Đại diện VKSND tỉnh Kon Tum cho rằng rừng đặc dụng Đắk Uy quý hiếm. Theo quy định, khai thác 5 m3 trở lên mới khởi tố hình sự, trong khi rừng Đắk Uy chỉ còn 800 cây gỗ trắc. Cây gỗ các bị cáo cưa to, dài cũng chỉ có 1,1 m3, phải 5 cây như vậy mới đủ để khởi tố. "Lý do chúng tôi đưa ra đây để kết luận hành vi của bị cáo phạm tội "Trộm cắp tài sản" là ý đồ để bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm" - đại diện VKSND nói.
Bà Đỗ Thị Kim Thư - phó chánh án, chủ tọa phiên tòa - cho rằng rừng đặc dụng Đắk Uy là khu rừng khác biệt. Tuy là rừng tự nhiên nhưng khu rừng này nhà nước có bỏ tiền để đầu tư bảo vệ, trồng thêm cây nên việc 5 luật sư bào chữa cho rằng đây là rừng tự nhiên là chưa hiểu đúng bản chất của rừng này.
Người dân địa phương không được vào trong phòng xử án phải theo dõi phiên tòa từ bên ngoài
Tại phiên tòa, 5 luật sư bào chữa miễn phí cho các bị cáo đều cho rằng hành vi của 5 bị cáo là sai nhưng chỉ ở mức độ chế tài xử phạt hành chính chứ không thể xử lý hình sự, không cấu thành tội "Trộm cắp tài sản". Theo Thông tư 19/2007 và Nghị định 157/2013 thì rừng đặc dụng Đắk Uy là rừng tự nhiên, không phải rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh. Do đó chỉ có thể xử phạt hành chính vì 5 bị cáo khai thác khúc gỗ trắc chết khô chỉ với khối lượng 0,123 m3.
Luật sư Lê Văn Hoan dẫn các căn cứ pháp luật và khẳng định rừng đặc dụng Đắk Uy là tài sản của nhà nước, cây gỗ các bị cáo đã cưa là cây gỗ mọc tự nhiên không có tác động của con người. Các bị cáo cưa cây gỗ trắc đã chết không phải là tài sản do con người bỏ sức lao động tạo ra, cho nên hành vi của các bị cáo không cấu thành tội "Trộm cắp tài sản". Nếu cố tình ghép các bị cáo tội "trộm cắp tài sản" không chỉ làm oan sai các bị cáo mà còn không phục vụ cho cải cách tư pháp.
Còn luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân cũng chỉ ra rằng tại nhiều địa phương khác cũng xảy ra các sự việc tương tự nhưng chưa có nơi nào xử lý tội "Trộm cắp tài sản". Thậm chí, ngay tại rừng đặc dụng Đắk Uy sau vụ án của các bị cáo, cũng có vụ vào khai thác trái phép cây gỗ trắc tươi với giá trị lớn hơn nhưng cũng chỉ bị xử lý hành chính.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, tháng 4-2016, các bị cáo vào rừng cưa 1 cây gỗ trắc đã chết khô lấy 1 lóng gỗ khối lượng 0,123 m3. Các bị cáo sau đó bị khởi tố về tội "Trộm cắp tài sản". Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà tuyên xử 5 bị cáo từ 12 đến 15 tháng tù giam. Tháng 4-2017, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm tuyên hủy bản sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vì vi phạm tố tụng. Ngày 27-9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm lần 2 tuyên phạt mỗi bị cáo từ 11 đến 14 tháng tù giam cũng về tội "Trộm cắp tài sản". Ngày 1-6-2018, TAND tỉnh Kon Tum tuyên các bị cáo không phạm tội theo bản án sơ thẩm lần 2. Ngày 26-7-2018, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Kon Tum.
Bình luận (0)