xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Họ tình nguyện ra tuyến đầu

Bình An

Hiểu rõ vất vả, hiểm nguy nhưng họ vẫn viết đơn tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch Covid-19 với mong muốn góp phần cho người dân được an lành

Nửa cuối tháng 7-2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP Đà Nẵng, nhiều ca bệnh nặng và tử vong. Trong lúc đó, ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vẫn đang yên bình song nhiều người dân đã bắt đầu "giữ mình" vì lo sợ dịch bệnh sẽ lây lan ra diện rộng.

Sẵn sàng đợi lệnh

Nhưng đội ngũ y - bác sĩ ở Bệnh viện (BV) Trung ương Huế (TP Huế) thì khác. Nhiều người đã viết đơn gửi ban giám đốc BV cho biết sẵn sàng nhận lệnh điều động ra làm việc tại Trung tâm Điều trị và Cách ly bệnh nhân Covid-19 thuộc BV Trung ương Huế cơ sở 2 đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế (nay là Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị Covid-19).

Họ tình nguyện ra tuyến đầu - Ảnh 1.

BS Mai Thị Hồng Vân (bìa trái) và một đồng nghiệp chia vui với bệnh nhân tại TP HCM xuất viện. (Ảnh tư liệu của Bệnh viện Trung ương Huế)

Hồi ký những ngày chống dịch Covid-19 tháng 7-2020 của điều dưỡng Mai Bá Thu, Khoa Hồi sức tích cực BV Trung ương Huế, dài 10 trang, do anh viết tay, như muốn nói lên sự khát khao cống hiến của đội ngũ y - bác sĩ tại BV này trong việc cứu người trước đại dịch.

"Hơn 3 tuần trước, trưa 30-7-2020, khi đang ở đám giỗ bố vợ thì nhận được lệnh điều động đi chống dịch Covid-19 của lãnh đạo gửi, bắt đầu từ ngày mai. Ngay lập tức, tôi bỏ đũa và suy nghĩ đợt chống dịch này chắc gian nan, vất vả hơn đợt trước, vì dịch bệnh cũng lây lan trong một số BV tại TP Đà Nẵng. Xong đám giỗ, tôi gọi vợ con ra nhắn nhủ một số việc rồi chuẩn bị ít đồ để ngày mai lên đường" - điều dưỡng Thu viết trong hồi ký của mình.

Trước đó, ngày 29-7-2020, Trung tâm Điều trị và Cách ly bệnh nhân Covid-19 bắt đầu tiếp nhận các ca bệnh nặng chuyển từ TP Đà Nẵng và Quảng Nam ra. Tối 30-7-2020, xe cứu thương liên tục chở bệnh nặng từ TP Đà Nẵng chuyển ra, trong số đó có các ca bệnh nền nặng, hôn mê sâu, phải thở máy và dùng thuốc trợ tim liều cao, có bệnh nhân đã vài lần ngưng tim trên đường ra.

Ngày 31-7-2020, khi vợ con còn say giấc ngủ thì anh Thu xách balô rời nhà để đến Trung tâm Điều trị và Cách ly bệnh nhân Covid-19 nhận nhiệm vụ. Trong khoảng thời gian làm việc tại trung tâm, anh nhớ kỷ niệm ngày đầu tham gia ca trực sau 7 giờ làm việc liên tục với bộ đồ bảo hộ nóng đến kinh hoàng, mồ hôi ướt đẫm cả người, đôi bàn tay co rúm nhăn nheo và nứt từng thớ do đeo găng tay, rát buốt khi rửa.

Họ tình nguyện ra tuyến đầu - Ảnh 2.

Đội ngũ y - bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế lên đường vào TP HCM hỗ trợ chống dịch Covid-19. (Ảnh tư liệu của Bệnh viện Trung ương Huế)

Thùy Dung khi ấy mới 24 tuổi, là một trong những điều dưỡng trẻ nhất của BV Trung ương Huế. Cô cũng không một chút do dự, lo lắng khi viết đơn tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch ngay sau khi nghe lãnh đạo thông tin "BV ta sẽ chia lửa, tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 từ Đà Nẵng chuyển ra". Trong chiều hôm đó, Dung quay xe về phòng trọ và soạn một số đồ cần thiết cùng vài quyển sách, chờ có lệnh là sẽ lên đường.

