Hai giờ sáng, giữa bốn bề biển cả mịt mùng, con tàu lắc lư, dập dềnh theo mỗi đợt sóng. Hai chiến sĩ Dương và Mạnh trực quan sát, dán mắt vào màn hình radar. Bỗng Dương hét to: "Cấp báo! Đường phân định có tàu, nghi tàu chấp pháp nước ngoài".
Trưởng ca trực chỉ đạo: "Mạnh lên máy liên lạc nghề cá, cảnh báo ngay cho ngư dân. Dương báo cáo tình hình cho thuyền trưởng".
"Rõ" - hai chiến sĩ đồng thanh hô lớn…
Bất kể ngày hay đêm, khi mọi thứ chìm vào màn đêm, hay khi ông mặt trời còn chưa ló dạng, chúng tôi - những người lính biển - luôn sẵn sàng, cảnh giác cao độ với mọi tình huống có thể xảy ra như thế.
Đôi lúc cảm thấy chạnh lòng khi nghe ai đó thốt lên: "Đi biển lương cao mà lại nhàn" nhưng mấy ai thấu hết cảnh nguy nan. Có những ngày sóng to, gió lớn, mấy anh chiến sĩ trẻ không ăn nổi hạt cơm nào vì say sóng. Rồi mùa mưa bão đến, những con sóng cao quá đầu người thi nhau gào thét, boong tàu lúc nào cũng trắng xóa bọt nước, lắc lư như động đất, nằm còn không yên chứ đừng nói đến việc khác.
Thi thoảng trời quang mây tạnh, mẹ biển hiền hòa, mấy anh em lại xếp hàng ngồi cạnh nhau hướng mắt về phía đất liền. Nỗi nhớ cha mẹ, vợ con, người yêu cứ thế ùa về. Có chú lính trẻ thủ thỉ vào tai đồng đội về cô người yêu tròn mười tám đôi mươi.
Còn tôi chợt nhớ đến người vợ mà mới hôm qua gọi hỏi "khi nào anh về". Thì ra đã gần 1 năm tôi chưa về thăm nhà. Nhớ lại lúc ứng phó siêu bão Noru (bão số 4) vào cuối tháng 9 vừa qua, mỗi lần gọi về nhà, cô ấy lại hỏi dồn dập: "Trời có mưa không? Gió có lạnh không? Tàu có được đi tránh bão không?"... Thì ra ở nơi đầu sóng ngọn gió, chúng tôi đối mặt với nguy hiểm bao nhiêu thì nỗi lo của người thân tăng lên bấy nhiêu. Những người mẹ, người vợ không phút nào nguôi nhớ con, nhớ chồng.
May mắn và hạnh phúc thay, giữa đại dương mênh mông, ở nơi chân trời của Tổ quốc, chúng tôi luôn có bạn đồng hành, đó chính là ngư dân. Ngoài thực thi nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thì chúng tôi luôn đồng hành với ngư dân trên mọi dặm biển, giúp đỡ họ trong những lúc nguy nan. Có khi là làm thợ cơ khí giúp ngư dân sửa tàu chết máy, có khi làm bác sĩ cấp cứu ngư dân bị bệnh, tai nạn lao động.
Tổ sửa chữa tàu 212 sửa chữa hệ thống xupap nạp - xả, cầu dẫn cho tàu cá BV92664 TS của ông Hồ Ngọc khi đang đánh bắt trên biển
Nhớ lại trưa 24-9-2022, giọng nói trầm khàn xen lẫn lo âu của đầu dây bên kia vang lên trên máy liên lạc nghề cá. Sau khi xác định tàu cá mang số hiệu BV92664 TS do ông Hồ Ngọc (ngụ xã Phước Tĩnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm thuyền trưởng gặp sự cố hỏng máy, ngay lập tức, tàu 212 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cử tổ sửa chữa đến nơi. Bằng kiến thức chuyên môn, các chiến sĩ tổ sửa chữa xác định tàu bị hỏng hệ thống xupap nạp - xả, cầu dẫn rồi nhanh chóng bắt tay sửa chữa. Từ khoang máy đi lên, ai cũng lem luốc dầu mỡ nhưng rất vui vì giúp ngư dân tiếp tục hành trình đánh bắt.
