Du khách ăn 2 tô miến bị hét giá 700.000 đồng, một tô canh chua bị "chém" 250.000 đồng, còn nhiều nhà nghỉ, khách sạn mùa cao điểm bị thổi giá lên gấp đôi, gấp ba, khách phàn nàn có thể bị đánh. Đó là những gì đang diễn ra ở Đà Lạt - thành phố mộng mơ.
Cẩn trọng vẫn dính bẫy
Sau bài viết "Bát nháo chợ đêm Đà Lạt", một du khách tên Phát ở số máy điện thoại 0975408xxx gọi cho Báo Người Lao Động phản ánh bức xức. Theo đó, mùng 8 Tết vừa qua, gia đình 10 người của anh từ tỉnh Ninh Thuận đi du lịch Đà Lạt. Vào chợ Đà Lạt gửi xe máy, gia đình anh phải chịu 10.000 đồng/vé, mua hộp cháo trắng mất 50.000 đồng, khi phản ứng liền bị dọa đánh.
"Thật lòng ban đầu chúng tôi không tin Đà Lạt "chặt chém" đến vậy đâu bởi tỉnh Ninh Thuận và Đà Lạt giáp ranh kề nhau, đi chưa tới 100 km là đến nơi. Tuy nhiên, dịp Tết vừa qua, gia đình đi du lịch tại đây mới thấy chợ Đà Lạt không khác gì một cái "máy chém", chờ khách du lịch từ nơi khác đến "chặt"" - anh Phát bức xúc.
Cảnh đông đúc chen lấn, dịch vụ bát nháo đã làm mất đi Đà Lạt hiền hòa, mến khách
Không chỉ bị "chặt chém", anh Phát còn bức xúc hơn về cách ứng xử của những người tại chợ Đà Lạt. Gia đình vào bãi giữ xe gần chợ Đà Lạt, sau khi lấy phiếu thì có hỏi giá liền bị các thanh niên đuổi thẳng trước đông người chứng kiến. Còn khi thắc mắc về hộp cháo trắng có giá 50.000 đồng, lập tức 3 người người gần đó quây lại nói như hét: "Tụi bay dám trả lại không?!". Vì sợ bị hành hung nên anh đành mua 2 hộp cháo mất 100.000 đồng rồi bỏ đi.
"Rất mong chính quyền Đà Lạt xem xét, xử lý nghiêm kẻo đánh mất đi vẻ đẹp vốn có của thành phố du lịch nổi tiếng, con người hài hòa, thiên nhiên thơ mộng mà tôi từng biết" - anh Phát hy vọng.
Trong khi đó, nữ du khách tên Nhung đến từ TP HCM chia sẻ là nghe người ta kháo nhau chợ đêm Đà Lạt đẹp và thơ mộng "rất Đà Lạt" nên gia đình chị rồng rắn rủ nhau đi dạo chợ đêm. Trước khi đi, chị đã tìm hiểu rất kỹ trên các trang mạng xã hội để tránh chỗ này bị chặt chém, chỗ kia là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng... nhưng vẫn bị dính bẫy.
"Chưa kể, đến đây rồi thất vọng tràn trề, người thì đông đúc, chen lấn, khu phố đi bộ mà mạnh ai nấy đi, xe máy, ô tô, taxi chiếm hết chỗ. Hàng hóa bày bán ngổn ngang, lộn xộn, một số dịch vụ ăn uống tại chợ đêm tăng cao, nạn chèo kéo, mời mọc khách dạo chợ công khai rất phản cảm" - chị Nhung than vãn.
Tình trạng "chặt chém" xuất hiện ở nhiều điểm du lịch nhưng du khách phải chấp nhận vì không còn có sự lựa chọn nào khác. Đó là chưa kể nhiều đồ ăn, thức uống không bảo đảm vệ sinh nhưng du khách vẫn cứ phải dùng.
Khách đi chơi đã khổ, các "chủ nhà" cũng chẳng sung sướng gì. Cứ sau một ngày vui chơi của khách, trên các điểm tham quan là những bãi rác khổng lồ. Tiền chảy vào túi của những người làm dịch vụ, còn "hậu quả" về môi trường thì cả thành phố du lịch này gánh chịu.
Đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm
Một du khách tên là Lê Thanh Hải, đến từ Quảng Ngãi, cho rằng thiên nhiên ưu đãi Đà Lạt cảnh sắc, thời tiết tuyệt vời như vậy; lại thừa hưởng những di sản để lại mà nhiều nơi khác có ước ao cũng không được. Chợ đêm Đà Lạt là một thương hiệu của thành phố du lịch này từ rất lâu, không nên dẹp bỏ nét đẹp ấy mà các cơ quan chức năng nên quy định rõ ràng trách nhiệm của từng đơn vị quản lý.
"Cần sâu sát, lắng nghe nguyện vọng của người dân, du khách; tiếp thu những phản ánh để có điều chỉnh, quyết sách phù hợp. Phải xử lý nghiêm những trường hợp làm ăn chụp giựt, không để số ít người kinh doanh lưu manh làm hệ lụy đến cả một thành phố du lịch nổi tiếng lâu đời" - ông Hải thẳng thắn.
Liên quan đến sự việc nhân viên quán ăn Lệ Thủy đánh du khách ngất xỉu, nhập viện cấp cứu xảy ra tại chợ đêm Đà Lạt lúc 20 giờ ngày 6-3 vừa qua, nhiều người cho rằng để ngăn chặn nạn buôn bán côn đồ ở Đà Lạt, việc đầu tiên là rút giấy phép kinh doanh của quán ăn này, điều tra vụ việc, nếu có căn cứ phải xử lý hình sự. Tiếp theo là chấn chỉnh hoạt động của chợ đêm bởi nơi đây quá nhếch nhác và mất trật tự.
"Công an đâu, chính quyền địa phương đâu, tại sao để các quán ăn lộng hành như vậy? Không dẹp được nạn buôn bán "chặt chém", côn đồ ăn hiếp du khách thì Đà Lạt không còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn" - một bạn đọc góp ý.
Đại diện Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Lâm Đồng, cho biết: "Với sự việc xảy ra, tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo làm rõ và cương quyết xử lý mạnh tay dựa theo Bộ Quy tắc ứng xử đối với du khách, người dân và cơ sở kinh doanh trên địa bàn đã được ban hành vào năm 2017".
Xử phạt quán ăn xô xát với khách 2,5 triệu đồng
Trung tá Đỗ Ngọc Hòa, Trưởng Công an phường 1 (TP Đà Lạt), cho biết chiều 9-3, tại UBND TP Đà Lạt đã diễn ra cuộc họp giữa các bên liên quan trong vụ xô xát ở quán cơm chợ đêm Đà Lạt vào tối 6-3. Các bên đã làm rõ vụ việc và nhận trách nhiệm về mình. Riêng đại diện quán cơm Lệ Thủy đã nhận kiểm điểm và cam kết không tái phạm. Nếu tái phạm lần nữa sẽ bị tước giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.
"Vụ xô xát vừa qua chưa đủ căn cứ để khởi tố hình sự nhưng căn cứ vào khung hình phạt về hành vi "xâm hại đến sức khỏe người khác" thì mức phạt khoảng 2,5 triệu đồng. Dự kiến, sẽ có văn bản xử phạt chính thức đối với quán cơm Lệ Thủy vào sáng 12-3" - trung tá Đỗ Ngọc Hòa nói.
Kỳ tới: Những người Đà Lạt mất mát
Bình luận (0)