Nông sản, đặc biệt là rau quả và hoa của Đà Lạt, từ lâu đã nổi tiếng chất lượng tốt, năng suất cao, đa dạng, được canh tác theo mô hình nhà kính. Thế nhưng hiện nay, nhà kính "tấn công" sâu vào các phường nội ô TP Đà Lạt và lộ dần mặt trái của mô hình này.
Đi đâu cũng thấy nhà kính
Hơn 20 năm trước, Đà Lạt bắt đầu phát triển mạnh mô hình nông nghiệp nhà kính vì cây sinh trưởng mạnh, năng suất cao, chất lượng tốt, sản phẩm đẹp. Từ việc làm nông phải "trông trời, trông mưa, trông nắng", người nông dân đã chủ động được gần như mọi thứ liên quan đến cây trồng của mình. Đây được xem là cú hích tạo nên tiếng tăm cho nông nghiệp của thành phố cao nguyên này.
Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 4.500 ha nhà kính thì Đà Lạt chiếm gần 2/3 tổng diện tích này với hơn 2.900 ha (tính đến cuối năm 2022). Sau hơn 20 năm phát triển ồ ạt, đến nay 10/12 phường nội ô TP Đà Lạt (trừ phường 1 và 2) đều có nhà kính. Nhiều khu vực từ núi đồi cho đến thung lũng, từ các xã ngoại thành cho đến các phường nội ô phủ khắp một màu trắng đục của ni-lông làm nhà kính.
Từ đường Hùng Vương đi ra dốc Sương Mờ đến vòng xoay Trại Mát, không khó để nhìn thấy khung cảnh bạt ngàn mái nhà kính, kéo dài hàng ki-lô-mét từ một vùng thung lũng rộng lớn đến tận chân các ngọn núi và đang "trèo" lên cả triền dốc.
Buổi tối từ dốc Sương Mờ nhìn xuống, vùng nhà kính được ví von là "thung lũng đèn" vì hàng triệu bóng điện được thắp sáng xuyên đêm. Cảnh tượng này có thể làm cho nhiều du khách thích thú check-in nhưng nó cùng với hàng ngàn hecta nhà kính khác đang góp phần gây ra nhiều hệ lụy không chỉ riêng cho Đà Lạt mà cho cả tỉnh Lâm Đồng.
Tính đến cuối năm 2022, trong 16 phường, xã của TP Đà Lạt, chỉ có phường 1 và 2 không có nhà kính. Diện tích nhà kính lớn nhất thuộc phường 7 với 751 ha, chiếm hơn 1/4 số nhà kính của thành phố và 1/6 của toàn tỉnh; theo sau là phường 11 có 485 ha, xã Xuân Thọ và phường 12 cùng có 430 ha, phường 8 có 275 ha, phường 5 có 190 ha...
Trong tháng 6 và 7-2023, Đà Lạt có nhiều lần ngập úng nặng, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố. Ngoài vấn đề thời tiết, quy hoạch, thoát nước... thì hiện trạng xây dựng nhà kính tràn lan cũng được kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, nhìn nhận là một nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng này.
"Mưa rơi xuống thì thấm đất trước, không thấm được nữa sẽ chảy ra hệ thống thoát nước. Giờ đây nhà kính rất nhiều, mưa không thấm xuống đất tại chỗ nên chảy vào kênh mương rồi đổ về Đà Lạt, ngập là không tránh khỏi" - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM phân tích.
Còn theo tiến sĩ khoa học - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Đà Lạt hiện nay bê-tông hóa quá cao so với cây xanh. Việc phát triển nhà kính cũng là một dạng bê-tông hóa khác, do diện tích nhà kính hiện rất lớn, không thẩm thấu nước. Trong khi đó, hệ thống cống không được thiết kế để đáp ứng đủ diện tích bê-tông hóa như vậy. Khi mưa, cộng thêm địa thế nước chảy từ cao xuống thấp rất nhanh, hệ thống cống của Đà Lạt không kham nổi.
Không chỉ góp phần gây ngập thành phố du lịch Đà Lạt, nhà kính cũng đang là tác nhân gây suy giảm nước ngầm, tăng nhiệt độ, phá vỡ cảnh quan đô thị, khiến đất cằn cỗi, ô nhiễm hóa chất từ thuốc bảo vệ thực vật…
Nhà kính phủ trắng TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Gần 177 tỉ đồng xử lý nhà kính
Đầu năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án "Quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" với tổng kinh phí gần 177 tỉ đồng. Đề án sẽ từng bước di dời, giải tỏa diện tích nhà kính xây dựng trái phép; chuyển đổi sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp không sử dụng nhà kính...
Theo đề án, nông dân khi chuyển đổi canh tác nông nghiệp trong nhà kính sang sản xuất ngoài trời sẽ được hỗ trợ một lần 70% chi phí mua giống cây trồng, thiết bị, vật tư thiết yếu để sản xuất trên diện tích chuyển đổi. Còn đối với trường hợp xây dựng nhà kính mới theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại sẽ được hỗ trợ vay vốn.
TP Đà Lạt đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án và đặt mục tiêu từng bước sẽ giảm diện tích nhà kính. Năm 2023 diện tích nhà kính giảm 5%, còn 2.766 ha; năm 2024 giảm 10%; năm 2025 giảm 35%.
Mục tiêu đến năm 2030, Đà Lạt giảm dần và tiến tới không còn nhà kính tại các phường nội ô. Đối với 4 xã Tà Nung, Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành, sẽ khống chế diện tích nhà kính không quá 20% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp.
UBND TP Đà Lạt khẳng định thành phố thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030 giảm dần và không còn diện tích nhà kính khu vực nội ô. Tuy nhiên, tùy theo mô hình, vị trí cụ thể, quy mô đầu tư, căn cứ theo quyết định phê duyệt, công nhận điểm du lịch canh nông..., thành phố đề xuất xem xét để duy trì đối với những mô hình nhà kính đạt chuẩn theo hướng dẫn của các ban, ngành chức năng.
Thành phố cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật nhà kính, quy chế quản lý nhà kính; Sở Xây dựng hướng dẫn các quy định, quy trình, thủ tục, quản lý xây dựng nhà kính... để TP Đà Lạt làm cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng quy định.
Học tập nông nghiệp của Hà Lan
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng Lâm Đồng là tỉnh phát triển khá nhanh, trong cơ cấu kinh tế thì nông nghiệp chiếm 37%.
Hà Lan hiện nay là nước phát triển nhưng tỉ trọng nông nghiệp của họ cũng chiếm gần 50%. Lâm Đồng có thể nhìn Hà Lan để học hỏi. "Trong toàn bộ chiến lược phát triển, Lâm Đồng phải tính toán lồng ghép vấn đề phòng chống thiên tai, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp... để nông nghiệp vẫn là một trong những trụ cột phát triển chính của địa phương" - ông Hiệp đề nghị.
Bình luận (0)