Ngày 21-10, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an), cho biết thay vì lập chốt như hiện nay, lực lượng CSGT sẽ hướng tới xử phạt qua camera và chỉ tuần lưu giải quyết tai nạn giao thông (TNGT). Đây là một trong những mục tiêu của đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" do Cục CSGT đang xây dựng.
CSGT sẽ hạn chế lập chốt, tăng cường phạt nguội
"Theo đó, đề án hướng tới việc tất cả lỗi vi phạm giao thông sẽ có hệ thống camera giám sát ở các tuyến đường ghi lại làm chứng cứ điện tử. Lực lượng chỉ lập chốt xử lý lỗi không thể phát hiện bằng quan sát như vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, cân tải trọng" - Đại tá Bình thông tin.
Theo ông Bình, hiện nay chưa có mốc thời gian cụ thể đề án hoàn thiện và thực thi. Tuy nhiên, đề án đã được trình lãnh đạo Bộ Công an để xem xét điều chỉnh, bổ sung. Việc này sẽ được thực hiện sớm nếu hoàn thiện hệ thống hạ tầng camera giám sát trên toàn quốc.
"Lúc đó, theo hướng chủ yếu sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong phát hiện, xử lý vi phạm, đặc biệt là hệ thống giám sát và hệ thống camera quan sát, hướng đến giảm dần việc phát hiện, dừng trực tiếp phương tiện; đồng thời có cơ chế tiếp nhận thông tin, hình ảnh vi phạm trật tự, an toàn giao thông do tổ chức, cá nhân cung cấp làm căn cứ xác định và xử lý vi phạm"- đại diện Cục CSGT thông tin.
Đại diện Cục CSGT cho biết thêm, theo một điểm mới trong Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến, sẽ hướng tới trong việc giải quyết TNGT, sẽ "bỏ tư duy xe to đền xe nhỏ"
Theo Bộ Công an, xác định TNGT là hậu quả không mong muốn xảy ra, khi xảy ra thì phải giải quyết, xử lý nên cần quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức có liên quan; có sự kết nối giữa các cơ sở dữ liệu liên quan; theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ TNGT; trách nhiệm của cơ quan y tế; trách nhiệm của UBND các cấp; trách nhiệm của cơ quan công an...
Cụ thể, cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm khi được thông báo về vụ TNGT phải có trách nhiệm tới ngay hiện trường để phối hợp với cơ quan có thẩm quyền điều tra, giải quyết vụ TNGT, cấp cứu người bị nạn. Đồng thời. phải giải quyết bồi thường thiệt hại do TNGT gây ra đúng quy định.
"TNGT đường bộ là sự việc không mong muốn xảy ra, khi xảy ra tai nạn sẽ gây hậu quả thiệt hại về người và tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Tuy Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định nhưng còn giản đơn, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, tản mát ở vài điều luật, chủ yếu hướng dẫn tại các thông tư của các bộ, hiệu lực pháp lý chưa cao. Do đó, Luật này quy định rất chi tiết" - đại diện Cục CSGT thông tin.
Trước hết, những hành vi vi phạm do cá nhân, tổ chức thực hiện phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Thứ hai, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành có liên quan đến giải quyết TNGT nhằm tránh hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi giải quyết hậu quả của vụ TNGT nhằm giảm thiểu hậu quả vụ tai nạn (đây là quy định mới);
Đáng chú ý là nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho các bên liên quan trong vụ TNGT phải căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh, xác định rõ nguyên nhân, hậu quả để làm căn cứ bồi thường, không có chuyện "xe to đền xe nhỏ";
Bên cạnh đó, điều tra, xác minh, giải quyết vụ TNGT phải làm rõ nguyên nhân do con người, do cơ sở hạ tầng giao thông hay do phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc các yếu tố bất ngờ gây ra làm căn cứ xác định trách nhiệm của người có liên quan trong vụ tai nạn; trách nhiệm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc quản lý nguồn nguy hiểm gây tai nạn.
Bình luận (0)