Chiều 25-5, tại xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), UBND TP Hội An tổ chức Tọa đàm "Bảo tồn để phát triển, phát triển cho bảo tồn" - nhân kỷ niệm 10 năm Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam dự buổi tọa đàm
Tọa đàm có khoảng 200 đại biểu gồm lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương, các nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng dân cư trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và đại diện 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới khác ở Việt Nam. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham gia chia sẻ những kinh nghiệm, những cách làm hay, những thành tựu đạt được, khó khăn, thách thức..., để tìm ra các giải pháp làm sao có thể "bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn".
GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí đánh giá cao Cù Lao Chàm
GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển Việt Nam, đánh giá cao Cù Lao Chàm trong việc "bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn". Bằng chứng là Cù Lao Chàm đã bảo tồn gần như nguyên vẹn các giá trị đa dạng sinh học và đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế thời gian qua.
Ông Trí cho biết trong 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, Cù Lao Chàm là khu dự trữ "em kế út" (là khu thứ 8 được công nhận) nhưng đã có rất nhiều cách làm hay mà những khu dự trữ "người anh" (được công nhận trước) phải học hỏi.
Một góc Cù Lao Chàm
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, năm 2019 là một năm đặc biệt, đánh dấu cột mốc 10 năm kể từ ngày Cù Lao Chàm – Hội An trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Danh hiệu này là sự ghi nhận của thế giới về những nỗ lực vượt bậc trong thời gian dài của người dân, các tầng lớp xã hội, các thành phần kinh tế, các tổ chức khoa học, giáo dục và các cấp chính quyền TP Hội An trong công tác bảo tồn và phát triển những tài sản, giá trị của địa phương nhưng mang tầm ý nghĩa toàn cầu.
Tại vùng lõi, trong vòng 10 năm, Cù Lao Chàm là một điểm sáng trong công tác bảo tồn biển, bảo vệ môi trường với những mô hình thành công đầu tiên của cả nước như Nói không với túi ni lông, Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương, mô hình phục hồi san hô, chuyển vị rùa biển...
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, phát biểu tại tọa đàm
Tại đây đã có nhiều sự thay đổi vượt bậc, trong đó cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang ngành du lịch – dịch vụ. Năm 2009, Cù Lao Chàm đón hơn 15.000 lượt khách đến thăm quan và con số này không ngừng gia tăng vượt bậc qua các năm, năm 2014 Cù Lao Chàm đón hơn 232.000 lượt khách và đến năm 2018 tổng số khách là hơn 415.000 người...
Ngày 26-5-2009, tại đảo Jeju - Hàn Quốc, Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới của UNESCO đã công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là khu dự trữ sinh quyển thế giới với những giá trị độc đáo, đặc trưng và duy nhất trong hệ thống 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam hiện nay.
Cù Lao Chàm
Các giá trị đặc trưng, nổi trội đó là: Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc Hệ thống các các khu bảo tồn cấp quốc gia; Phố cổ Hội An - Di sản văn hóa của UNESCO được công nhận năm 1999; Rừng ngập mặn với đặc trưng là Hệ sinh thái rừng dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn; Rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; Hệ thống rừng phòng hộ ven biển; Các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử.
Theo nhận định của UNESCO, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An là một minh chứng điển hình, rõ nét nhất về sự kết nối, hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đúng như sứ mệnh và tên gọi Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO.
Bình luận (0)