Sáng 19-5, tại Di tích Quốc gia khu vực đồn Long Khốt, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) tổ chức Lễ kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2023) và tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Tham dự lễ kỷ niệm có ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An; ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Tại buổi lễ, các đại biểu và người dân, cựu chiến binh, thân nhân của các anh hùng liệt sĩ từng tham gia chiến đấu tại khu vực đồn Long Khốt đã thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các anh hùng liệt sĩ.
Các đại biểu tưởng niệm, dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
Phát biểu ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng nhấn mạnh: "Cuộc đời 79 mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại".
Ông Cường cho biết sau khi hòa bình được lập lại, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Vĩnh Hưng bắt tay vào công cuộc khai hoang phục hóa, đưa vùng đất chua phèn, ngập lũ trở thành cánh đồng trù phú, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó là quan tâm thực hiện các mục tiêu văn hóa - xã hội và xây dựng nông thôn mới; từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân; đảm bảo quốc phòng an ninh; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh.
Các cựu chiến binh dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
Ôn lại truyền thống cách mạng của khu vực Long Khốt, ông Cường cho biết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chỉ tính những năm cuối chiến tranh từ 1972 đến 1975, tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt.
Điển hình là trận đánh diễn ra vào ngày 28-4-1974, với sự phối hợp của các đơn vị đặc công, pháo binh và thiết giáp, Trung đoàn 174 đã đánh chiếm Chi khu Long Khốt. Chiến thắng này đã "mở toang tuyến hành lang chiến lược" để đưa đại quân ta tiến về đồng bằng, tham gia chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ông Lê Thành Đại, phó trưởng Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 174 cho biết nhằm khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tại khu vực Đồn Long Khốt, bà con nhân dân xã Thái Bình Trung đã đề nghị chính quyền và Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Long Khốt chọn ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19-5 hàng năm) là ngày toàn dân Vĩnh Hưng tưởng nhớ Bác Hồ và tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tặng quà cho người dân khó khăn huyện Vĩnh Hưng
Nhiều cá nhân, tổ chức đã trao tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn của huyện Vĩnh Hưng
"Cứ đến ngày 19-5 thì mọi người tề tựu về đây để mang các lễ vật, tự nguyện đến để cúng giỗ, thành tâm khấn nguyện vong linh liệt sĩ phù hộ cho cuộc sống an bình và hạnh phúc. Ngày này đã trở thành ngày hội tri ân truyền thống của Chính quyền, Bộ đội và Nhân dân của tỉnh Long An, đặc biệt là huyện Vĩnh Hưng" - ông Lê Thành Đại nói.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, nhiều cá nhân, tổ chức đã trao tặng nhiều phần quà cùng 2 căn nhà tình nghĩa cho bà con có hoàn cảnh khó khăn của huyện Vĩnh Hưng.
Dịp này, địa phương cũng tổ chức Lễ an vị tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cạnh khuôn viên Di tích Quốc gia khu vực đồn Long Khốt. Tôn tượng cao 11,5m; nặng 29 tấn và được làm bằng chất liệu đá trắng.
Một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm:
Bình luận (0)