Tháng 5-2020, khi dịch bùng phát tại Bắc Giang thì 18 cán bộ, nhân viên là những chuyên gia thuộc các lĩnh vực hồi sức tích cực, hồi sức tim mạch, chống độc... của BV Trung ương Huế nhanh chóng lên đường ra hỗ trợ.

Rất vinh dự

TS-BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế, cũng viết đơn tình nguyện đi Bắc Giang, trình lên giám đốc BV là GS-TS Phạm Như Hiệp đúng ngày có kết quả ông trúng cử đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Trong đơn tình nguyện, ông Xuân viết: "Trên cương vị phó giám đốc BV, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, tôi nhận thấy tình hình dịch Covid-19 rất cấp bách tại Bắc Giang, cần lực lượng chuyên môn hỗ trợ phòng chống dịch, không để lây lan ra cả nước. Tôi cảm thấy rất vinh dự nếu được Đảng ủy và ban giám đốc cho tôi được tham gia đoàn đi Bắc Giang".

Khi tình hình ở Bắc Giang tạm ổn thì TP HCM bùng phát dịch Covid-19. Vừa hoàn thành nhiệm vụ ở Bắc Giang trở về, TS-BS Nguyễn Thanh Xuân lại lên đường vào Nam cùng đồng nghiệp xây dựng, vận hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (ICU) TP HCM (do BV Trung ương Huế lập để hỗ trợ TP HCM điều trị các bệnh nhân Covid-19).

Họ tình nguyện ra tuyến đầu - Ảnh 3.

Đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tại Trung tâm ICU TP HCM. (Ảnh tư liệu của Bệnh viện Trung ương Huế)

BS Mai Thị Hồng Vân (SN 1991) là Phó Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng của BV Trung ương Huế. Khi Trung tâm ICU TP HCM xây dựng hoàn thành thì BS Vân là một trong những người tình nguyện đến đây làm việc đầu tiên và cũng nằm trong số ít bám trụ cho đến khi trung tâm được bàn giao lại cho TP HCM quản lý.

BS Vân nói từ khi đặt bút viết đơn tình nguyện vào Trung tâm ICU TP HCM, cô đã dự định sẽ ở lại cho đến khi dịch bệnh ở TP HCM tạm ổn và trung tâm được chuyển giao cho địa phương thì mới trở về Huế. Vì thế, dù đã có nhiều đợt "đổi quân" nhưng cô vẫn tình nguyện ở lại với TP HCM.

Tới Trung tâm ICU TP HCM làm việc, BS Vân gặp ca bệnh đầu tiên là một cụ ông mắc Covid-19 nặng, phải nằm một chỗ. Một người con gái cũng là F0 theo vào trung tâm vừa điều trị vừa chăm sóc cha. BS Vân đã tận tình hướng dẫn cho bệnh nhân cách thở chúm môi, tập các động tác phục hồi chức năng nên chỉ số độ bão hòa ôxy trong máu (SpO2) tăng.

Việc làm của BS Vân đã thu hút nhiều bệnh nhân ở khu vực điều trị tham gia. Một nữ bệnh nhân thốt lên: "Cô ơi, tôi thấy cô năng động quá, tôi cũng muốn đứng dậy đi luôn, cô đỡ tôi với". Thấy các chỉ số huyết động của bệnh nhân này đều ổn, Vân đỡ dậy dìu đi vài bước. "Tôi vui và rất hạnh phúc vì thấy chuyên ngành mình có hiệu quả rõ ràng. Hôm đó về, tôi kể cho mọi người cùng các sếp nghe và được khen giỏi, động viên cố gắng giúp bệnh nhân" - BS Vân kể.

