình Dương (5), Bắc Ninh (3), Điện Biên (3), Hòa Bình (2), Hải Phòng (1), TP HCM (1), Bắc Giang (1), Hà Giang (1).
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định tình hình dịch bệnh trên cả nước được kiểm soát tốt từ các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh đến tình hình ở TP Hà Nội, Gia Lai, Bình Dương, TP HCM… Tuy nhiên, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong việc khai báo y tế; vận động người dân tự giác thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương về những người từng đi qua các vùng có dịch bệnh. Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo, xử phạt nghiêm tất cả các phương tiện xe khách vi phạm, khuyến cáo, đề nghị tất cả người dân trên các chuyến xe khách đeo khẩu trang suốt hành trình di chuyển, để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Trẻ dưới 5 tuổi được cách ly y tế tại nhà
Tại cuộc họp trực tuyến với Sở Y tế các tỉnh, thành về phòng chống dịch Covid-19, diễn ra sáng 5-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết một trong những thay đổi về chiến lược chống dịch là thay đổi hình thức cách ly với F1 (người tiếp xúc gần với người bệnh Covid-19) là trẻ em.
Theo đó, nhóm trẻ dưới 5 tuổi có thể thực hiện cách ly tại nhà nghiêm ngặt do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm và có điều kiện đi kèm như: chỉ được một người trông; người trông phải có sức khỏe tốt và gia đình đó không có người già, không có bệnh lý nền. Việc này, Bộ Y tế đã thực hiện tại huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) và một số địa phương khác. Với trẻ từ 6 tuổi trở lên, áp dụng mô hình phân kỳ cách ly tập trung. Trẻ sẽ được áp dụng cách ly tập trung trong 7 ngày đầu và lấy mẫu ngày 1, ngày 3 và ngày 7. Khi trẻ có kết quả âm tính sẽ được cách ly tại nhà theo quy định rất nghiêm ngặt với sự giám sát của chính quyền địa phương.
Bình luận (0)