Di tích lịch sử Đồn Long Khốt là nơi ghi dấu những hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Sư đoàn 5 và các đơn vị phối hợp trong giai đoạn 1972-1975, cùng chiến công 43 ngày đêm của Bộ đội Biên phòng Long An trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1978. Năm 1997, Khu Di tích lịch sử Đồn Long Khốt được UBND tỉnh Long An xếp hạng di tích cấp tỉnh, năm 2019 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia.
Chiến công oai hùng
Long Khốt là địa danh thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An; giáp biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Long Khốt là trọng điểm giao tranh quyết liệt giữa ta và địch.
Từ tháng 6-1972 đến ngày 30-4-1975, Sư đoàn 5 phối hợp với lực lượng địa phương tỉnh Kiến Tường liên tục tấn công địch với nhiều trận ác liệt, tiêu biểu là 2 trận đánh vào Chi khu Long Khốt (tháng 6-1972 và 4-1974) làm cho địch thiệt hại nặng. Riêng trận đánh vào Chi khu Long Khốt năm 1974 thắng lợi đã giải phóng hoàn toàn chi khu, khai thông tuyến hành lang biên giới. Song, hàng trăm CBCS của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 và các đơn vị phối hợp đã hy sinh, nằm lại nơi đây.
Khánh thành Khu Di tích lịch sử quốc gia Đồn Long Khốt
Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, vùng đất biên cương này chưa hưởng trọn vẹn niềm vui thống nhất thì cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam nổ ra. Cứ điểm Long Khốt - nay là Đồn Biên phòng (ĐBP) Long Khốt - thêm một lần nữa là nơi giao tranh ác liệt. Bọn Pol Pot tập trung lực lượng chiếm cho được Long Khốt để làm bàn đạp tấn công sâu vào hậu phương của ta.
CBCS Đồn Long Khốt kiên trì bám trụ, khắc phục khó khăn, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, ngăn chặn các mũi tiến công của địch, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Trải qua 43 ngày đêm, từ 14-1 đến 27-2-1978, Đồn Long Khốt đã đánh lùi 21 đợt tiến công của địch, chiến đấu 28 trận, tiêu diệt 55 tên và làm hàng chục tên khác bị thương.
Trong đợt chiến đấu ngoan cường này, với lực lượng mỏng, quân ta đã hy sinh 26 người (10 CBCS của đồn, 16 CBCS đơn vị bạn) và 20 người bị thương. Cuộc chiến đấu anh dũng và sự hy sinh của các anh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Với những thành tích vẻ vang đó, ngày 20-12-1979, ĐBP Long Khốt vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Theo thống kê (chưa đầy đủ), giai đoạn 1972-1975, Sư đoàn 5 có 1.110 CBCS hy sinh trên chiến trường Long Khốt. Trong đó, Trung đoàn 174 có gần 800 CBCS hy sinh tại đây.
"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống
CBCS ĐBP Long Khốt qua nhiều thế hệ luôn phát huy truyền thống anh hùng của đơn vị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, đoàn kết nội bộ, gắn kết quân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thiếu tá Nguyễn Văn Giàu, Đồn trưởng ĐBP Long Khốt, cho biết: "Trên địa bàn đơn vị quản lý hiện có gần 2.500 hộ dân sinh sống ở 2 xã Thái Bình Trung và Thái Trị. Tuy đời sống còn khó khăn nhưng người dân luôn hòa thuận, đoàn kết, cùng CBCS ĐBP bảo vệ biên giới. ĐBP Long Khốt hiện được giao quản lý 17,3 km đường biên giới với 12 cột mốc".
Khu Di tích lịch sử quốc gia Đồn Long Khốt là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, ĐBP Long Khốt còn tích cực phối hợp với địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tham gia sửa chữa cầu đường, dọn vệ sinh môi trường... Bà Vũ Thị Chảy (ngụ ấp Trung Thành, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) nhớ lại: "Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, CBCS ĐBP Long Khốt vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 60 triệu đồng xây dựng căn nhà. Bây giờ, tôi yên tâm tập trung phát triển kinh tế gia đình".
Để tri ân những người đã ngã xuống vì đất nước, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, nhân dân và các cựu chiến binh đã xây dựng nơi đây một đền thờ liệt sĩ. Hằng năm, đúng vào ngày 19-5, người dân, CBCS, cựu chiến binh Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 đều tổ chức lễ tưởng nhớ Bác Hồ và lễ giỗ liệt sĩ.
Cựu chiến binh Nguyễn Sĩ Bình trải lòng: "Tôi biết ơn chính quyền và người dân nơi đây luôn nhớ tới anh em chiến sĩ đã hy sinh. Mỗi lần về đây thắp nén nhang cho đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, tôi rất xúc động khi chứng kiến sự thay đổi của địa phương, sự chăm lo cho người dân khu vực biên giới cũng như các chiến sĩ đã nằm xuống mảnh đất này".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng Nguyễn Tuấn Anh, đây là công trình có quy mô, ý nghĩa to lớn, mang tính lịch sử và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến tại khu vực Đồn Long Khốt. Từ khi được xây dựng, Khu Di tích lịch sử Đồn Long Khốt trở thành điểm viếng thăm, giáo dục truyền thống quan trọng trong khu vực.
Bình luận (0)