Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải, vừa có báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, khai mạc vào sáng nay, 20-5.
Đấu tranh kiên quyết, kiên trì
Cử tri TP HCM, TP Hà Nội và các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Nghệ An bày tỏ sự lo lắng và bất bình trước hành động ngang ngược từ phía Trung Quốc liên tục xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền vùng biển nước ta. Cử tri đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cứng rắn hơn.
Trả lời vấn đề này, Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đấu tranh để kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền và quyền lợi biển. Cụ thể, Việt Nam kiên trì chủ trương giải quyết hòa bình các bất đồng tại biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và các thỏa thuận khu vực như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đối với phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trao đổi, trao công hàm, giao thiệp phản đối, trong các dịp tiếp xúc và chuyến thăm cấp cao, hội đàm song phương, trao đổi bên lề các hội nghị quốc tế và diễn đàn đa phương hoặc trong khuôn khổ các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc. Kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi lý và hoạt động vi phạm của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hoạt động này.
Bộ Ngoại giao cho biết trên thực địa, các lực lượng chức năng Việt Nam thường xuyên nâng cao cảnh giác, không để bị động, bất ngờ, kiên quyết, kiên trì giữ vững thực địa, khẳng định và thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ các đảo, đá, công trình, khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, bảo vệ ngư dân và tàu cá. "Việt Nam nói rõ vấn đề biển Đông tác động trực tiếp đến tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam" - Bộ Ngoại giao nêu rõ.
Tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển nước taẢnh: Schottel
Chủ động trước mọi tình huống
Chung mối lo từ phương Bắc, cử tri Bến Tre, Phú Thọ, An Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng bày tỏ việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương địa chất 8, giàn khoan với sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh và tàu "dân binh" xâm phạm khu vực bãi Tư Chính, vào sâu trong vùng đặc quyền kinh kế và thềm lục địa của Việt Nam dưới danh nghĩa khảo sát khoa học, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Giải trình lo ngại của cử tri, Bộ Quốc phòng khẳng định Trung Quốc không từ bỏ tham vọng "độc chiếm biển Đông" bất chấp dư luận và luật pháp quốc tế, ngày càng củng cố sự hiện diện, khả năng kiểm soát trên thực địa. Trung Quốc đã quyết liệt hơn về chính sách cũng như hoạt động trên thực địa, đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khảo sát dầu khí trên biển Đông xâm phạm vùng biển các nước, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng đã quán triệt và duy trì nghiêm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; bố trí các tàu trực, tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra. Chủ trương bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam là "kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vững 21 đảo ở quần đảo Trường Sa, DKI". Kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Kết quả, buộc Trung Quốc phải rút tàu khỏi vùng biển của Việt Nam.
Đáng chú ý, Việt Nam đã đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng tàu trực tại các vùng biển trọng điểm, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát; tổ chức diễn tập, luyện tập các phương án, hiệp đồng các lực lượng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo để xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển.
Trả lời về kiến nghị của cử tri Đà Nẵng cần xem xét giải pháp khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, Bộ Quốc phòng cho biết Việt Nam thống nhất rằng việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài. "Quan điểm chung của Việt Nam là quán triệt tinh thần "kiên quyết, kiên trì", những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ; những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì kiên quyết không nhân nhượng" - Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Luôn giáo dục, tuyên truyền về biển đảo
Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin nội dung giáo dục về chủ quyền biển, đảo được đề cập ở nhiều bài học trong sách giáo khoa... Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho hay trong các luật liên quan đến biển, đảo cũng như văn bản tham mưu góp ý của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (khi được xin ý kiến) về việc lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch, luôn yêu cầu việc lập quy hoạch xây dựng phải bảo đảm tuân thủ các quy định về bảo vệ hành lang bờ biển. Bộ ủng hộ việc các địa phương ngừng (hoặc rút giấy phép) đối với các dự án xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng che chắn hết tầm nhìn bãi biển.
Bình luận (0)