Thời gian gần đây, hết nghe những câu chuyện đầu độc rừng thông lấy đất sản xuất, phá thông xây hàng chục biệt thự "chui" giữa rừng, lại đến quy hoạch chi tiết Trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt trong đó có Dinh Tỉnh trưởng… làm những người yêu Đà Lạt không khỏi xót xa.
Gần 30 năm trước, nếu ai rảo bước trên những đồi thông nằm sâu bên trong hồ Tuyền Lâm sẽ không khỏi rùng mình bởi mênh mông là rừng, đi đâu cũng chỉ thấy thông, không biết đường ra. Ngày đó, có đám sinh viên nghèo cuốc đất thuê cho những người từ TP HCM lên trồng hồng, tối ngủ lại ven hồ, sợ rợn người khi vẳng trong rừng như có tiếng sói hú. Giờ, rừng đã rỗng ruột để nhường chỗ cho những homestay, khu nghỉ dưỡng mọc lên. Thắng cảnh cấp quốc gia hồ Tuyền Lâm giờ là nỗi nhức nhối của Lâm Đồng về tình trạng phá rừng, xây dựng trái phép với hàng chục công trình, đến mức Chính phủ từng lên tiếng.
Xây dựng hơn 50 biệt thự trên đất rừng thông nhưng chính quyền địa phương không biết ai là chủ đầu tư. Ảnh: ĐÌNH THI
Mà đâu chỉ có rừng thông quanh hồ Tuyền Lâm, rất nhiều cánh rừng thông ở Đà Lạt và nhiều huyện ở Lâm Đồng cũng lâm vào tình trạng bị tàn phá để lấy đất sản xuất, xây dựng nhà hàng, khu du lịch, thậm chí băm nát cả rừng thông chỉ để… khai thác đá như ở đồi Du Sinh. Và rất lạ là có những công trình phá thông, xây dựng "chui" đến hơn 50 căn biệt thự như ở chân núi Voi cạnh thắng cảnh cấp quốc gia hồ Tuyền Lâm thuộc Tiểu khu 268 nhưng chính quyền địa phương lại chẳng biết ai là chủ đầu tư. Một nhà dân xây dựng tường rào không xin phép hôm trước thì hôm sau đã có cán bộ địa phương "hỏi thăm", còn ở đây… há chẳng phải "con voi chui lọt lỗ kim"? Nếu không có sự tiếp tay, ngó lơ của chính quyền, liệu những "lâm tặc hạng sang" có làm được như vậy?
Rất nhiều công trình phá thông, xây dựng trái phép, được chính quyền xử phạt, yêu cầu tháo dỡ nhưng đến giờ vẫn cứ bày ra đấy, vẫn cứ trêu ngươi như kích thích những kẻ tham lam có ý định phá rừng: "Làm đi! Rồi sẽ hợp thức hóa thôi".
Trong khi đó, Đà Lạt lại dường như đang mắc mớ trong việc bảo tồn hơn 1.500 ngôi biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1975. Nói mắc mớ vì nếu chính quyền "ôm" để vừa bảo tồn vừa kinh doanh thì không xuể, còn cho thuê thì bị biến tướng, nhếch nhác. Vì vậy, dù chính quyền TP Đà Lạt đã lập đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước nhưng số biệt thự thực sự đưa vào kinh doanh du lịch hiệu quả lại chẳng được bao nhiêu, trong khi những ngôi biệt thự bị bỏ hoang lại cứ nối dài. Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy con số thật đau lòng. Chỉ hơn 20% số biệt thự còn nguyên trạng hoặc được tu sửa; 30% hư hỏng nặng; gần 50% bị cơi nới, cải tạo, thay đổi cấu trúc diện mạo.
Rừng thông và những ngôi biệt thự cổ được xem là "đặc sản" của Đà Lạt. Một Đà Lạt được ví như "tiểu Paris" với sương mù, với khí hậu mát mẻ, với ngàn hoa và cả sự cổ kính sẽ còn gì nếu chẳng còn rừng thông và những ngôi biệt thự cổ? Một Đà Lạt được định hướng xây dựng thành đô thị di sản sẽ phải đặt những viên gạch đầu tiên từ đâu nếu rừng thông và những ngôi biệt thự cổ không còn?
Bình luận (0)