Sau 5 ngày diễn ra, Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII sẽ khép lại vào hôm nay (27-12). Nhìn tổng thể, đây là một trong những lễ hội có tác động tích cực đến du lịch.
Những điểm cộng và trừ
Những điểm cộng của Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VII thể hiện khá rõ trên nhiều mặt.
Thời điểm tổ chức khá lý tưởng. Tổ chức lễ hội vào mùa thấp điểm để kéo khách đến là việc nhiều nơi chưa dám. Kết hợp Festival vào mùa Giáng sinh là sự tính toán hiệu quả. Bất chấp thời tiết không thuận lợi do bão và áp thấp nhiệt đới, lượng khách đến Đà Lạt vẫn đông.
Vườn hoa Đà Lạt rực rỡ với bộ sưu tập hoa phong phú, sắp xếp hài hòa, tha hồ cho khách "selfie". Chợ phiên rau quả và triển lãm nông nghiệp công nghệ cao tại Công viên Văn hóa Đô thị (Golf valley) bề thế. Sự niềm nở và thân thiện tạo không khí ấm cúng để khách mua hàng và doanh nghiệp tìm đối tác, nhà phân phối.
Phố trà - Cà phê - Rượu vang ở đường Hồ Tùng Mậu cũng là nét chấm phá dễ thương. Còn khu vực Hòa Bình là thế giới của "kính thưa các loại vang Đà Lạt", với không gian tràn ngập màu sắc và hương vị vang, được uống thử thoải mái, mê hoặc cả những người chưa hề đụng tới rượu bia.
Vườn hoa Đà Lạt, điểm nhấn ấn tượng của Festival
Thêm vào đó, chợ phiên rau quả và triển lãm nông nghiệp công nghệ cao giữ cho môi trường luôn sạch đẹp. Phố ẩm thực ở các đường Tăng Bạt Hổ, Trương Định, 3 Tháng 2 cứ như những chợ đêm ở Đài Loan.
Thế nhưng, Festival Hoa Đà Lạt cũng có không ít điểm trừ. Khai mạc và bế mạc cứ "vũ như cẩn", hoành tráng về tiền bạc (nghe đâu gần chục tỉ đồng?) với công thức truyền hình trực tiếp - sân khấu hóa - báo cáo dài dòng - kính thưa lê thê… Nhiều người tham dự tới phần phát biểu là bỏ về vì chán.
Hội chứng sân khấu là đặc trưng của các lễ hội ở Việt Nam. Ngoài sân khấu khai mạc, bế mạc còn có sân khấu ở khu Hòa Bình. Âm thanh và nội dung phá hỏng thế giới rượu vang lãng mạn. Sân khấu còn được tổ chức cả trong vườn hoa Đà Lạt vào buổi tối. Âm thanh tra tấn hoa - vốn thích sự tĩnh lặng dịu dàng. Đà Lạt thiếu gì không gian công cộng để tổ chức sân khấu!
Ý thức của khách tham gia quá kém, dù không phải là tất cả. Bất chấp bảng cấm và dây ngăn, nhiều người vẫn vô tư vào giữa các luống, giẫm đạp lên hoa để chụp ảnh. Xả rác bừa bãi hình như là văn hóa của không ít người Việt. Nhiều nhất là khu vực trước chợ Đà Lạt. Mấy quán ẩm thực ven đường ngập ngụa rác dưới chân mà không ai dọn dẹp…
Cần tư duy đột phá
Festival là ngày hội nhưng chỉ thấy vai trò của ban tổ chức, còn người dân Đà Lạt gần như dửng dưng ngoài cuộc.
Trừ các điểm tổ chức lễ hội, chỉ vài trục đường được làm đẹp. Nếu nhà cửa, cơ quan được làm đẹp, "make up" thêm hoa, cây xanh và ánh sáng, tạo không gian kỳ thú làm nền cho các hoạt động Festival thì rất tuyệt, bên cạnh đó là khuyến khích các nhà thờ và họ đạo trang trí mừng Giáng sinh và hưởng ứng Festival. Chỉ cần bớt vài tỉ đồng kinh phí tổ chức khai mạc và bế mạc, lấy tiền đó làm các giải thưởng "Trang trí đẹp và ấn tượng nhất" cho các nhà dân, trụ sở cơ quan, các đường phố… để kích hoạt sự tham gia hồ hởi và tích cực của cộng đồng.
Nên đổi tên Festival Hoa Đà Lạt thành Festival Đà Lạt, nếu không làm hằng năm thì có thể 2 - 3 năm. Đà Lạt không chỉ có hoa mà còn nhiều thứ khác. Đó là những ngày hội của các sản phẩm Đà Lạt. Ngoài hoa còn có rau, củ, quả, rượu vang, trà, cà phê, tơ tằm, du lịch; những sản phẩm đặc trưng làm nên thương hiệu Đà Lạt. Tại sao không có buffet rau củ, trái cây, rượu vang, trà, cà phê? Festival cũng là dịp giới thiệu những điểm đến mới của xứ sở ngàn thông.
Ngay bây giờ, phải tính toán cho Festival lần VIII. Mỗi Festival là một dấu ấn du lịch, có sản phẩm để lại sau khi kết thúc. Nên khai mạc đúng dịp Noel và kéo qua Tết nguyên đán. Làm sao để người Việt mỗi năm đến Đà Lạt ít nhất một lần và nhất định không thể bỏ qua dịp Festival.
"Chúng ta không thể giải quyết những vấn nạn của mình với cùng trình độ tư duy khi những vấn nạn đó được tạo ra" (Albert Einstein). Để có được những thành tựu đột phá thì cần những tư duy đột phá. Phải thay đổi nhận thức để chuyển biến thành hành động cụ thể.
Hội An thành công nhờ biết khai thác
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, trong năm 2017, doanh thu du lịch toàn tỉnh ước đạt 3.860 tỉ đồng (tăng 24,5% so với năm 2016). Đáng chú ý, trong tổng số 5,3 triệu lượt khách đến Quảng Nam, riêng TP Hội An đón 3,22 triệu lượt khách (tăng 21,66%).
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết Hội An thành công bước đầu trong phát triển du lịch là nhờ biết cách khai thác tiềm năng, lợi thế về văn hóa; tạo được sự đồng thuận giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong phát triển du lịch.
Tr.Thường
Bình luận (0)