Phát biểu với tư cách là một chứng nhân và cũng là người trong cuộc, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, nói: "Trước năm 2009, mỗi năm, Cù Lao Chàm được cứu đói ít nhất 4 lần, Tết thì 100% phải trợ cấp gạo. Người Cù Lao Chàm lúc đó "ấm no thỉnh thoảng, đói nghèo quanh năm". Sau 10 năm, giờ đây Cù Lao Chàm đã thay đổi một trời một vực, thu nhập bình quân đầu người của xã cao nhất ở tỉnh Quảng Nam". Theo ông Sự, có được những đổi thay này là nhờ nỗ lực rất lớn của toàn dân, các cấp, ngành trong bảo tồn Cù Lao Chàm.
Sau 10 năm, Cù Lao Chàm đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn, phát triển
Còn theo đánh giá của GS-TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam, trong 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, Cù Lao Chàm là khu dự trữ "em kế út" (khu thứ 8 được công nhận) nhưng đã có rất nhiều cách làm hay trong công tác bảo tồn, góp phần xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu cho cư dân nơi đây.
Từ thành công này, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, lưu ý trong quản lý các khu bảo tồn dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, cần tạo ra sự đồng thuận cao giữa các chủ thể, tránh tình trạng mạnh ai nấy khai thác, từ đó làm mất đi tiềm năng lâu dài, gây ra những hệ lụy khó lường.
Bình luận (0)