Việc phê chuẩn và thực hiện hiệp định càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chúng ta đã đẩy lùi dịch Covid-19 và đang cần thêm nhiều động lực mới để tái khởi động, hồi phục nền kinh tế. Trong đó, mở ra điều kiện để khai thông dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với chất lượng cao hơn từ EU vào Việt Nam; cải thiện vị trí của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu; tạo động lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng, tạo nhiều việc làm hơn cho người dân - đó chính là đích đến cuối cùng của mọi chiến lược phát triển.
Nhưng để chuyến cao tốc nối Việt Nam với EU theo cách gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - có thể thông xe và vận hành trơn tru, còn rất nhiều việc phải làm.
Xuất nhập khẩu hàng hoá tại Cảng Cát Lái (TP HCM) - Ảnh: Hoàng Triều
Đầu tiên là thực trạng các văn bản luật, nghị định, thông tư... mâu thuẫn, chồng chéo cản bước DN đi lên. Tốc độ sửa đổi, bổ sung cần nhanh hơn nữa, không nhất thiết phải chờ đến năm 2021 mới đưa ra Quốc hội như dự kiến. Có rất nhiều quy định có thể ban hành ngay sau khi hiệp định được Quốc hội phê chuẩn để có thể thực thi sớm, như văn bản hướng dẫn liên quan tới thuế quan, thủ tục cấp và tiếp nhận C/O (xuất xứ hàng hóa) ưu đãi, mở cửa thị trường dịch vụ...
Chính sách, thể chế cần được tiếp tục khơi thông mạnh mẽ để con đường kết nối với EU thực sự rộng rãi, thông thoáng. Đến nay, tôi chỉ thấy Chính phủ đưa ra các văn bản phải ban hành theo cam kết, chưa thấy văn bản nào được chúng ta chủ động thiết kế để tạo không gian và động lực cho chính mình. Chính sách nội địa không nên và không thể chỉ bó gọn trong các quy định để nội luật hóa lời hứa trong cam kết mà còn phải mở rộng theo yêu cầu nội tại để hạn chế tác động không mong muốn từ cam kết, hay để tạo sức bật, hỗ trợ nền kinh tế tận dụng tốt hơn các lợi ích.
Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho DN. Chúng ta đã làm điều này khi ký kết FTA với rất nhiều thị trường nhưng trong cuộc hội nhập đỉnh cao lần này, cần làm bài bản, nghiêm túc hơn. Mặt khác, cần quyết liệt hơn công tác tổ chức bộ máy, đào tạo tập huấn cho các cán bộ, cơ quan liên quan với mục tiêu bảo đảm cán bộ thừa hành phải biết và hiểu đúng việc cần làm; ngăn chặn được các biểu hiện xin-cho, "hành" DN, tạo ra "ổ gà, ổ voi thủ tục" hoặc "trên rải thảm, dưới rải đinh".
Đối với DN và các cơ quan nhà nước có liên quan, "cao tốc" EVFTA không phải là con đường miễn phí. Để tận dụng được cơ hội, phải bỏ công sức tìm hiểu, thay đổi sản xuất cho phù hợp với quy tắc xuất xứ. DN có thể phải mất thêm nhiều chi phí tuân thủ, để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao về lao động, môi trường và để tạo ra sản phẩm tốt hơn. Nhưng cần hiểu rằng chỉ khi "làm thật" thì chúng ta mới được trả công xứng đáng cho những nỗ lực đã bỏ ra.
Bình luận (0)