Sáng 3-8, mưa như trút nước xuống xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Xưởng chế biến lâm sản ở bản Hiềng, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn mất điện. Anh công nhân Phạm Bá Huy (SN 1993, quê xã Sơn Điện) đành nghỉ làm, nằm trong nhà xưởng.
Nếu được chọn, vẫn sẽ cứu người
Đột nhiên, anh nghe tiếng nước đổ về sông Luồng ầm ầm. Một số người trong xưởng chạy ra xem thì thấy ông Lương Văn Chon (SN 1966, ngụ bản Sa Ná, xã Na Mèo) đang ôm cây chống chọi với nước lũ giữa sông Luồng.
Nước sông Luồng chảy xiết. Nhiều giờ trôi qua, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm ra cách tiếp cận ông Chon. Đến 13 giờ, ông Chon có vẻ đuối sức, anh Huy xung phong bơi ra cứu ông Chon. Mọi người mặc cho anh Huy áo phao, rồi đưa can nhựa. Anh lần theo dây cáp tiến ra chỗ ông Chon.
Nước sông đổ cuồn cuộn, nhiều rác và cành cây vướng vào áo phao. Suốt 2 giờ vật lộn với lũ, anh mới lần tới chỗ ông Chon mắc kẹt để mặc áo phao cho ông. Lực lượng chức năng kéo ông Chon vào bờ. Lúc này, ông Chon gần như lả đi, trên người chi chít vết thương.
Vừa cứu được ông Chon thì dây cáp trợ giúp anh Huy vào bờ đứt phựt. Anh lại mắc kẹt đúng nơi ông Chon gặp nạn. Không có cách nào khả thi để đưa anh Huy vào bờ, mọi người đành chờ lực lượng cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Thanh Hóa đang trên đường tới. Khoảng 18 giờ, anh Huy ra hiệu rồi ôm can nhảy xuống sông Luồng bơi sang bờ bên kia.
"Trời đã tối, nước sông lại đang lên, tôi nghĩ ở lại chờ lực lượng cứu hộ không biết đến khi nào nên nhảy xuống sông. Bơi được 500 m, tôi chạm bờ bên kia, chui vào một chòi ngô của người dân, mượn quần áo thay cho đỡ lạnh rồi ngủ lại qua đêm. Sáng 4-8, tôi đi dọc bờ sông tìm chỗ qua sông trở về nhà. Giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ nhưng nếu được chọn, tôi vẫn nhảy xuống sông để cứu người gặp hoạn nạn" - anh Huy kể lại.
Vào cái đêm anh Huy bơi trong lũ dữ và may mắn thoát chết thì ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, anh Thao Văn Súa (SN 1986) tử vong trong lúc làm nhiệm vụ giúp dân ứng phó với bão số 3.
Ông Lương Minh Thông - Bí thư Huyện ủy Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa - kể anh Súa đã đi kiểm tra, nắm tình hình mưa lũ để di tản một số hộ dân ở khu vực nguy hiểm tới nơi an toàn. Thực hiện xong nhiệm vụ, anh Súa trên đường trở về thì bị đất đá trên núi ập xuống vùi lấp.
"Do lượng đất lớn ập xuống nên sáng 4-8 mới tìm thấy anh ấy. Anh Súa đã ngã xuống khi di tản xong các hộ dân tới nơi an toàn nên địa phương rất thương. Chúng tôi sẽ đề xuất cấp trên làm chế độ liệt sĩ cho anh ấy" - ông Thông nói.
Anh Súa ra đi để lại vợ và 3 con. Vợ anh không có công việc ổn định nên tất cả sống nhờ vào số tiền lương công an xã ít ỏi của anh.
Công an tỉnh Thanh Hóa đưa nạn nhân bị thương trong bản Sa Ná đi cấp cứu
Tiếp cận bản có 12 người mất tích
Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho hay bản Sa Ná, xã Na Mèo cách Quốc lộ khoảng 7 km, đường vào hết sức khó khăn. Nước dâng cao, muốn vào được bản phải sử dụng xuồng cao tốc để vượt sông Luồng, sau đó tiếp tục đi bộ khoảng 5 km mới đến bản. Trưa 4-8, một nhóm cứu hộ, cứu nạn khoảng 10 người đã vượt rừng vào được đến Sa Ná.
Đến chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Thanh Hóa đã dùng xuồng cao tốc đưa lực lượng chức năng cùng các nhu yếu phẩm qua sông để hỗ trợ người dân bị cô lập. Hiện có 5 người trong bản bị thương, được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn cứu chữa. Riêng em Nguyễn Minh Lâm (SN 2004) bị đa chấn thương nên sau đó đã được lực lượng cứu hộ dùng ca-nô vượt sông Luồng đưa ra ngoài.
"Hoạt động tìm kiếm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong số những người mất tích có hộ gia đình anh Hoàng Xuân Luyến (SN 1974) bị lũ cuốn trôi hết. Anh Luyến may mắn được người dân phát hiện đưa vào trạm xá cấp cứu, còn vợ là Nguyễn Thị Tiến (SN 1988) cùng 2 con nhỏ là Hoàng Hải Yến (18 tháng tuổi) và bé trai mới được 3 tháng tuổi đang mất tích" - ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo, thông tin.
Tìm kiếm 12 người mất tích
15 giờ ngày 4-8, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu và đoàn của tỉnh Thanh Hóa do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng dẫn đầu đã đi ca-nô từ sông Luồng sang bên kia sông, sau đó đi bộ khoảng 3 km tiếp cận bản Sa Ná để thăm hỏi, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Tỉnh Thanh Hóa đã huy động khoảng hơn 500 cán bộ, lực lượng vũ trang đi dọc 2 bên sông Luồng để tìm kiếm 12 người mất tích.
Bình luận (0)