Bộ phận phục hồi chức năng có Vân tham gia, lúc đông nhất gồm 15 bác sĩ và kỹ thuật viên đến từ nhiều BV khác nhau. Mỗi ngày, họ tập cho các bệnh nhân 2 lần vào buổi sáng và chiều. Trong suốt 4 tháng ở TP HCM, trừ những lúc quá mệt mỏi phải về khách sạn để nghỉ ngơi, thời gian còn lại BS Vân đều ở hẳn trong trung tâm để làm việc. "Ở khu ra viện, nếu được đến đó, bạn sẽ thấy mọi người nói chuyện rôm rả, rất vui tươi. Họ đã trải qua cơn nguy kịch và sắp được trở lại cuộc sống bình thường nên mừng lắm. Tình yêu thương con người sẽ càng mạnh lên trong họ" - BS Vân tâm sự.

Rồi BS Vân nhớ tới một bệnh nhân nữ tuổi hơn 50, ban đầu nằm ở khu nguy kịch phải thở máy. Khi bộ phận phục hồi chức năng tới tập, bệnh nhân này nói: "Làm ơn giải thoát cho tôi. Tôi không chịu được những cơn khó thở và những tiếng kêu tít tít từ những máy thở bên cạnh". BS Vân cùng đồng nghiệp vừa giúp bệnh nhân này tập từng động tác, kết hợp động viên với tất cả tận tình. Bệnh nhân này đã nhanh chóng phục hồi, đi lại được và xuất viện.

Cảm thấy hạnh phúc hơn

Tại Trung tâm ICU TP HCM có nhiều trường hợp là sản phụ sau sinh thường bị mắc Covid-19 vào điều trị, thể trạng của họ yếu hơn người bình thường nên cơ hội sống cũng ít hơn. Thấy những người phụ nữ ấy, BS Vân lại nghĩ về những đứa con của họ, về tương lai của chúng. "Quá thương phải không? Đó là lý do mình cố gắng hơn. Mỗi bệnh nhân ở đây đều mang trong mình một khát vọng - khát vọng được trở về với gia đình, được chăm sóc những đứa con bé nhỏ. Có những bệnh nhân đã qua được cơn nguy kịch rồi ra viện như một cách kỳ diệu, họ cảm thấy như được sống lại lần thứ 2" - BS Vân tâm sự.

Họ tình nguyện ra tuyến đầu - Ảnh 4.

Hồi ký những ngày chống Covid-19 của điều dưỡng Mai Bá Thu Bệnh viện Trung ương Huế. (Ảnh tư liệu của Bệnh viện Trung ương Huế)

Tất cả mọi người đều không muốn mang bệnh, không muốn vào đây. Chỉ những người như BS Vân và đồng nghiệp của cô mới muốn vào đây để góp sức mình giúp những người nhiễm bệnh vượt qua cửa tử. Vân nói khi vào đây, cô học được rất nhiều về chuyên môn, về kinh nghiệm sống quý báu. Khi nhận ra điều đó, Vân càng cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn, hạnh phúc hơn.

Cuối tháng 10-2021, khi còn "chiến đấu" với dịch Covid-19 ở TP HCM, BS Vân nhận được quyết định bổ nhiệm Phó Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, sau đó là Phó Khoa Hậu Covid-19 của Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị Covid-19 thuộc BV Trung ương Huế. Đó là sự động viên đối với một bác sĩ trẻ đã cống hiến sức mình vì cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Nữ phó khoa 30 tuổi, độc thân, nói rằng "mình phải học nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn nữa về các bài tập để có liệu trình điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân". 

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, lực lượng y tế của BV Trung ương Huế luôn có mặt tại các điểm nóng như Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên, Quảng Ngãi, TP HCM... Hàng trăm lá đơn tình nguyện được cán bộ, y - bác sĩ gửi lên ban giám đốc với nguyện vọng được ra tuyến đầu. Nhiều người trong số đó sau 10 lần viết tâm thư mới được toại nguyện.

CÁC ĐƠN VỊ TÀI TRỢ

Họ tình nguyện ra tuyến đầu - Ảnh 6.
Họ tình nguyện ra tuyến đầu - Ảnh 7.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo