Theo nguồn tin Báo Người Lao Động, ngày 18-7, bị can Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), vừa tử vong.
Nguồn tin này xác nhận ông Trần Bắc Hà, hiện bị tạm giam ở 1 trại giam trên địa bàn TP Hà Nội, khoảng hơn 7 giờ sáng nay được đưa vào Bệnh Viện 105.
Ông Hà tử vong khi đang bị tạm giam để điều tra về những sai phạm trong hoạt động ngân hàng tại BIDV.
Trước đó, vào tháng 11-2018, ông Trần Bắc Hà đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng BIDV, theo Điều 206 Bộ Luật Hình sự 2015.
Ông Trần Bắc Hà
Vào cuối tháng 6-2018, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 27. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của ủy ban.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và Đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà - nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV.
Tầm ảnh hưởng lớn, sóng gió nhiều
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, quê huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ông bắt đầu làm việc tại BIDV năm 1981, từng giữ các chức vụ giám đốc Sở Giao dịch III của BIDV, giám đốc Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản BIDV, giám đốc Công ty Chứng khoán BIDV. Năm 1991, ông được bổ nhiệm làm giám đốc BIDV Chi nhánh Bình Định và giữ chức vụ này tới năm 1999.
Tháng 10-1999, ông Hà được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc BIDV, đến tháng 5-2002, là ủy viên HĐQT BIDV, tổng giám đốc BIDV. Từ tháng 1-2008 là chủ tịch HĐQT BIDV và sau này là chủ tịch HĐTV BIDV. Sau 35 năm gắn bó với BIDV, ông nghỉ hưu từ tháng 9-2016.
Ngoài BIDV, ông Trần Bắc Hà còn là chủ tịch HĐQT hàng loạt doanh nghiệp, như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Campuchia (IDDC), Công ty Đầu tư và Phát triển Myanmar (MIDC), Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư phát triển quốc tế (IIDC)... Ông Hà còn được biết đến với vai trò là chủ tịch các hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), Lào (AVIL), Myanmar (AVIM).
Dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV không ngừng lớn mạnh. Từ một ngân hàng với nguồn vốn chưa đến 13.500 tỉ đồng vào năm 2008, nay đã đạt hơn 34.000 tỉ đồng. Tổng tài sản của BIDV từ dưới 250.000 tỉ đồng tăng lên trên 930.000 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 13% tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam; lợi nhuận từ 2.000 - 3.000 tỉ đồng vọt lên 6.000 - 8.000 tỉ đồng/năm. Nhân sự của BIDV từ chỉ hơn chục ngàn người nay đã lên đến trên 24.000 người - nhiều nhất trong số các ngân hàng TMCP, chỉ đứng sau Agribank (hơn 40.000 người).
Có tầm ảnh hưởng lớn trong giới ngân hàng, tài chính nhưng những sóng gió liên quan đến ông Trần Bắc Hà cũng không ít. Giai đoạn 2010-2012, Ngân hàng Phương Nam, do ông Trầm Bê làm chủ, gặp khó khăn về thanh khoản. Ông Trầm Bê dùng tài sản của mình lẫn tài sản của Ngân hàng Phương Nam thế chấp để vay hàng ngàn tỉ đồng từ BIDV. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, ông Trầm Bê lại thu gom cổ phiếu, thâu tóm NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Về số tiền vay này, phải mất thời gian dài BIDV mới thu hồi đầy đủ.
Khi hàng loạt vụ đại án xảy ra trong ngành ngân hàng, tháng 2-2013, dư luận đồn đoán ông Hà bị bắt, kéo theo hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, thị trường chứng khoán tại Việt Nam "bốc hơi" gần 30.000 tỉ đồng. Ngày 8-8-2017, lại xuất hiện tin đồn ông Hà bị bắt, lập tức giá cổ phiếu "bốc hơi" 2 tỉ USD.
Với việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an chính thức thi hành lệnh bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà, mọi đồn đoán về hành tung của ông xem như chấm dứt.
Bình luận (0)