Cũng trong tối hôm ấy, chúng tôi nhận lệnh ứng cứu tàu cá BV90150 TS của ông Bùi Văn Biểu (ngụ xã Phước Tĩnh). Sau khi tiếp cận được tàu cá của ông Biểu, do sóng to nên tổ sửa chữa tàu 212 nhanh chóng đu dây qua tàu cá. Trong đêm đen, chiếc tàu cá lắc mạnh khiến công việc sửa chữa không được suôn sẻ mấy. Nhìn tay cầm dụng cụ của chiến sĩ đưa qua đưa lại nhưng không thể tiếp cận đúng vị trí, ai cũng... cười ra nước mắt. Phải mất hơn 2 giờ vật lộn với sóng, mọi thứ mới hoàn tất, con tàu hoạt động bình thường. Chúng tôi bàn giao tàu cá cho ông Biểu, không quên gửi tặng ít rau mầm trồng trên đảo làm quà và những lời động viên, mong chuyến ra khơi bội thu.
Tổ Quân y tàu 212 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cấp cứu cho ông Nguyễn Văn Khôi, thuyền trưởng tàu cá BV5237 TS
Đáng nhớ nhất có lẽ là chuyến ứng cứu ngư dân vào chiều tối 14-10. Trong lúc các chiến sĩ tàu 212 đang dùng cơm thì nhận được yêu cầu giúp đỡ từ ông Nguyễn Văn Khôi (ngụ xã Phước Tĩnh), thuyền trưởng tàu cá BV5237 TS. Ông Khôi bị tai nạn lao động, cánh tay bị vật nhọn đâm để lộ vết thương lớn, mất máu nghiêm trọng. Ngay lập tức, chúng tôi lên đường.
Lúc vừa đến vị trí tàu neo đậu thì thời tiết bỗng nhiên thay đổi, gió giật, sấm gầm. Chiếc tàu đánh cá rung lắc dữ dội, việc tiếp cận và cứu chữa ngư dân gặp nạn không thể nào thực hiện. Sau khi đánh giá tình hình, chúng tôi quyết định cử 2 chiến sĩ chuyển ngư dân gặp nạn sang tàu 212. Một người cõng, người còn lại choàng tay giữ chặt bệnh nhân để ứng phó trường hợp bất ngờ xảy ra. Trời không chiều lòng người, những cơn mưa nặng hạt kéo đến làm mọi thứ đã khó lại càng khó hơn. Vừa bảo đảm cho bệnh nhân an toàn lại phải giữ vững thăng bằng để di chuyển nên tốc độ đã bị chậm lại. Cảm giác như đang giằng co, giành giật từng giây, từng phút với mẹ biển. Khi chỉ còn mấy bước chân nữa là đến tàu thì một cơn sóng to chồm tới làm cho mọi người chao đảo, nghiêng ngả, suýt té xuống biển. Cuối cùng nhờ nỗ lực của các chiến sĩ và hỗ trợ của ngư dân, bệnh nhân cũng được đưa về tàu 212 an toàn.
Nhìn ngư dân bị thương quằn quại trong cơn đau và có dấu hiệu không cầm được máu, ai cũng lo lắng. Không nghĩ được nhiều, chúng tôi lao vào cứu chữa nhanh nhất có thể, vì nếu chậm trễ, làm không tốt sơ cứu ban đầu thì khó có thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên an toàn. Bao ánh mắt dõi theo, bao niềm tin gửi gắm qua từng động tác của người lính quân y can trường. Hơn 2 giờ sau, tình trạng của bệnh nhân chuyển biến tốt hơn, khuôn mặt hồng hào trở lại, vết thương đã ngừng chảy máu. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, còn thuyền trưởng Khôi rối rít cảm ơn, ai nấy đều thấy xúc động. Khóe mắt cay cay không phải vì sợ hãi mà vì thấy quá đỗi tự hào khi được góp một phần công sức nhỏ nhoi của mình giúp ngư dân vững tâm hơn trong cuộc sống mưu sinh trên biển.
Thượng úy Phạm Văn Cường, Chính trị viên tàu 212, khẳng khái: "Khi làm nhiệm vụ trên biển, chúng tôi luôn túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng trong mọi tình huống, giúp đỡ ngư dân bất cứ lúc nào khi họ cầu cứu giúp đỡ. Với chúng tôi, ngư dân là người thân, giúp họ là mệnh lệnh từ trái tim".
Bình luận (0)