*Phóng viên: Thưa ông, hiện có thông tin sẽ tạm dừng đề án Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, ông cho biết cụ thể lý do tại sao dừng ?
- Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi: Đề án Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh hiện nay vẫn chưa có chủ trương cuối cùng là dừng hay tiếp tục. Tuy nhiên, để triển khai dự án này trong nhiều năm qua, kể từ Đại hội Đảng bộ lần thứ 18, đã đặt ra vấn đề xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn và vùng phụ cận.
Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi làm đầu mối, thành lập Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh.
Khi triển khai thực hiện, đơn vị tư vấn nói nếu lập Công viên địa chất Lý Sơn và vùng phụ cận không thì nhỏ quá, không đủ diện tích, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện hình thành công viên địa chất toàn cầu. Do đó, đơn vị tư vấn đề nghị cho mở rộng quy mô, kéo đến Sa Huỳnh, bao trùm gần hết diện tích của tỉnh, hơn 4.500 km2, kể cả đất liền và mặt biển.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: Tử Trực
Việc mở rộng này đã được UBND tỉnh thống nhất, giao cho Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh phối hợp với đơn vị tư vấn để triển khai. Tuy nhiên, việc mở rộng này chưa đúng theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và chưa được cấp thẩm quyền cho ý kiến.
Vì vậy, về mặt pháp lý, dù UBND tỉnh có gửi hồ sơ, công văn để tổ chức UNESCO công nhận Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh nhưng hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vẫn chưa có quyết định chính thức về nội dung này.
Đoạn ghi âm phỏng vấn ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Sau khi rà soát toàn diện dự án, đánh giá mặt được, chưa được… nếu chúng ta trình UNESCO công nhận Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh thì hiệu quả kinh tế - xã hội chưa rõ ràng. Tuần trước, UBND tỉnh đã làm việc với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Sau buổi làm việc có thông báo kết luận yêu cầu Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch báo cáo cụ thể cho UBND tỉnh về Đề án Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, đánh giá mặt được, mặt chưa được nếu như đề án này tiếp tục, để UBND tỉnh có cơ sở báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Quan điểm cá nhân của chủ tịch, dừng thực hiện đề án Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh.
Các chuyên gia, nhà khoa học khảo sát thực hiện Đề án Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Ảnh: T.Trực
*Thưa ông, đề án Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh đã triển khai nhiều năm và đi vào Nghị quyết Đảng bộ tỉnh. Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã chi bao nhiêu tiền vào đề án đó ?
- Tôi nhớ không nhầm, số tiền chi cho Đề án Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh theo báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch khoảng 22 tỉ đồng.
Nếu Đề án Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh được cấp thẩm quyền cho dừng, kết thúc thì vẫn quyết toán tất cả các khoản. Bởi trong quá trình thực hiện đề án, có thể được, có thể không được chứ không phải bằng mọi giá. Đã được cấp thẩm quyền duyệt, bố trí kinh phí hàng năm, chi đảm bảo quy định thì việc quyết toán là bình thường.
Như Báo Người Lao Động thông tin, Đề án Công viên địa chất toàn cầu được triển khai từ năm 2015 với tên gọi ban đầu là Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn.
Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ngãi, nếu được công nhận công viên địa chất toàn cầu sẽ giúp tỉnh phát triển bền vững, thu hút khách du lịch. Nghị quyết Đảng bộ và HĐND tỉnh năm 2015 từng xác định việc thực hiện đề án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.
Đến năm 2017, UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn. Từ đó đến nay, đơn vị này đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng các chuyên gia quốc tế tiến hành hàng chục đợt khảo sát, với khoảng 160 hành trình khảo sát địa mạo, cảnh quan, và địa văn hóa nhằm xác định tổng thể các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản địa chất. Nhiều hội thảo, hội nghị quốc tế về công viên đã được tổ chức, thu hút hàng trăm nhà khoa học.
Cuối 2019, hồ sơ dự thảo về Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đã được gửi cho UNESCO và vượt qua vòng sơ loại. Theo quy định, tổ chức này sẽ biểu quyết bằng phiếu bầu tại Hội nghị thường niên của Đại hội đồng UNESCO dự kiến ban đầu tổ chức vào tháng 7-2020 tại đảo Jeju - Hàn Quốc. Tuy nhiên, do dịch Covid -19 bùng phát trên toàn cầu nên việc thẩm định bị hoãn.
Hiện ở Việt Nam có 3 nơi đã được công nhận công viên địa chất toàn cầu là Công viên đá Đồng Văn (Hà Giang), Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Đắk Nông.
Bình luận (0)